Đồng lòng trên trận tuyến phòng chống dịch Covid-19

04:08, 02/08/2021

(LĐ online) - Hơn 1 tuần nay, toàn xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng đang thực hiện giãn cách để phòng chống dịch Covid-19...

(LĐ online) - Hơn 1 tuần nay, toàn xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng đang thực hiện giãn cách để phòng chống dịch Covid-19. Để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, huyện Đức Trọng và xã Hiệp Thạnh đã thành lập 9 chốt kiểm soát tại những điểm giao nhau giữa xã Hiệp Thạnh và các địa phương khác. Lực lượng tình nguyện viên ở các chốt đã không quản ngại khó khăn, vất vả, ứng trực thường xuyên nhằm kiểm soát chặt chẽ an ninh tại các chốt, góp phần đảm bảo an toàn cho cộng đồng...
 
Giữa trưa nắng nóng, trong bộ đồ bảo hộ, anh Nguyễn Ngọc Châu vẫn cần mẫn xịt khuẩn các phương tiện trước khi ra khỏi xã Hiệp Thạnh
Giữa trưa nắng nóng, trong bộ đồ bảo hộ, anh Nguyễn Ngọc Châu vẫn cần mẫn xịt khuẩn các phương tiện trước khi ra khỏi xã Hiệp Thạnh
 
Vững vàng nơi tuyến đầu
 
Kể từ khi các thôn Fi Nôm và thôn Phú Thạnh (xã Hiệp Thạnh) thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, 3 thôn còn lại của xã Hiệp Thạnh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, Thiếu tá cảnh sát giao thông Phạm Trung Lập nhận nhiệm vụ tăng cường về chốt kiểm soát. Anh được phân công làm đội trưởng của 2 chốt kiểm soát do Công an huyện Đức Trọng thành lập trên địa bàn xã Hiệp Thạnh.
 
Lều khai báo y tế, cũng là nơi giao ban giữa các kíp trực. Mọi thứ đều tối giản, nhanh gọn. Nhưng số liệu, các vấn đề phát sinh được cập nhật, ghi chép đầy đủ để đảm bảo việc kiểm soát phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao nhất.
 
Thiếu tá Phạm Trung Lập chia sẻ: "Cái khó khăn vất vả nhất đối với lực lượng tại chốt là về thời tiết, lúc nắng gay gắt và nóng, nhưng có lúc mưa to, gió mạnh, nhưng chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”.
 
Mỗi chốt có 8 chiến sĩ bám chốt thường xuyên, chia làm 2 ca, thay phiên nhau trực chốt 24/24 giờ. Ngoài ra, còn có lực lượng dân quân tự vệ, đoàn viên, thanh niên tình nguyện của xã Hiệp Thạnh cũng tăng cường tại các chốt. Từ khi nhận nhiệm vụ, các lực lượng cũng không được về nhà. Thiếu tá Phạm Trung Lập cho biết thêm: "Đa số anh em ở đây đều có gia đình, con nhỏ. Nhớ con, nhớ gia đình thì tối nào cũng gọi điện qua zalo, facetime, rồi vợ con cũng động viên anh em cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình".
 
Lúc chúng tôi có mặt tại chốt kiểm soát giữa thôn Phú Thạnh với thôn Bồng Lai và thị trấn Liên Nghĩa đặt tại Quốc lộ 20 là 11 giờ trưa. Giữa trời nắng nóng bức, trong bộ đồ bảo hộ, anh Nguyễn Ngọc Châu đang mang bình thuốc xịt khử khuẩn các phương tiện chở hàng hóa trước khi ra khỏi địa bàn xã Hiệp Thạnh. Anh Nguyễn Ngọc Châu nói: “Đúng là mặc bộ đồ bảo hộ giữa thời tiết như thế này thì nóng bức thật, nhưng vì nhiệm vụ, chúng tôi luôn nghiêm chỉnh chấp hành. Công việc của tôi là xịt khuẩn các phương trước khi ra khỏi địa bàn xã Hiệp Thạnh, lúc nào mệt thì người khác lại ra thay. Rồi khi nào các chốt trên địa bàn xã cần thêm lực lượng, tôi lại có mặt”.
 
Cũng tại chốt trực trên, chúng tôi có dịp trò chuyện với Lê Minh Nghĩa, đoàn viên của xã Hiệp Thạnh. Nghĩa cho biết, hàng ngày, công việc của em là chạy xe trên các trục đường xã, tuyên truyền, nhắc nhở người dân tại các thôn giãn cách thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nếu có việc cần thiết phải ra đường thì phải thực hiện tốt 5K. “Tôi thấy rất vui khi được góp sức mình vào công tác phòng chống dịch của xã nhà, xe bán tải nhỏ của gia đình tôi cũng trưng dụng để làm nhiệm vụ tuyên truyền, chuyên chở rau, củ của xã phân phát cho người dân tại các thôn giãn cách. Mặc dù nhà cũng ở trong thôn, nhưng để giữ an toàn cho gia đình, với lại, cũng để tập trung cho công việc, từ hôm tham gia trực chốt từ ngày đầu xã giãn cách đến nay, tôi không về nhà, tối lại có thời gian rảnh thì gọi điện về trò chuyện với vợ, con. Khi hàng rào phong tỏa của xã được dỡ bỏ, cùng với chiếc xe của mình, tôi vẫn tiếp tục công tác tuyên tuyên truyền trên địa bàn xã Hiệp Thạnh” - Lê Minh Nghĩa chia sẻ.
 
Cũng tại chốt trực trên địa bàn xã Hiệp Thạnh, chúng tôi bắt gặp hình ảnh Hoàng Thị Bích Ngọc, nữ đoàn viên thôn Phú Thạnh đang lui hui dọn vệ sinh quanh lều trực. Ngọc cho biết, em cũng tham gia tình nguyện tại đây từ những ngày đầu. “Thật lòng là em cũng sợ lây bệnh chứ, nhưng thấy các anh nơi tuyến đầu còn vất vả, nguy hiểm hơn gấp nhiều lần nên em luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Với lại, tối lại em còn được về với gia đình, chứ mấy anh ở chốt ai cũng phải ăn, ngủ tại đây luôn” - Ngọc nói.
 
Lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát phòng dịch Covid-19 đặt tại Quốc lộ 20, ngăn giữa thôn Phú Thạnh đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 với các địa bàn khác
Lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát phòng dịch Covid-19 đặt tại Quốc lộ 20, ngăn giữa thôn Phú Thạnh đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 với các địa bàn khác
 
Hậu phương luôn tiếp ứng
 
Chia sẻ với sự vất vả của lực lượng nơi tuyến đầu, nhiều tập thể, cá nhân đã có những việc làm thiết thực. Kể từ khi 9 chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 trên toàn xã Hiệp Thạnh được lập, chị em phụ nữ thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh thêm bận rộn. “Vì thôn Bồng Lai đang thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng, có thể ra vào được nên chúng tôi đã nhờ cơ sở vật chất của nhà hàng Mai Chi trong thôn để nấu nướng, rồi vận động thêm khoảng 15 chị em thay phiên nhau cơm nước hàng ngày cho anh em trực chốt. Mỗi ngày như vậy có khoảng 5-7 chị em làm tại bếp. Để cung cấp 240 phần ăn/3 bữa/ ngày, mỗi ngày, từ 4 giờ 30 sáng, chúng tôi đã có mặt tại đây để chuẩn bị. Từ khi bếp đỏ lửa tới giờ, các loại rau, củ, quả và gạo chưa phải mua lần nào vì đều được bà con trong thôn, các nhà hảo tâm ủng hộ; thỉnh thoảng cũng được ủng hộ nhưng không nhiều nên có bếp phải mua thịt, cá và các loại đồ tươi sống khác” - chị Nguyễn Lê Đăng Thoa - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hiệp Thạnh nói. 
 
Cũng từ khi chốt kiểm soát phòng dịch Covid-19 tại Quốc lộ 20 giữa thôn Phú Thạnh đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 với các địa bàn khác được lập, ngày nào chị Vũ Thị Huệ cũng dậy thật sớm, đi chợ chọn những con gà, vịt ngon nhất để nấu bữa khuya cho các anh em trực chốt tại đây. “Cứ khoảng 22 giờ là anh em chúng tôi lại được ăn cháo do gia đình chị Huệ nấu bưng qua, anh em chúng tôi rất cảm động” - Thiếu tá Phạm Trung Lập chia sẻ. Thiếu tá Lập cũng cho biết thêm, ngoài gia đình chị Huệ, gia đình anh Phạm Văn Thành, cũng ngụ tại thôn Phú Thạnh còn tình nguyện cho chốt mượn nhà để tắm giặt, ngủ nghỉ trong suốt thời gian lập chốt tại đây. Ngoài ra, còn rất nhiều người dân đi qua đây, thỉnh thoảng lại ghé vào gửi trái cây, nước uống cho anh em trực chốt. “Những tình cảm chân tình của Nhân dân giúp đỡ lực lượng chức năng chúng tôi làm nhiệm vụ trong suốt thời gian qua là động lực to lớn, chỗ dựa tinh thần quan trọng để chúng tôi vững tin sẽ hoàn thành nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch” - Thiếu tá Phạm Trung Lập xúc động nói.
 
NHẬT MINH