Tỉnh ủy làm việc với Đoàn công tác Trung ương về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”

02:03, 24/03/2013

Để phục vụ cho việc xây dựng Đề án trình Hội nghị lần thứ 7 BCH TW về “Chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên môi trường”, vừa qua, Đoàn công tác TW do đồng chí Bùi Thế Đức - Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW dẫn đầu đã có cuộc làm việc với Tỉnh ủy Lâm Đồng...

Để phục vụ cho việc xây dựng Đề án trình Hội nghị lần thứ 7 BCH TW về “Chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên môi trường”, vừa qua, Đoàn công tác TW do đồng chí Bùi Thế Đức - Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW dẫn đầu đã có cuộc làm việc với Tỉnh ủy Lâm Đồng. Đồng chí Hoàng Sĩ Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, cùng sự tham gia của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các Sở TN-MT; NN-PTNT; KH-CN, Văn phòng UBND tỉnh và Tỉnh ủy đã trao đổi về “Thực trạng, phương hướng công tác bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu tại Lâm Đồng”.

Lâm Đồng có dân số trên 1,2 triệu dân và diện tích tự nhiên trên 970.000 ha, trong đó có trên 300.000 ha đất nông nghiệp, rừng và đất rừng chiếm trên 60%, là địa phương đứng thứ 4 trong toàn quốc, đứng thứ 2 ở Tây Nguyên về tỷ lệ độ che phủ rừng cao (60,2%). Những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm thực hiện công tác bảo vệ tài nguyên môi trường. Nhờ vậy, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, cháy rừng ngày càng giảm, lũ lụt, khô hạn cục bộ ít xảy ra nhờ việc đầu tư xây dựng hồ đập thủy lợi được chú trọng, đã từng bước khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, chất thải nước, chất thải y tế đã được từng bước xử lý. Tuy nhiên, hiện Lâm Đồng đang đứng trước những áp lực lớn về môi trường và nguy cơ biến đổi khí hậu. Đó là: Dân số tăng nhanh, di dân tự do từ các tỉnh miền núi phía bắc vào; thủy điện và khai thác khoáng sản phát triển mạnh, chưa được quy hoạch bài bản; sản xuất nông nghiệp còn sử dụng nhiều thuốc sâu, thuốc BVTV. Chất thải công nghiệp, sinh hoạt, y tế ngày càng nhiều, nhưng đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải còn hạn chế; nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về bảo vệ môi trường còn hạn chế… Trước thực tế đó, tỉnh đã chỉ đạo: Đẩy mạnh tuyên truyền về bảo vệ môi trường, về nguy hại của biến đổi khí hậu; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ bằng việc thực hiện chủ trương xã hội hóa về rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý những vi phạm luật BV-PT rừng; tăng cường công tác quản lý khoáng sản bằng việc rà soát lại giấy phép cấp cho hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, các dự án có liên quan đến rừng, dự án thủy điện vừa và nhỏ; tăng cường công tác quản lý sản xuất nông nghiệp, sử dụng thuốc sâu, thuốc BVTV; đầu tư xây dựng hệ thống nhà máy xử lý rác thải; quy hoạch hợp lý hệ thống nghĩa trang, nghĩa địa, phối hợp với các bộ - ngành liên quan trong việc giải quyết di dân tự do, bảo vệ tài nguyên môi trường tại dự án Bauxit Bảo Lâm… Sau khi nghe tỉnh báo cáo, trả lời chất vấn của các thành viên trong đoàn công tác, đồng chí Bùi Thế Đức đã ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Lâm Đồng trong công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời chỉ đạo các thành viên trong đoàn tập hợp những vấn đề mà Lâm Đồng kiến nghị về những áp lực hiện nay tỉnh đang gặp phải, để trong quá trình xây dựng Đề án trình Hội nghị lần thứ 7 BCH TW có biện pháp khắc phục hợp lý, hiệu quả.

HOÀNG KIẾN GIANG