Tưởng nhớ "những người nằm lại phía chân trời"

01:01, 16/01/2021

(LĐ online) - Sáng đầu năm nắng vàng như mật, những người con từ phố núi xuôi về phía biển, ghé thăm Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Đến đó, để được ngắm nhìn những kỷ vật, nghe những câu chuyện vẫn còn sống mãi trong trái tim dân tộc Việt Nam – về 64 con người quả cảm đã mãi nằm xuống dưới biển sâu, quyết bảo vệ chủ quyền cho vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

(LĐ online) - Sáng đầu năm nắng vàng như mật, những người con từ phố núi xuôi về phía biển, ghé thăm Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Đến đó, để được ngắm nhìn những kỷ vật, nghe những câu chuyện vẫn còn sống mãi trong trái tim dân tộc Việt Nam – về 64 con người quả cảm đã mãi nằm xuống dưới biển sâu, quyết bảo vệ chủ quyền cho vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”
 
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma thuộc thôn Thủy Triều, xã Cam Hải, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, khánh thành vào tháng 7/2017. Công trình được đoàn viên công đoàn, người lao động cả nước đóng góp kinh phí khoảng 150 tỉ đồng, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa xây dựng. 
 
Khu tưởng niệm thể hiện hành trình khát vọng, yêu hòa bình và tôn trọng chân lý của dân tộc Việt Nam, gồm cụm tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời", khu trưng bày các hiện vật về biển đảo, kỷ vật của 64 chiến sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma, Quảng trường Hòa Bình, khuôn viên cây cảnh, đường dành cho người khuyết tật, người đi bộ…
 
Phần tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” được xem là trái tim của khu tưởng niệm. Trong đó, cụm tượng giữa “Vòng tròn bất tử” gồm 9 hình tượng cách điệu các chiến sỹ Gạc Ma, giữa biển cả mênh mông đầy sóng gió, quyết một lòng bảo vệ lá cờ Tổ quốc, bảo vệ lãnh thổ.
 
Bao quanh hình ảnh các chiến sỹ là “Vòng tròn bất tử’, biểu tượng của mặt trời chân lý và sự đồng tâm hiệp lực của các thế hệ người Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. 
 
64 bông hoa muống biển tại Bảo tàng ngầm tượng trưng cho 64 chiến sĩ Gạc Ma
64 bông hoa muống biển tại Bảo tàng ngầm tượng trưng cho 64 chiến sĩ Gạc Ma
 
Bảo tàng ngầm hình tròn quanh hồ nước với 64 bông hoa muống biển bao quanh lá cờ Tổ quốc, tượng trưng cho 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vào ngày 14/3/1988. Đây là nơi trưng bày các bằng chứng pháp lý và lịch sử về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói chung và đảo Gạc Ma nói riêng. Đồng thời, bảo quản, lưu giữ những hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các liệt sĩ Gạc Ma. Trong đó, có những lá thư cuối cùng các anh gửi về gia đình, có chiếc khăn mẹ đan, tấm áo cha tặng trước ngày lên đường nhận nhiệm vụ... Ngoài ra, còn có hình ảnh tóm tắt sự kiện tại đảo Gạc Ma trong trận chiến với hải quân Trung Quốc ngày 14/3/1988.
 
Dưới tán những cây tra xanh lá, Quảng trường Hòa Bình hướng về phía Biển Đông cùng với khu mộ gió của 64 liệt sĩ Gạc Ma với đầy đủ họ tên, địa chỉ. Đây là chốn đi về của những người con hy sinh để bảo vệ biển đảo Tổ quốc Việt Nam thân yêu. 
 
Đến nay, Khu tưởng niệm đã trở thành nơi để hàng ngàn người dân, cùng nhiều thân nhân liệt sĩ đến dâng hương, tưởng niệm vào ngày 14/3 mỗi năm. Sự linh thiêng và cả niềm xúc động khi đến nơi đây, nhắc nhớ các thế hệ đời sau không quên sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ tại Gạc Ma.
 
Bảo tàng lưu giữ những kỷ vật của các chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma năm 1988
Bảo tàng lưu giữ những kỷ vật của các chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma năm 1988

 

Tấm áo, đôi dép của các chiến sĩ được lưu giữ lại tại bảo tàng
Tấm áo, đôi dép của các chiến sĩ được lưu giữ lại tại bảo tàng

 

Bùi ngùi xúc động trước hình ảnh các chiến sĩ đã hy sinh khi chỉ đang ở tuổi hai mươi
Bùi ngùi xúc động trước hình ảnh các chiến sĩ đã hy sinh khi chỉ đang ở tuổi hai mươi
 
THIÊN BÌNH – HÀ THANH