Mệnh lệnh từ trái tim

06:11, 20/11/2020

"Yêu nghề, mến trẻ" có lẽ chính là mệnh lệnh từ trái tim của những người nuôi dạy trẻ ở vùng sâu Đưng K'Nớ. Suốt 15 năm qua, chính mệnh lệnh không lời ấy đã đốt nên ngọn lửa yêu thương giúp các cô giáo vượt qua mọi khó khăn để mang về trọn vẹn nụ cười con trẻ.

“Yêu nghề, mến trẻ” có lẽ chính là mệnh lệnh từ trái tim của những người nuôi dạy trẻ ở vùng sâu Đưng K’Nớ. Suốt 15 năm qua, chính mệnh lệnh không lời ấy đã đốt nên ngọn lửa yêu thương giúp các cô giáo vượt qua mọi khó khăn để mang về trọn vẹn nụ cười con trẻ.
 
Cô và trò Trường Mầm non Đưng K’Nớ
Cô và trò Trường Mầm non Đưng K’Nớ
 
Giấc mơ…
 
Nằm trên ngọn đồi cao, Trường Mầm non Đưng K’Nớ đẹp đẽ, khang trang giữa bốn bề cà phê xanh mát. Ở nơi ấy, dường như mọi ngóc ngách đều được chăm chút bởi tất cả tình yêu thương. Các cô giáo xin lốp xe cũ, nhặt đá cuội bên suối về sơn, vẽ làm đồ trang trí. Khắp nơi trong trường đều có cây xanh. Thư viện, khu vui chơi đều được tự tay các cô giáo làm nên từ các vật dụng bằng tre nứa… Cơ sở vật chất khang trang ấy mới được đưa vào sử dụng từ đầu năm học 2020 - 2021. Cô Nguyễn Thị Nông - Hiệu trưởng nhà trường bảo rằng: “Hiện thực hôm nay, chính là giấc mơ mà nhiều năm về trước các cô giáo ở nơi này không dám tin sẽ thành hiện thực”.
 
Trường được thành lập vào tháng 7/2005 khi chưa có phòng làm việc  cho cán bộ, giáo viên. Các lớp học làm bằng tre, nứa, một số lớp học phải học nhờ nhà dân. Sân chơi và đồ chơi không chỉ là mơ ước của trẻ mà còn là ao ước của chính các thầy cô. Đây là ngôi trường với 95% trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm đầu thành lập, liên tục đều đặn hàng ngày, vào đầu mỗi giờ học, các cô giáo lại đến các gia đình để vận động phụ huynh đưa con em đến lớp. Trường hiện có 1 điểm chính đóng tại Thôn 2 thuộc trung tâm xã và 2 phân trường tại thôn Lán Tranh và thôn Đưng Trang. Các phân trường cách điểm trường chính hơn 10 km. Đưng Trang chỉ có 31 hộ dân với một lớp ghép ở 3 độ tuổi. Đây cũng là điểm trường khó khăn nhất, mùa mưa chỉ có thể lội bộ đi vào. Bởi quá vất vả khó khăn nên Trường Mầm non Đưng K’Nớ định kỳ từ 1 học kỳ đến một năm sẽ luân chuyển giáo viên vào điểm trường Đưng Trang. Khó khăn là vậy nhưng các cô giáo vẫn thường trêu đùa nhau điểm trường Đưng Trang là nơi xe duyên hạnh phúc bởi mấy năm về trước, mùa mưa, nước suối dâng đột ngột, cô giáo Cil Múp Brỡn trên đường vào điểm trường bị nước cuốn cả người và xe xuống suối. Có chàng trai ở Đưng Trang đã liều mình nhảy xuống dòng nước mạnh cứu cô giáo. Từ đó hai người nên nghĩa vợ chồng. 
 
Mùa đông, thời tiết ở Đưng K’Nớ vô cùng lạnh giá, tận 10h nắng lên vẫn chưa hết buốt song các bé vẫn đi chân không, áo không đủ ấm tới trường. Chứng kiến cảnh ấy thương các cháu mà giận phụ huynh. Nhưng khi đến tận nhà, thấy bữa cơm của họ chỉ có cháo và rau rừng pha chút muối khi cà phê bị sương muối hay mất giá hoặc cũng có khi lặn lội nhiều ngày trời trong rừng tìm lan, tìm mật ong mà trở về tay trắng thì cũng không thể đòi hỏi ở họ gì thêm. Đã có lần các cháu đi học về bữa trưa không có ăn vì ba mẹ đi làm xa, chiều lên lớp đã xỉu vì đói. Để tránh tình trạng này, Ban giám hiệu nhà trường đã tiến hành họp phụ huynh học sinh, hội đồng giáo dục nhà trường và tham mưu với UBND xã đi đến thống nhất tổ chức bán trú cho trẻ. 
 
“Yêu nghề, mến trẻ”
 
Lúc đầu việc tổ chức bán trú nhà trường cũng gặp không ít khó khăn do đội ngũ cán bộ giáo viên ít, lại có tới 3 điểm trường cách xa nhau, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Vượt qua tất cả những khó khăn, năm học 2014-2015, nhà trường đã mạnh dạn tổ chức bán trú tại cả 3 điểm trường. Trong đó, tại điểm trường chính có 1 cô nuôi nấu ăn cho 72 trẻ, tại điểm trường Lán Tranh và điểm trường Đưng Trang, các cô vừa dạy vừa kiêm luôn công việc nấu ăn. Tiền hỗ trợ ăn trưa mỗi trẻ 120.000 đồng một tháng theo quy định của Nhà nước chưa thể đáp ứng nên nhiều năm qua, các cô giáo tự xoay xở để con trẻ có bữa ăn ngon, có quần áo ấm.
 
Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nông cười bảo rằng nhiều người nói  cô đổi tên thành Nguyễn Thị Xin. Nhưng sau câu chuyện ấy là rất nhiều nỗi niềm, trăn trở. Bởi cô ban đầu đã vận động chính các cô giáo mỗi người 20 ngàn đồng/tháng, nhà ai có rau, có củ góp vào nấu cơm cho các cháu. Và suốt nhiều năm qua,  cô hiệu trưởng đã gõ cửa các nhà hảo tâm, các tổ chức thiện nguyện để có thêm nguồn hỗ trợ gạo, thức ăn và nhu yếu phẩm cho các cháu. 
 
Nếu như trẻ em thành phố phải dỗ dành mới ăn hết chén cơm, thì với những đứa trẻ ở Đưng K’Nớ, giờ ăn đối với các em luôn là “giờ hạnh phúc”.
 
25/27 cán bộ giáo viên của trường là người DTTS. Nên hơn ai hết họ hiểu những khó khăn, thiệt thòi của các cháu. Bởi vậy, với những cô giáo ở nơi này, nhìn các con được ăn no, mặc ấm, được ngủ ngon, mọi vất vả đều xứng đáng.
 
Chính sự chăm lo ấy của các cô giáo đã tạo nên niềm tin lớn trong những bậc làm cha mẹ. Ở nơi này, cứ vào mùa cà phê, phụ huynh mang con gửi rất sớm và đón rất muộn. Họ an tâm trong cuộc mưu sinh bởi những đứa trẻ đón muộn ấy lúc tan học sẽ được các cô giáo trẻ sống tại nhà công vụ chăm lo. Cô và trò cùng tưới nước, chăm sóc vườn rau của trường. Đêm về cô ăn gì, trò ăn nấy. Cô Nguyễn Thị Nông khẳng định, “nếu không yêu nghề, mến trẻ không thể nào làm được”. Những bậc cha mẹ chân chất, nghèo khó ở Đưng K’Nớ đã không ngại ngần mà tâm sự rằng, các cháu đi học sướng hơn ở nhà. Và chính họ giờ đây cũng đã hiểu được việc chung tay cùng các cô chăm sóc con trẻ. Không thể chung sức bằng tiền bạc, họ góp công, góp sức. Mọi việc của trường khi cần đều có bà con chung tay, bó rau, buồng chuối từ vườn nhà là món quà đơn sơ mà nghĩa tình dành cho cô giáo. Vườn rau của trường có phụ huynh phụ giúp xới đất trồng cải, làm giàn để su su leo… Nụ cười của trẻ nhỏ, niềm tin của phụ huynh chính là động lực để những cô giáo ở nơi này không ngừng cố gắng.
 
Các cô giáo ở Trường Mầm non Đưng K’Nớ bảo rằng, trong các cuộc thi trước đây, trường chưa bao giờ ghi được tên mình vào các bảng thành tích. Nhiều người thường bảo “K’Nớ mà”. Nhưng giờ đây, sau chuỗi ngày dài nỗ lực tự học và phấn đấu, các cô giáo ở mầm non Đưng K’Nớ 100% đạt chuẩn đã chạm tay mình vào những giải thưởng cao nhất ở cấp huyện và thậm chí được cử đi tham dự các cuộc thi cấp tỉnh. 
 
Mùa hiến chương nhà giáo năm nay, các cô giáo ở Trường Mầm non Đưng K’Nớ như vui hơn bởi trường đón nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Đạt được đã khó, giữ và phát huy càng khó hơn. Nhiều nhiệm vụ tiếp tục đặt ra trước mắt, nhưng có lẽ với tấm lòng “yêu nghề, mến trẻ” những cô nuôi dạy trẻ ấy sẽ đủ nghị lực và niềm tin để vượt lên trên mọi thứ cho tiếng cười con trẻ vang giòn ở nơi tận cùng con đường Đông Trường Sơn.
 
NGỌC NGÀ