Dạy và học thời Covid-19: Vừa lo trực tuyến, vừa chuẩn bị cho trực tiếp

05:09, 20/09/2021

(LĐ online) - Ngày 20/9, các trường trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bắt đầu buổi dạy học trực tuyến đầu tiên của năm học 2021 - 2022...

(LĐ online) - Ngày 20/9, các trường trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bắt đầu buổi dạy học trực tuyến đầu tiên của năm học 2021 - 2022. Theo danh sách của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh có 180 trường áp dụng dạy học trực tuyến, bao gồm các trường tiểu học, THCS và THPT thuộc các huyện Di Linh, Đạ Huoai, Đức Trọng, Đơn Dương, Bảo Lâm, TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc và các cơ sở giáo dục nằm dọc đường Quốc lộ 20.
 
Giáo viên chuẩn bị chu đáo bài giảng trên các ứng dụng Google Meet, Zoom, Office 365...
Giáo viên chuẩn bị chu đáo bài giảng trên các ứng dụng Google Meet, Zoom, Office 365...
 
LINH HOẠT CÁC PHƯƠNG ÁN DẠY VÀ HỌC TRỰC TUYẾN
 
Theo ghi nhận, hầu hết các trường đã chuẩn bị chu đáo các phương án dạy học, kết nối với học sinh và phụ huynh, chuẩn bị học liệu, trang thiết bị, đường truyền Internet... 
 
Năm học này, Trường THCS Hòa Ninh (huyện Di Linh) có 714 học sinh. Cô Vũ Thị Lý - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngay từ sớm trường đã chủ động xây dựng các phương án dạy và học trong tình hình dịch bệnh. Nhà trường đã liên lạc với tất cả học sinh và phụ huynh, tỷ lệ học sinh có thể tham gia học trực tuyến chiếm hơn 98%, đa phần sử dụng điện thoại của cha mẹ, số học sinh có máy tính khoảng 25%. 
 
Trong những tuần gần đây, trường tổ chức tập huấn các phần mềm sử dụng cho việc dạy học như Google Meet, Zoom cho giáo viên. Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức họp trực tuyến với phụ huynh học sinh, động viên gia đình phối hợp với giáo viên tạo điều kiện tốt nhất cho con em học tập trong điều kiện mới. Đa phần các phụ huynh đều quan tâm và đồng tình ủng hộ. 
 
Đối với 12 học sinh không có điều kiện, trường áp dụng phương án gửi 8 em đến học cùng các bạn gần nhà và 4 em học tại phòng máy tính của trường. Bên cạnh đó, trường tiến hành rà soát kĩ các yêu cầu phòng chống dịch bệnh, chuẩn bị chu đáo khi học sinh trở lại trường học.
 
 Không có những thuận lợi như Trường THCS Hòa Ninh, nhiều trường đang lo lắng khi tỷ lệ học sinh có thể học trực tuyến không cao, nhất là các trường vùng sâu, vùng xa. Hiện, huyện Di Linh có 22 trường trực thuộc huyện áp dụng dạy và học trực tuyến. Qua rà soát, tỷ lệ học sinh có khả năng tham gia học trực tuyến toàn huyện chiếm từ 50 – 70%. Ông Nguyễn Phước Bảo Cường - Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Di Linh cho biết, đối với những em không có điều kiện, Phòng chỉ đạo các trường tạo điều kiện cho học sinh học tại phòng máy tính của trường theo từng nhóm từ 5 – 7 em hoặc giáo viên sẽ soạn bài, hướng dẫn cho các em học theo từng nhóm dưới 5 em theo hướng ôn tập, nắm được các kiến thức cốt lõi. 
 
Theo ông Cường, để đảm bảo an toàn, Phòng Y tế huyện sẽ thẩm định kế hoạch phòng chống dịch của các trường. Cùng với đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện nắm bắt tình hình và tham mưu kế hoạch dạy học trực tuyến cho UBND huyện và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện dạy và học trực tiếp trong thời gian tới. 
 
Tại Đà Lạt, ông Nguyễn Văn Ánh - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho biết, năm học này nhà trường có 60 lớp với trên 2.600 học sinh. Để chuẩn bị cho dạy trực tuyến, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị điện tử… Trường thống nhất dạy học qua Google Meet và giao bài tập qua phòng học Google Classroom. Cùng với đó, các tổ, nhóm bộ môn xây dựng các chủ đề, bài học online; giáo viên chuẩn bị chu đáo bài giảng, học liệu điện tử để dạy học hiệu quả. Chương trình chủ yếu ôn tập, dạy bài mới và kiểm tra, đánh giá thường xuyên học sinh, mỗi tiết học có 35 phút.
 
ĐẢM BẢO HỌC SINH TIẾP THU ĐƯỢC KIẾN THỨC
 
Đảm bảo học sinh tiếp thu kiến thức trong quá trình dạy học trực tuyến là trăn trở của nhiều giáo viên trong thời điểm hiện tại. Bên cạnh việc học hỏi, tiếp thu các kỹ năng công nghệ thông tin, các giáo viên cũng phải linh hoạt trong việc sử dụng các phương pháp dạy học mới và phối hợp với phụ huynh quản lí học sinh trong buổi học… Ngoài ra, giáo viên chuẩn bị các bản ghi, tài liệu bổ trợ để giúp học sinh học lại nếu gặp trục trặc không theo kịp tiết học. 
 
Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Thanh Tâm - Giáo viên Trường THCS Hòa Ninh, huyện Di Linh, để học sinh học trực tuyến hiệu quả, các giáo viên sẽ soạn bài và dạy mẫu qua Google Meet, sau đó tổ chức họp giáo viên góp ý và hoàn thiện bài giảng. “Đối với môn Văn của tôi, để tạo hứng thú cho các em ngoài việc cung cấp các kiến thức thì giáo viên sẽ tổ chức các trò chơi, kiểm tra có thưởng, giao bài tập về nhà, hoặc chèn các đoạn phim, hình ảnh sinh động trong quá trình dạy để tạo tương tác với học sinh” - Thầy Tâm cho hay.
 
Riêng với cấp tiểu học, việc học trực tuyến cũng đang gặp phải nhiều khó khăn. Với học sinh tiểu học khả năng tập trung ngắn nên khó tiếp thu các bài giảng hiệu quả như khi học trực tiếp. Đặc biệt, học sinh lớp 1 học trên truyền hình, các em còn chưa biết mặt chữ, giáo viên không thể “cầm tay, chỉ nét” như trên lớp nên khó tiếp thu. Do đó, đối với học sinh tiểu học, bên cạnh những nỗ lực giảng dạy của nhà trường và giáo viên, các em cần sự hỗ trợ, quan tâm rất lớn từ phía gia đình. 
 
Mặt khác, các trường đưa ra nhiều giải pháp như giáo viên sẽ trao đổi, thống nhất với phụ huynh khung giờ học hợp lý, đảm bảo môi trường, điều kiện học tốt nhất cho học sinh và luôn động viên, hỗ trợ các em hoàn thành bài tập. Đối với trường hợp phụ huynh bận làm việc không có thời gian kèm cặp con học trên truyền hình và trực tuyến, giáo viên chủ động thiết kế bài giảng, tài liệu gửi cho phụ huynh vào tối thứ 7, chủ nhật để gia đình hướng dẫn cho con học tập. Ngoài ra, giáo viên cũng xây dựng nhật ký ghi chép tình hình học tập của học sinh để khi các em quay lại trường có thể ôn tập, củng cố lại kiến thức...
 
Trong quá trình triển khai dạy học trực tuyến chắc chắn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh thì việc dạy học trực tuyến là hình thức phù hợp nhất, các trường cũng xác định dạy học với tinh thần “khó đến đâu, gỡ đến đó”, để đảm bảo khối lượng kiến thức và luôn trong tâm thế sẵn sàng để trở lại dạy học trực tiếp khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. 
 
NHẬT QUỲNH