Ðà Lạt sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 08

09:01, 11/01/2017

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 5/8/2011 của Tỉnh ủy về "Phát triển thành phố Ðà Lạt nhanh và bền vững giai đoạn 2011 - 2015, hướng đến thành phố văn minh, thân thiện", cùng với sự nỗ lực của Ðảng bộ, chính quyền, sự đồng lòng của nhân dân; thành phố Ðà Lạt đã thực hiện thành công một số chỉ tiêu đặt ra...

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 5/8/2011 của Tỉnh ủy về “Phát triển thành phố Ðà Lạt nhanh và bền vững giai đoạn 2011 - 2015, hướng đến thành phố văn minh, thân thiện”, cùng với sự nỗ lực của Ðảng bộ, chính quyền, sự đồng lòng của nhân dân; thành phố Ðà Lạt đã thực hiện thành công một số chỉ tiêu đặt ra. Tuy vậy, vẫn còn nhiều chỉ tiêu trong Nghị quyết chưa thực hiện được, đòi hỏi Ðà Lạt cần nhiều nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới.
 
Sản xuất rau cao cấp tại Đà Lạt. Ảnh: T.Trang
Sản xuất rau cao cấp tại Đà Lạt. Ảnh: T.Trang
Để thực hiện thành công các chỉ tiêu trong Nghị quyết 08, Thành ủy Đà Lạt đã ban hành nhiều kế hoạch, nghị quyết chuyên đề cụ thể để triển khai thực hiện. Ngoài ra, hàng năm, Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy còn ban hành các Nghị quyết phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị để cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố khóa X và Nghị quyết 08 phù hợp với tình hình địa phương qua từng năm. Tất cả các nghị quyết đều được phổ biến rộng rãi tới từng cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong hành động.
 
Cũng trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trung bình 16,8%/năm; cơ cấu kinh tế cơ bản chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành du lịch - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp… 
 
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 08, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2011 - 2015 đạt trên 22.377 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 20 ngàn lao động. Đến năm 2015, lượng khách du lịch đến thành phố Đà Lạt đạt 4 triệu lượt. Thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,29%, trong đó, hộ nghèo người DTTS 0,4%... Những kết quả này đã đạt và vượt Nghị quyết 08 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố khóa X.

Theo đánh giá của Thành ủy Đà Lạt, những con số trên cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố chưa thực sự vững chắc. Cụ thể, trong ngành du lịch và nông nghiệp - hai ngành kinh tế trọng điểm, mũi nhọn của thành phố vẫn còn nhiều bất cập. Sản phẩm du lịch, dịch vụ chưa đa dạng hấp dẫn, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu, còn thiếu những dịch vụ du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế. Việc gắn kết các khu vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, các làng hoa với hoạt động du lịch còn nhiều hạn chế. Tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm của Đà Lạt còn ở mức độ thấp. Đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp vẫn chưa ổn định, việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ. Sản xuất công nghiệp có tăng trưởng nhưng chưa cao, chưa phát huy hết tiềm năng hiện có. Công tác quy hoạch, phân khu, quản lý quy hoạch đô thị, nhất là quản lý trật tự xây dựng còn có mặt hạn chế. Công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị gặp nhiều khó khăn, tác động tiêu cực của nhà kính, nhà lưới chưa được khắc phục. Thu ngân sách chưa đạt mục tiêu đề ra. Rừng cảnh quan ở một số khu vực chưa được bảo vệ tốt còn bị xâm hại…

 
Bên cạnh đó, các vấn đề khác như, thiết chế văn hóa cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân; chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế và các hoạt động văn hóa, thể thao có mặt chưa đạt yêu cầu, đời sống của một bộ phận dân cư còn khó khăn; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phường văn minh đô thị, xã nông thôn mới, thành phố văn minh thân thiện… vẫn có nhiều mặt chưa bền vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp…
 
Bên cạnh việc ảnh hưởng chung bởi sự suy thoái kinh tế, tài chính trong khu vực và thế giới, khó khăn chung của cả nước và của tỉnh trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm đầu tư công, miễn giảm thuế, thiên tai, dịch bệnh…, những hạn chế, tồn tại trên còn xuất phát bởi các nguyên nhân cụ thể như: Khả năng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn hạn hẹp chưa tương xứng với yêu cầu của Nghị quyết và kế hoạch đề ra; việc huy động các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách cho hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thành phố... Tuy vậy, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là do năng lực lãnh đạo quản lý điều hành, tổ chức thực hiện của một số đơn vị, địa phương còn có nhiều mặt hạn chế, hiệu quả chưa cao, thiếu quyết liệt trong công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung và việc thực hiện Nghị quyết nói riêng.
 
Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết, từ thực tiễn những vấn đề đã đạt được và chưa đạt được, Thành ủy và UBND thành phố Đà Lạt đã rút ra nhiều kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện Nghị quyết trong giai đoạn mới. Trong đó, Thành ủy Đà Lạt đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao quyết tâm chính trị từ các tổ chức cơ sở (TSCS) đảng để đi đến thống nhất trong chủ trương và hành động. Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của từng TCCS đảng để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đồng thời, xác định rõ các nội dung, lĩnh vực để nỗ lực tạo đột phá, xây dựng các nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch và tập trung chỉ đạo quyết liệt trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2016 - 2020. 
 
NGỌC NGÀ