Chính sách dân tộc góp phần phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS

08:04, 29/04/2016

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Cơ quan quản lý nhà nước về công tác Dân tộc (3/5/1946 - 3/5/2016) và kỷ niệm 22 năm Ngày thành lập Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, phóng viên Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn ông Huỳnh Mỹ - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng về quá trình hình thành và phát triển của cơ quan quản lý nhà nước về công tác Dân tộc trong thời gian qua.

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Cơ quan quản lý nhà nước về công tác Dân tộc (3/5/1946 - 3/5/2016) và kỷ niệm 22 năm Ngày thành lập Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, phóng viên Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn ông Huỳnh Mỹ - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng về quá trình hình thành và phát triển của cơ quan quản lý nhà nước về công tác Dân tộc trong thời gian qua.
 
Ông Huỳnh Mỹ -Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng
Ông Huỳnh Mỹ -Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng
PV: Xin ông giới thiệu đôi nét về chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành của Cơ quan quản lý nhà nước về công tác Dân tộc?
 
Ông Huỳnh Mỹ: Sau khi giành được độc lập, ngày 3/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 58 thành lập Nha Dân tộc thiểu số, tiền thân của Ủy ban Dân tộc ngày nay. Những nhiệm vụ đầu tiên của Nha Dân tộc thiểu số là mở trường đào tạo cán bộ dân tộc mang tên “Nùng Chí Cao”. Lớp cán bộ dân tộc do trường đào tạo sau đó tỏa đi khắp cả nước tham gia công tác trên các lĩnh vực, phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Nha Dân tộc thiểu số mới thành lập chưa được bao lâu thì thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vùng dân tộc và miền núi trở thành căn cứ địa vững chắc cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Từ sau năm 1954, công tác dân tộc được tổ chức thực hiện với những nội dung và hình thức hoạt động phù hợp với yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới. Sau ngày Nam - Bắc sum họp một nhà, non sông thu về một mối, công tác dân tộc triển khai trên phạm vi cả nước với những nội dung và yêu cầu mới như tập trung ổn định sản xuất và đời sống, giải quyết các vấn đề xã hội do hậu quả chiến tranh để lại. Nhờ có sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, cùng với sự nỗ lực của các cấp các ngành, đồng bào các DTTS trong cả nước luôn tin tưởng, giữ trọn niềm tin vào Đảng và Bác Hồ, từng bước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, cùng với quân và dân cả nước anh dũng chiến đấu, bảo vệ vững chắc biên cương đất nước, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
Từ Nha Dân tộc thiểu số đến Ủy ban Dân tộc ngày nay, một chặng đường 70 năm lịch sử vẻ vang của ngành dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, cơ quan công tác Dân tộc với nhiều tên gọi khác nhau trong từng giai đoạn cách mạng, nhưng đều có chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là tham mưu cho Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc, nghiên cứu đề xuất xây dựng chính sách dân tộc và tổ chức thực hiện công tác Dân tộc.
 
PV: Vậy, dấu ấn sau 22 năm hình thành và phát triển của Cơ quan quản lý nhà nước về công tác Dân tộc ở tỉnh Lâm Đồng là gì, thưa ông?
 
Ông Huỳnh Mỹ: Sau khi Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh Lâm Đồng (nay là Ban Dân tộc tỉnh) được thành lập theo Quyết định số 905 QĐ/UB-TC ngày 24/10/1994, Ban đã bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước để vận dụng linh hoạt vào tình hình địa phương, xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án có liên quan đến vùng DTTS theo từng giai đoạn. Qua 22 năm triển khai thực hiện chính sách dân tộc đã góp phần tích cực vào mục tiêu giảm nghèo của tỉnh nói chung và trong vùng DTTS nói riêng. Cụ thể, đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS chỉ còn 4% và không còn hộ đói (bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 10-12%, riêng từ năm 2011 đến nay, giảm bình quân từ 4-5%/năm).
 
Thông qua việc thực hiện các chính sách dân tộc như các chương trình 132, 134, 135... đến nay, 100% xã trong tỉnh đã có điện lưới quốc gia; 100% xã có đường ô tô vào trung tâm xã; cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm trong vùng đồng bào DTTS; hơn 1.800 hộ thiếu đất ở và hơn 4 ngàn hộ thiếu đất sản xuất đã được giải quyết; hệ thống trường, lớp và chất lượng giáo dục vùng DTTS được cải thiện... Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng còn ban hành các chính sách đặc thù của địa phương mà sau này được áp dụng trong cả nước như: cho đồng bào tận thu nguồn gỗ để làm nhà theo Chương trình 134, hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS đang theo học tại các trường từ trung học chuyên nghiệp đến cao đẳng và đại học...
 
Có thể nói, công tác triển khai, thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, huy động được các nguồn lực trong tổ chức thực hiện, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.
 
PV: Thưa ông, những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào mà Ban Dân tộc tỉnh cần tập trung thực hiện trong thời gian tới?
 
Ông Huỳnh Mỹ: Phát huy những thành quả đã đạt được, thời gian tới công tác Dân tộc trên địa bàn tỉnh cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm, đó là: Thứ nhất, Ban sẽ phối hợp cùng với các ban, ngành liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy xem xét ban hành Nghị quyết về công tác Dân tộc cho phù hợp với tình hình công tác dân tộc của tỉnh trong giai đoạn mới; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng DTTS, hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất. Thứ hai, huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư, phát triển, trước hết tập trung cho các vùng đặc biệt khó khăn (vùng “lõi nghèo”), tránh đầu tư dàn trải, lãng phí; thực hiện tốt việc phân cấp cho cơ sở, công khai các chính sách, chương trình, dự án, vốn đầu tư... để đồng bào biết và cùng tham gia quản lý, giám sát quá trình thực hiện; lồng ghép bố trí các nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh đồng thời từng bước tăng chi ngân sách hợp lý cho các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn trong vùng đồng bào DTTS; trong đó, tập trung nguồn lực vào giải quyết các vấn đề trọng tâm như giảm nghèo, an sinh xã hội, y tế, giáo dục... Thứ ba, tập trung kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy cơ quan làm công tác Dân tộc từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo đủ số lượng và chất lượng, để làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc quản lý, tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Thứ tư, tăng cường công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS; tích cực chăm lo xây dựng và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và bản sắc dân tộc; từng bước hoàn thiện thiết chế văn hóa cơ sở vùng DTTS và miền núi...
 
Để làm được điều này, ngoài sự nỗ lực của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về công tác Dân tộc thì sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các các tổ chức xã hội là vô cùng quan trọng để phát triển toàn diện vùng DTTS. Tin rằng, với sự quan tâm sâu sắc của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự vào cuộc của các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị, thời gian tới công tác Dân tộc của tỉnh sẽ đạt được những thành tựu to lớn hơn.
 
PV: Xin cảm ơn ông!
 
HỒNG HẢI (thực hiện)