Học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ

08:03, 16/03/2016

Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến đạo đức cán bộ nói chung và đạo đức công vụ nói riêng. Bản thân Người là một tấm gương mẫu mực về giữ gìn và thực hiện đạo đức công vụ, thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân ủy thác, là "người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Đạo đức công vụ theo tư tưởng Hồ Chí Minh gắn liền với những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, thể hiện triết lý nhân sinh vì hạnh phúc của nhân dân và sự phồn vinh của đất nước.

Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến đạo đức cán bộ nói chung và đạo đức công vụ nói riêng. Bản thân Người là một tấm gương mẫu mực về giữ gìn và thực hiện đạo đức công vụ, thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân ủy thác, là “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đạo đức công vụ theo tư tưởng Hồ Chí Minh gắn liền với những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, thể hiện triết lý nhân sinh vì hạnh phúc của nhân dân và sự phồn vinh của đất nước.
 
Khi nhấn mạnh vấn đề đạo đức của cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cũng như­ sông phải có nguồn mới có n­ước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Ng­ười cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo đư­ợc nhân dân”.
 
Và Bác cũng đã từng dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Như vậy, theo Bác, “đức” là yếu tố đầu tiên, quan trọng, cốt lõi, có tính quyết định.
 
Ý thức rõ về đạo đức của người cán bộ, Bác thể hiện rõ quan điểm về việc nên làm, việc nên tránh khi thực thi công vụ. Trong thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng năm 1945, đăng trên báo Cứu quốc, Bác viết: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật; Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Bác viết trong Di chúc: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Chính vì tâm niệm mình là người phục vụ, là người lính vâng lệnh quốc dân nên Bác thể hiện phong cách giản dị, gần gũi, tuyệt đối phê phán tệ “lên mặt làm quan cách mạng”, đó chính là biểu hiện sâu sắc về tính tự giác, tự ý thức về vai trò của mình trong thực thi công vụ của Bác. Để thực hiện tốt đạo đức công vụ, mỗi cán bộ, đảng viên trước hết cần nâng cao ý thức trách nhiệm. Phải nhận thức về tính chất, ý nghĩa, tầm quan trọng của công việc mình làm, phải xác định cái gì lợi cho dân là chân lý, phục vụ nhân dân là chân lý, từ đó phải tận tâm, tận lực, quyết tâm làm tròn phần việc được giao. Nếu kết quả không tốt thì phải chịu trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu. Phải có sự ràng buộc giữa lời nói và hành vi của mình, bảo đảm nói đi đôi với làm, nói thì phải làm và làm cho tốt. Nếu nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói một đường làm một nẻo thì người cán bộ, công chức phải chịu hậu quả, chịu sự phán xét của nhân dân.
 
Trong thực thi công vụ cần có thái độ tôn trọng nhân dân. Thái độ tôn trọng nhân dân giúp cho cán bộ, công chức từ việc nói năng, ứng xử luôn lấy sự hài lòng của nhân dân là tiêu chí phục vụ của mình. Sinh thời, là Chủ tịch nước nhưng Bác không để nhân dân phải chờ mình, kể cả là vì phải ăn tối. Điều đó cho thấy, Bác luôn nhất quán từ tư tưởng đến hành động: quý dân, vì nhân dân, phục vụ nhân dân. Ngày nay, nhiều cán bộ công chức khi tiếp công dân, làm việc với công dân còn có thái độ coi thường, thiếu tôn trọng công dân. Những hiện tượng công chức mải mê nói chuyện với nhau, nói chuyện điện thoại để dân chờ, nói chuyện cộc lốc, quát tháo, phớt lờ không thèm nghe dân nói, không giải thích chu đáo... không phải là chuyện hiếm. Đây là những điều nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn đến hình ảnh cán bộ, công chức, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước, cần kiên quyết sửa chữa.
 
Phải thực hành tiết kiệm, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Tiết kiệm không đơn thuần chỉ là tiền bạc, vật chất, thời gian. Đối với công chức, một khía cạnh rất quan trọng là sắp xếp, bố trí, phân phối công việc, kể cả phân phối cán bộ. Bởi vì, nói đến tiết kiệm là nói đến năng suất, hiệu quả, là gắn liền với chống lãng phí. Trong công tác cán bộ mà bố trí theo kiểu “thợ mộc làm thợ rèn, thợ rèn làm thợ mộc” khiến cho cả hai người đều lúng túng, không hoàn thành nhiệm vụ, thì đó là một biểu hiện lãng phí. Người tài không được sử dụng đúng chỗ là lãng phí chất xám, đây là lãng phí lớn nhất xét dưới góc độ phát triển bền vững.
 
Cán bộ, công chức phải luôn luôn thực hành chữ liêm, chống tham ô, tham nhũng để làm kiểu mẫu cho dân. Thực hành đạo đức công vụ là phải tẩy sạch bệnh quan liêu. Nâng cao ý thức trách nhiệm, suốt đời tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, làm đầy tớ trung thành cho dân; thực hành liêm chính, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu là nội dung quan trọng nhất của đạo đức công vụ.
 
Học theo Bác, mỗi cán bộ, công chức trước khi làm việc gì, đều phải cân nhắc tính lợi, hại của việc mình làm, từ đó mới “hết sức làm” hay “hết sức tránh”. Khi thực thi công vụ, việc nên làm là phải làm việc tận tụy, chịu khó, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, rèn luyện không ngừng, quyết tâm hoàn thành công việc một cách tốt nhất; việc nên tránh là lười biếng, đùn đẩy việc khó cho người khác, nhận việc dễ cho mình, làm cho lấy lệ, lấy có, không có chất lượng. 
 
Như vậy, dưới góc độ đạo đức công vụ, Bác là tấm gương mẫu mực trong việc thực hiện nhiệm vụ, với một phương châm hết sức giản dị là làm việc với tư cách là “công bộc của dân” như Bác từng nói: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân”. Học tập và làm theo Bác, việc làm đúng theo quy định của pháp luật trong thực thi công vụ là chưa đủ mà còn phải phát huy tinh thần tự giác cao, cũng chính là phát huy tinh thần tự phê bình, tự điều chỉnh hành vi cá nhân. Cán bộ, công chức tích cực học tập và làm theo tấm gương của Bác về đạo đức công vụ là một việc hết sức quan trọng, hết sức thiết thực trong giai đoạn hiện nay, góp phần xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và thực hiện thắng lợi Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
 
HỒNG VĨNH