Giảng viên trẻ truyền lửa đam mê với nông nghiệp

01:04, 25/04/2022
Dù mới gắn bó với sự nghiệp giáo dục nhưng giảng viên trẻ Nguyễn Lâm Thiên Thanh luôn trân quý thời gian đứng lớp của mình và dành trọn tâm huyết để truyền và giữ lửa đam mê với ngành Nông nghiệp đến từng sinh viên.
 
Thiên Thanh trong một tiết giảng trực tuyến trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh
Thiên Thanh trong một tiết giảng trực tuyến trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh
 
•  CÁI “DUYÊN” VỚI NÔNG NGHIỆP
 
Nguyễn Lâm Thiên Thanh (sinh năm 1991) hiện là giảng viên Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt. Vừa qua, Thiên Thanh giành giải Nhất trong Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021 và Giải Nhà giáo trẻ có thành tích xuất sắc do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng. 
 
Thiên Thanh kể rằng, cái duyên với ngành Nông nghiệp của mình bắt đầu từ lúc cô sinh ra, tại vùng đất trù phú về cà phê và cây ăn trái như Di Linh. Trong một gia đình có cha mẹ đều gắn bó và say mê với từng nhánh cây, ngọn cỏ nên Thiên Thanh cũng ít nhiều được truyền cảm hứng. Vì thế khi đứng trước lựa chọn hướng đi cho cuộc đời mình năm 18 tuổi, cô chọn học ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh. Sau khi ra trường, Thiên Thanh ở lại thành phố làm việc và tiếp tục học lên thạc sĩ, trau dồi thêm kỹ năng chuyên môn. Nhiều cơ hội mở rộng trước mắt nữ thạc sĩ trẻ, vậy mà đầu năm 2016, Thanh lại đưa ra một lựa chọn mang tính bước ngoặt - đó là về quê.
 
Không giống như những bạn trẻ bỏ phố về quê ở thời điểm đó, Thiên Thanh trở về Lâm Đồng làm việc khi trong đầu vẫn còn những trăn trở và muốn đóng góp công sức của mình cho nông nghiệp nói chung và công nghệ sinh học nói riêng. Cô nộp hồ sơ và thi đậu vào Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt. Nữ giảng viên trẻ nhất Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng khi đó từng bước học hỏi và ghi dấu ấn của mình trong lòng sinh viên, đồng nghiệp bằng một tinh thần học hỏi, thái độ nghiêm túc cũng như sự tận tình, chu đáo trong từng bài giảng.
 
Thiên Thanh hiện đang giảng dạy các môn công nghệ vi sinh, sinh học phân tử với tính ứng dụng rất cao trong ngành Bảo vệ thực vật, công nghệ sinh học và rau, hoa công nghệ cao. Đặc biệt, với tốc độ phát triển nông nghiệp ngày càng hiện đại như ở Lâm Đồng, việc ứng dụng công nghệ sinh học là vô cùng cần thiết. “Xã hội hiện đại thì người nông dân cần được trang bị kiến thức để gia tăng giá trị sản phẩm. Thay vì tạo ra năng suất cao thì làm sao để tạo ra sản phẩm an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm bằng cách đưa vào chế biến sâu, bảo quản, tạo nên các chuỗi liên kết mà muốn làm được như vậy thì phải trang bị cho mình kiến thức bài bản, chuyên sâu...”, Thanh nói 
 
•  THÀNH QUẢ XỨNG ĐÁNG
 
Sau 5 năm công tác, giảng viên trẻ Nguyễn Lâm Thiên Thanh tự nhận thấy rằng mình đã trưởng thành hơn. Từ một người hoạt động chuyên môn đến khi trở thành giảng viên, Thanh thấu hiểu vai trò, giá trị của ngành Nông nghiệp đối với sự phát triển của đất nước nói chung, của Lâm Đồng nói riêng. Thế nhưng dường như cô luôn trăn trở cho vị thế của người nông dân - những người trực tiếp sản xuất và tạo ra sản phẩm vẫn chưa được đánh giá đúng mực. Chính vì thế, Thanh cũng luôn mong muốn có thể tiếp thêm niềm tin cho sinh viên về lựa chọn và đam mê của mình.
 
Trong Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp năm 2021, Thanh đã lựa chọn đăng ký bài giảng về “Kỹ thuật điện di DNA trên gel agarose”. Thanh cho biết, điện di DNA trên gel agarose là một kỹ thuật cơ bản nhưng rất quan trọng trong sinh học phân tử, giúp phân tách, phát hiện các đoạn acid nucleic dựa trên kích thước và điện tích của chúng. Kỹ thuật này sử dụng trong quy trình kết hợp với kỹ thuật PCR (polymerase chain reaction). Đặc biệt, kỹ thuật có tính ứng dụng cao trong nhiều lĩnh vực khác nhau như định danh cá thể trong pháp y, tạo dòng gen, phát hiện vi sinh vật gây bệnh trong thực phẩm, phát hiện bệnh truyền nhiễm trên người, chẩn đoán bệnh trên cây trồng và vật nuôi... 
 
Dù thi qua hình thức trực tuyến nhưng bài giảng của Thiên Thanh được Ban Giám khảo đánh giá rất cao từ phương pháp, chất lượng nội dung đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế bài giảng, nhất là trong bối cảnh các đơn vị phải tổ chức dạy trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh. 
 
Và kết quả đó không chỉ là của sự nỗ lực cá nhân mà còn có sự hỗ trợ tích cực từ phía Ban Giám hiệu cũng như các giảng viên Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Khoa Sư phạm. Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề cho biết Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc là một sân chơi lớn cho cán bộ, giáo viên thể hiện năng lực chuyên môn cũng như các kỹ năng cần thiết trong quá trình giảng dạy. Việc giành giải Nhất không chỉ có ý nghĩa đối với riêng với giảng viên trẻ Nguyễn Lâm Thiên Thanh mà niềm tự hào của tập thể nhà trường, khẳng định được chất lượng giảng dạy của nhà trường ngày một nâng cao.
 
“Tuy là một giảng viên trẻ nhưng Thiên Thanh đã có ý thức trau dồi chuyên môn vững vàng, sôi nổi tham gia hoạt động phong trào, tạo được sự gắn kết giữa sinh viên và giảng viên. Từ đó được học sinh yêu quý, ngày càng nhiệt huyết trong giảng dạy... Thành tích chung đó là động lực để nhà trường tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo trong thời gian tới”, bà Hạnh cho biết thêm.
 
Với riêng Thiên Thanh, đây là quả ngọt xứng đáng cho những cố gắng không biết mệt mỏi của một giảng viên không trưởng thành từ môi trường sư phạm. Cũng từ đây, cô gái trẻ như được tiếp thêm sức mạnh để nỗ lực hơn vì sự nghiệp “trồng” người, tiếp tục đem sức trẻ, nhiệt huyết của mình để truyền lửa đam mê nông nghiệp đến từng thế hệ sinh viên. 
 
HỒNG THẮM