Xuất hiện nhiều mô hình điển hình từ Dân vận khéo

02:06, 21/06/2013

(LĐ online) - Sáng 21/6, tại TP Đà Lạt, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tổ chức hội nghị sơ kết chỉ đạo điểm toàn quốc về phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong xây dựng nông thôn mới.

(LĐ online) - Sáng 21/6, tại TP Đà Lạt, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tổ chức hội nghị sơ kết chỉ đạo điểm toàn quốc về phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Nguyễn Duy Việt - Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương cùng đồng chí Hoàng Sĩ Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị


Thay mặt lãnh đạo tỉnh phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hoàng Sĩ Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã chúc mừng các đại biểu và đánh giá cao việc Ban Dân vận Trung ương chọn Lâm Đồng để tổ chức sơ kết điểm phong trào Dân vận khéo. Đây cũng là cơ hội để các địa phương gặp gỡ, trao đổi, đồng thời rút ra những kinh nghiệm quý giá trong công tác triển khai và tiếp tục thực hiện phong trào Dân vận khéo trong thời gian tới. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng thông báo sơ bộ về tình hình phát triển KT-XH, những thế mạnh của Đà Lạt - Lâm Đồng như rau, hoa công nghệ cao; tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng, đặc biệt là những kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo tại hội nghị, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, tháng 5/2012, Ban Dân vận Trung ương đã tổ chức chọn điểm xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới tại 3 địa phương trên cả nước, gồm xã Xuân Trường (TP Đà Lạt, Lâm Đồng), hiện đã hoàn thành 19/19 tiêu chí; xã Đông Thọ (huyện Yên Phong, Bắc Ninh), hoàn thành 18/19 tiêu chí và xã Tân Tiến (TP Vị Thanh, Hậu Giang) đạt 15/19 tiêu chí. Theo đánh giá của các địa phương, thực tiễn từ tiêu chí nông thôn mới hoàn thành đã cải thiện đời sống nhân dân; bộ mặt vùng dân cư có bước chuyển đáng kể; người dân đã có tư duy mới trong sản xuất, lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh; an ninh trật tự được giữ gìn, các tệ nạn xã hội được đẩy lùi; hệ thống chính trị các xã, thôn được cũng cố và ngày càng vững mạnh.

Thông qua phong trào “Dân vận khéo” nhiều địa phương đã xây dựng được một số mô hình điển hình trong sản xuất kinh doanh giỏi, mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, làng đẹp, ngõ sạch, nhà ngăn nắp; mô hình dân tự vận động dân thông qua các câu lạc bộ; mô hình toàn dân giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh… Việc huy động sức dân tham gia ngày công, đóng góp kinh phí, hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng được các địa phương triển khai sâu rộng, đạt được kết quả tích cực.

Tuy nhiên, tại hội nghị lần này, các đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần phải được khắc phục, như việc nhận thức về nội dung phong trào thi đua xây dựng các mô hình, điển hình Dân vận khéo của một số cán bộ, đảng viên và người dân chưa đầy đủ; tổ chức thực hiện có lúc, có nơi chưa đồng bộ, thiếu thường xuyên. Một số mô hình chưa sát với nhiệm vụ cụ thể ở cơ sở; công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình chưa kịp thời. Công tác phối hợp chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện của Mặt trận, đoàn thể có nơi chưa chặt chẽ; vai trò, trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra có nơi chưa cao; một số mô hình đã được xây dựng nhưng thiếu tính lan tỏa, bền vững trong cộng đồng… Việc tổ chức đăng ký để thực hiện mô hình Dân vận khéo chưa trở thành phong trào; kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước để thực hiện các tiêu chí quốc gia còn chậm; việc huy động các chủ doanh nghiệp đầu tư còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt như kế hoạch.

Thụy Trang