Phòng chống bạo lực gia đình - Thay đổi ý thức của cộng đồng

09:06, 26/06/2022
(LĐ online) - Năm 2021, Lâm Đồng cũng như cả nước và toàn thế giới phải đối mặt với những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Nhiều hoạt động xã hội ảnh hưởng nghiêm trọng; trong đó, có hoạt động phòng chống bạo lực gia đình. Tuy vậy, Lâm Đồng vẫn thực hiện đa dạng các họat động với mục tiêu: Thay đổi ý thức của cộng đồng về phòng chống bạo lực gia đình.
 
Phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà
Phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà
 
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh, nhằm kịp thời triển khai các nhiệm vụ công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, trong năm 2021, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động số 7906/CTrHĐ-UBND ngày 04/11/2021 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 19-KH/TU ngày 13/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và chủ động xây dựng, ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai tốt công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh. 
 
Các cơ quan chức năng đã kịp thời báo cáo kết quả các hoạt động trong lĩnh vực gia đình như báo cáo tình hình triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2019 - 2020; kết quả thực hiện Đề án Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027. Đây là cơ sở để lãnh đạo tỉnh có hướng điều chỉnh các chính sách về gia đình phù hợp với thực tế địa phương, phù hợp với sự thay đổi trong đời sống nảy sinh hàng ngày.
 
Các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến gia đình và phòng chống bạo lực gia đình như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình để người dân hiểu được quyền cũng như trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội, ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình. 
 
Phụ nữ tham gia thu hoạch rau hỗ trợ nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19
Phụ nữ tham gia thu hoạch rau hỗ trợ nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19
 
Công tác thu thập, sử dụng thông tin, số liệu, dữ liệu về gia đình và phòng chống bạo lực gia đình được triển khai từ cấp cơ sở. Tổ chức triển khai in ấn và cấp phát cho cơ sở 116.960 biểu mẫu thu thập thông tin, chỉ số về gia đình và phòng chống bạo lực gia đình; 284 cuốn ghi chép thông tin về gia đình và phòng chống bạo lực gia đình; hỗ trợ kinh phí cho cán bộ thôn, tổ dân phố thực hiện công tác thu thập, ghi chép thông tin, số liệu gia đình và phòng chống bạo lực gia đình. Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo số liệu về gia đình và phòng chống bạo lực gia đình cơ bản được thực hiện đảm bảo.
 
Thời gian qua, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã lồng ghép việc kiểm tra, khảo sát các chương trình, đề án liên quan đến công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình trong việc kiểm tra Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra tại cơ sở, đa số các địa phương đã triển khai thực hiện các chương trình, đề án liên quan đến công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình đầy đủ, có được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh, công tác gia đình đã có những kết quả đáng khích lệ, chất lượng cuộc sống từng bước được nâng cao.
 
 Nhận thức của người dân về công tác gia đình nói chung và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc nói riêng từng bước đã được nâng lên. Việc phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được quan tâm. Các hoạt động tuyên truyền đã góp phần tích cực đến việc phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, vai trò của gia đình trong việc duy trì ổn định chính trị, giữ vững an ninh trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội.
 
Tính đến thời điểm 5/2022, toàn tỉnh xảy ra 175 vụ bạo lực gia đình; trong đó, bạo lực tinh thần 59 vụ, bạo lực thân thể 100 vụ, bạo lực tình dục 0 vụ và bạo lực kinh tế 16 vụ. Nạn nhân bạo lực gia đình chủ yếu là phụ nữ với 109 vụ; các biện pháp hỗ trợ nạn nhân chủ yếu là tư vấn. Biện pháp xử lý với người gây bạo lực gia đình chủ yếu là góp ý trong cộng đồng dân cư là 146 vụ, người áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc 2 người, áp dụng các biện pháp giáo dục 7 người, xử phạt hành chính 20 người và 0 người xử lý hình sự.
 
D.QUỲNH