Xuân về cùng dòng sữa trắng

06:01, 30/01/2022
Buôn Con Ó, cái tên nghe vừa quen thuộc, vừa lạ lẫm, mang màu sắc của Tây Nguyên xa xăm. Ấy là nơi những bếp lửa bập bùng trong đêm, của những người Mạ chăm chỉ lên nương lên rẫy. Xuân đã về trên buôn Con Ó, từ dòng sữa trắng giàu có, từ những bước chân người Mạ lội rừng, từ những búp điều đang ngủ yên chờ ngày khoe sắc.
 
Thu hoạch mủ cao su
Thu hoạch mủ cao su
 
NGƯỜI MẠ CHĂM CHỈ VẪN NGHÈO
 
Chị Ka Yêng, người phụ nữ Mạ với nước da đậm màu nắng gió, đôi mắt cười nhăn khóe mắt kể lại những ngày còn chưa xa. Chưa xa lắm đâu, mới chừng chục năm thôi, người Con Ó còn khó khăn vô cùng. Chị bảo, nhà chị cũng như hầu hết bà con trong buôn, quanh năm chỉ trông vào lúa rẫy. Lúa rẫy mỗi năm một vụ, trời cho đủ nước thì bà con có hạt thóc gùi mang về. Trời không thương, cầm thân cây lúa nhẹ bẫng, hạt lép kẹp mà cả buôn lo lắng cho bữa cơm ngày giáp hạt. Thu hoạch xong, người Con Ó bỏ rẫy cũ, tìm chỗ khác để trỉa vụ mới. Cứ quanh quẩn thế, người Con Ó đi khắp núi rừng, tìm kiếm đất, phát rẫy làm lúa. Mưa rừng. Vắt núi. Vẫn đói, cả buôn chỉ loanh quanh luẩn quẩn với cái ăn suốt năm suốt tháng. Nghèo lắm, đói lắm, chị Ka Yêng vẫn còn ám ảnh với ngày xưa, với bếp lửa heo hút và bầy trẻ con đói ăn. 
 
Chị Ka Yêng cười phô nếp nhăn đuôi mắt: “Ngày xưa trong buôn không có mấy người lớn ở nhà đâu, vào rừng hết rồi. Vào rừng kiếm măng, đào củ, lấy đọt mây mang về đổi gạo chứ đói lắm. Như tôi hồi xưa cũng suốt ngày trong rừng, có khi mấy ngày mới về. Giờ thì khác rồi, trong buôn nhiều việc lắm, ai cũng có việc hết. Chỉ có trẻ con là đi học thôi, người lớn đi làm hết rồi”. Người Con Ó giờ việc nhiều, người khỏe mạnh đi tuần tra bảo vệ rừng; phụ nữ cạo mủ, chăm sóc cao su. Ông bà già chăm heo, chăm trâu. Tới mùa, cả buôn thu điều, phát cành bỏ phân. Bầy trẻ con thì tới trường, nhiều bạn đi học xa, ra trung tâm huyện, lên Đà Lạt, xuống Thành phố Hồ Chí Minh… Một cuộc sống mới thay đổi cả cái buôn Mạ nho nhỏ nơi góc rừng.
 
Ông K’Túc, người trưởng thôn đầy uy tín của buôn Con Ó cũng đầy hi vọng vào tương lai. Ông đã gắn bó cả đời mình với buôn, với bà con người Mạ, cùng cả buôn đi từ nghèo đói tới tận hôm nay. Ông bảo, người Con Ó giờ không làm rẫy, không phá rừng mà theo lời Chính phủ trồng cao su, đi quản lý, bảo vệ rừng. No rồi, nhiều nhà còn khá giả, thu nhập cả trăm triệu/năm, trẻ con được đi học hết rồi. Niềm vui không giấu được trên khuôn mặt người trưởng thôn Mạ đầy tâm huyết.
 

 

 Dòng mủ trắng
Dòng mủ trắng
 
XUÂN ĐẸP TỪ DÒNG SỮA TRẮNG
 
Nguồn thu lớn nhất của người Con Ó hiện giờ chính là cao su, thứ cây cho mủ trước đây vốn rất xa lạ với người Mạ. Người Mạ biết trồng lúa rẫy, biết thu hoạch điều. Còn cây cao su, bà con không quen với thứ cây không có trái, cũng không có hạt. 
 
Vậy nên năm 2012, khi huyện Đạ Tẻh đưa cây cao su vào phát triển vùng đồng bào thiểu số, người Con Ó đã rất rụt rè, cán bộ huyện, xã, thôn đã phải vận động bà con rất vất vả. Huyện đầu tư cho 60 hộ trong thôn mỗi hộ 1 ha cao su, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc tận tình. 60 hộ chia làm 6 tổ, mỗi tổ 10 hộ. Khi cây cao su mới trồng, giá mủ tụt xuống quá thấp, dù rất lo lắng nhưng người Con Ó vẫn kiên trì chăm sóc những cây non còn đang chờ bàn tay người vun xới. 
 
Các hộ nhắc nhở nhau chăm sóc đúng kỹ thuật, thu hoạch đúng, không sử dụng thuốc “kích mủ”. Tới năm thứ 6, cây cao su “mở miệng” cho thu hoạch, người Con Ó bắt đầu được hưởng niềm vui từ những dòng sữa trắng mang lại. Từ năm 2018 tới nay, Hợp tác xã (HTX) cao su Đạ Tẻh tới thu mua tận trong thôn, mỗi ngày người Con Ó thu những ca sữa trắng mang ra nơi tập kết. Tiền gửi lại trong HTX, khi cần mới lấy về. Trung bình, mỗi hộ cũng có 12 - 15 triệu đồng/tháng. Kết toán cuối năm, HTX chi trả tiền mủ cho bà con, có hộ được cả gần 200 triệu đồng. Cây cao su đã mang lại no ấm cho mảnh đất xa này. Ngoài 60 hộ đang trồng và thu hoạch cao su do Nhà nước hỗ trợ, 30 hộ dân nữa đang tích cực trồng và chăm sóc cao su của gia đình. 
 
Với giá mủ ổn định như hiện nay, chỉ một vài năm nữa, buôn Con Ó sẽ càng khá giả từ dòng mủ trắng. Cao su, điều đã giúp người Con Ó ổn định cuộc sống, xây nhà, mua xe, cho con đến trường. Cái đói, cái nghèo lùi xa…
 
Không chỉ cao su, người Con Ó còn tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Ông K’Hùng, Bí thư chi bộ thôn cung cấp, cả buôn có 162 hộ thì 139 hộ tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Các hộ chia thành nhiều tổ, thay nhau đi tuần quanh các tiểu khu. Ngày ngày, các tổ quản lý, bảo vệ rừng thay nhau đi kiểm tra, không để vắng bước chân người giữ rừng. Kinh phí thu được từ quản lý, bảo vệ rừng cũng giúp gia đình có nguồn thu ổn định. Rừng quanh Con Ó cũng được bảo vệ an toàn, nhiều năm nay không xảy ra tình trạng cháy rừng. Việc chặt cây, xâm canh cũng được bà con nhắc nhở nhau rất chặt chẽ. Rừng che chở người Con Ó và người Con Ó quay lại bảo vệ rừng, giữ màu xanh cho rừng.
 
Ông Đỗ Văn Thơm, Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức, đánh giá rất cao sự đổi thay của buôn Con Ó. Trên phương diện hành chính, buôn Con Ó chính thức là Thôn 8, xã Mỹ Đức, thôn 100% cư dân là người Châu Mạ bản địa. Cùng với sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, người Con Ó đã chứng tỏ được sức vươn lên từ sự chăm chỉ trong lao động, đoàn kết trong cộng đồng. Đặc biệt, người buôn Con Ó hết sức lắng nghe và chấp hành hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Từ trồng điều, chăm cao su, tham gia tuần tra bảo vệ rừng, bà con đều thực hiện vô cùng nghiêm túc, nhiệt tình, đạt hiệu quả tốt. 
 
Và, từ đôi bàn tay chăm chỉ, từ sự hỗ trợ của Nhà nước, từ sự đoàn kết của mỗi con người, mỗi gia đình, buôn Con Ó hôm nay đã trở thành buôn Mạ no ấm, khá giả. Khá giả từ dòng sữa trắng, từ rừng xanh, từ trái điều vàng, từ mảnh đất ngập tràn yêu thương.
 
DIỆP QUỲNH