Người đại biểu nhân dân

08:03, 16/03/2016

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 sẽ diễn ra vào ngày 22/5 tới. Từ số báo này, Báo Lâm Đồng mở chuyên mục "Người đại biểu nhân dân" để bạn đọc bày tỏ những suy nghĩ, tâm tư về những đại biểu tương lai, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương.

LTS: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 sẽ diễn ra vào ngày 22/5 tới. Từ số báo này, Báo Lâm Đồng mở chuyên mục “Người đại biểu nhân dân” để bạn đọc bày tỏ những suy nghĩ, tâm tư về những đại biểu tương lai, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương.
 
* Ông Hà Văn Thạnh - cán bộ LĐ-TBXH huyện Di Linh: “Chú trọng về chất trong cơ cấu đại biểu”
 
Tự do - Bình đẳng - Bác ái là sự ưu việt của chế độ XHCN, trong đó có Nhà nước CHXHCN Việt Nam mà không một ai không thừa nhận. Xuất phát từ tính ưu việt này, nên trong mọi lĩnh vực cuộc sống, kể cả những lĩnh vực hệ trọng của đất nước như bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp, Đảng và Nhà nước đều coi trọng cơ cấu giới tính, thành phần, nghề nghiệp, dân tộc. Đó là điều đáng quý, đáng trân trọng. Tuy nhiên, do nặng về cơ cấu số lượng, dẫn đến nhiều khi xem nhẹ chất lượng, nghĩa là số lượng cơ cấu đảm bảo, nhưng chất lượng hoạt động của đại biểu chưa được đảm bảo. Dẫn đến, có nhiều đại biểu trong suốt cả nhiệm kỳ không tham gia được ý kiến nào có chất lượng vào việc xây dựng, thông qua các đạo luật của đất nước, hoặc nghị quyết phát triển KT-XH của địa phương, trở thành những “nghị gật”. Vì vậy, trong bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp, tôi mong muốn Ban chỉ đạo, Hội đồng bầu cử các cấp cần chú trọng đến chất lượng đại biểu, chú trọng lựa chọn những đại biểu có kiến thức uyên thâm về các lĩnh vực cần cơ cấu thì chắc chắn chất lượng, tính khả thi của các đạo luật, các nghị quyết phát triển KT-XH ở Trung ương, địa phương sẽ được nâng cao, góp phần quyết định vào sự thành công của công cuộc đổi mới đất nước. 
 
* Ông Đỗ Hữu Sâm - ở hẻm 91/7, đường Hà Giang, phường I, TP Bảo Lộc: “Cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách”
 
Vấn đề cử tri quan tâm nhất hiện nay là cần tăng cường cán bộ chuyên trách trong cơ cấu đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, có như vậy mới tăng cường được tính khoa học, thực tiễn, hiệu lực, hiệu quả của các đạo luật và nghị quyết phát triển KT-XH tầm quốc gia, địa phương. Bởi lẽ, từ trước đến nay, do đại biểu chuyên trách trong cơ cấu Quốc hội và HĐND các cấp hạn chế, nên tính chuyên nghiệp trong soạn thảo, xây dựng, thông qua các đạo luật, nghị quyết phát triển KT-XH có hạn, dẫn đến tình trạng “giao khoán” cho các bộ, ngành soạn thảo dự thảo các đạo luật, đưa ra Quốc hội góp ý, sửa đổi thông qua; tình trạng, bộ, ngành nào khi soạn thảo dự thảo luật cũng chỉ xuất phát từ lợi ích của bộ, ngành mình, không chú ý đến các bộ, ngành khác, do đó, có sự chồng chéo nhau, thậm chí “có lợi cho ngành này, nhưng không có lợi cho ngành khác”. Vì vậy, mới nảy sinh tình trạng có những luật vừa mới được Quốc hội thông qua, chưa triển khai thực hiện đã phải sửa đổi, bổ sung, hoặc luật thiếu tính khả thi, không đi vào được cuộc sống, hoặc hiệu lực thi hành rất ngắn, chỉ vài năm đã phải sửa đổi, bổ sung. Điều đó cho thấy, việc soạn thảo, góp ý, thông qua các đạo luật, nghị quyết phát triển KT-XH ở nước ta còn thiếu tính chuyên nghiệp, khoa học. Theo tôi, tình trạng này là do ta thiếu đại biểu chuyên trách “xứng tầm” trong Quốc hội, HĐND các cấp. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, có lẽ ta cũng nên hình thành đội ngũ cán bộ chuyên trách (chứ không phải kiêm nhiệm như hiện nay) soạn thảo luật trong Quốc hội, HĐND các cấp, mà các đại biểu chuyên trách này phải thực sự là những chuyên viên cao cấp có kiến thức uyên thâm trên mọi lĩnh vực cuộc sống, để khi dự thảo luật, soạn thảo nghị quyết phát triển KT-XH, họ phải có tầm bao quát rộng lớn, hiểu biết sâu sắc về ngành, về lĩnh vực mà luật và các nghị quyết đề cập đến. Có như vậy, khi các đạo luật, nghị quyết được thông qua, được ban bố có hiệu lực thi hành mới thực sự có chiều sâu, có tính khả thi và có sức sống lâu bền.
 
HOÀNG ĐẠI HUYNH (thực hiện)