Những cán bộ của buôn làng

09:04, 29/04/2016

Đại diện cho hơn 400 trưởng ban công tác Mặt trận vùng đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh, mới đây, 70 vị trưởng ban tiêu biểu đã được UBMTTQ tỉnh ghi nhận, biểu dương vì những thành tích xuất sắc trong công tác Mặt trận. Họ là những là cán bộ tiêu biểu, góp phần đưa buôn làng ngày càng đổi thay.

Đại diện cho hơn 400 trưởng ban công tác Mặt trận vùng đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh, mới đây, 70 vị trưởng ban tiêu biểu đã được UBMTTQ tỉnh ghi nhận, biểu dương vì những thành tích xuất sắc trong công tác Mặt trận. Họ là những là cán bộ tiêu biểu, góp phần đưa buôn làng ngày càng đổi thay.
 
* Ông K’Đeo - người uy tín tiêu biểu thôn B’Đơr, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm: 
 
Thôn B’Đơr chúng tôi hiện có 423 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc K’Ho, bà con sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp với cây trồng chủ lực là chè, cà phê. Trong những năm qua, dưới sự hướng dẫn của MTTQ huyện, xã Lộc An, Ban công tác Mặt trận thôn B’ Đơr chúng tôi cùng với người có uy tín trong buôn thường xuyên làm công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân về chính sách dân tộc, tôn giáo, về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất; quan tâm giải quyết những bức xúc mâu thuẫn nội bộ trong nhân dân... Với tỷ lệ 99% bà con theo đạo Công giáo, hàng tuần đi lễ nhà thờ được Linh mục khuyên răn giáo dân phải sống hòa thuận, đoàn kết với nhau, đoàn kết trong dân tộc mình và đoàn kết với các dân tộc anh em khác. Chính vì vậy, bà con trong thôn, buôn hiện nay sống rất hòa thuận, thường xuyên giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình. Từ chỗ định canh, định cư làm kinh tế vườn, trồng dâu nuôi tằm, đến nay bà con trong thôn đã chuyển đổi cây trồng sang chè, cà phê. Được các cán bộ kỹ thuật người Kinh giúp đỡ, nay bà con chúng tôi đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, trồng chè cành cho năng suất từ 12 - 13 tấn/ha, ghép cà phê giống mới cho năng suất từ 7 - 8 tấn/ha. Việc tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của cây trồng trên cùng một đơn vị diện tích, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo (đến nay chỉ còn 4,6% tỷ lệ hộ nghèo).
 
* Ông K’Bềm - Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 6, xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh:  
 
Thôn 6, xã Đinh Trang Hòa được thành lập năm 1980, là thôn đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên. Toàn thôn hiện có 105 hộ/360 nhân khẩu, trước đây sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước, chăn nuôi, hiện nay đa phần chuyển đổi sang trồng cà phê. Khi mới thành lập, nhiều tập tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi, phạt vạ, bùa, ngải ma lai… vẫn còn tồn tại và ảnh hưởng đến sự phát triển chung của thôn 6 nói riêng và xã Đinh Trang Hòa nói chung. Với trách nhiệm là Trưởng Ban công tác Mặt trận, thời gian qua, tôi thường xuyên nghiên cứu các văn bản hướng dẫn của MTTQ Việt Nam các cấp, cùng các thành viên ban công tác Mặt trận xây dựng kế hoạch tham mưu, phối hợp cùng ban nhân dân thôn, các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động bà con, nhất là các vị trưởng tộc thực hiện xây dựng nếp sống văn minh, xóa bỏ các tập tục lạc hậu như: tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, cùng huyết thống, ép cưới, thách cưới cao, việc tang ma trong các gia đình có người chết vẫn còn để lâu trong nhà, tình trạng ăn ở sinh hoạt không hợp vệ sinh gây ô nhiễm môi trường… ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế, lãng phí tiền của, công lao động của đồng bào DTTS. Việc xóa bỏ hủ tục lạc hậu là việc làm hết sức cần thiết nhưng không kém phần khó khăn. Tuy nhiên, với sự kiên trì thực hiện, việc tuyên truyền, vận động đã được ban công tác Mặt trận phối hợp với các vị già làng, người có uy tín trong thôn triển khai đạt hiệu quả cao. Để tạo hiệu quả thiết thực, trước hết, bản thân ông K’Bềm và già làng là những người, những hộ gương mẫu đi đầu thực hiện. Sau đó bà con nhìn thấy cái hay, cái tốt và tự giác làm theo. Nhờ vậy, đến nay, việc cưới đều thực hiện đúng quy định của pháp luật về độ tuổi kết hôn và hoàn toàn tự nguyện, có đăng ký kết hôn, không còn tình trạng nhà trai thách cưới mang tính chất gả bán, chất lượng cuộc sống của các gia đình trẻ được nâng lên rõ rệt, con cái được học hành, chăm sóc tốt hơn. Trong việc tang, bà con trong thôn đã chấp hành nghiêm việc khi có người qua đời phải thông báo với chính quyền cơ sở để khai tử, người chết được đưa vào áo quan, không để quá 48 giờ, được chôn sâu dưới lòng đất đảm bảo vệ sinh môi trường.
 
Nguyệt Thu