Để nghị quyết "thấm sâu" vào cuộc sống

08:05, 19/05/2017

Thời gian qua, ngoài việc tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Lâm Đồng còn tổ chức Cuộc thi viết "Tìm hiểu Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X" để mọi người "hiến kế" đồng lòng chung tay thực hiện nghị quyết.  

Thời gian qua, ngoài việc tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Lâm Đồng còn tổ chức Cuộc thi viết “Tìm hiểu Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X” để mọi người “hiến kế” đồng lòng chung tay thực hiện nghị quyết.  
 
Một số tác phẩm được đầu tư công phu về cả nội dung và hình thức trong cuộc thi này. Ảnh: N.Ngà
Một số tác phẩm được đầu tư công phu về cả nội dung và hình thức trong cuộc thi này. Ảnh: N.Ngà
Lan tỏa cuộc thi
 
Đồng chí Trần Văn Hiệp - Trưởng ban Tuyên giáo (BTG) Tỉnh ủy khẳng định: Cuộc thi viết “Tìm hiểu Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X” đã thu hút sự tham gia rất tích cực của đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ, đội ngũ giáo viên, học sinh trong tỉnh. Đây là cuộc thi có số lượng bài tham gia lớn nhất từ trước đến nay với 25.167 bài. Bên cạnh đó, ban tổ chức (BTC) và ban giám khảo (BGK) cuộc thi với sự tham gia đông đủ của các thành phần, lực lượng thể hiện sự xuyên suốt về công tác chỉ đạo cũng như sức ảnh hưởng, sự lan tỏa của cuộc thi. 
 
Được biết, BTC Cuộc thi trao 10 giải tập thể cho các đơn vị có nhiều cố gắng trong phát động và tổ chức cuộc thi và 37 giải cá nhân, trong đó: Nhóm 1 có 26 giải cá nhân, gồm1 giải nhất, 1 giải nhì, 4 giải ba và 20 giải khuyến khích; Nhóm 2 có 11 giải cá nhân, bao gồm1 giải nhì, 2 giải ba và 8 giải khuyến khích.

Đợt này, các đảng bộ huyện đã có sự sáng tạo trong việc tiến hành chấm sơ khảo các bài dự thi của địa phương trước. Từ đó lựa chọn những tác phẩm xuất sắc nhất gửi lên BTG Tỉnh ủy. Đồng thời, những tác phẩm xuất sắc đó cũng được các địa phương trao giải vào dịp 19/5 như một hoạt động tích hợp vào chuỗi sự kiện mừng 127 năm ngày Sinh của Bác. Theo đó, Ban Tổ chức Cuộc thi đã nhận được 690 bài dự thi chung khảo của hơn 22 đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tham dự.  

 
Đối tượng dự thi được chia thành 2 nhóm: cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang tỉnh, giáo viên, giảng viên, đoàn viên, thanh niên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đang sống, làm việc tại Lâm Đồng; nhóm học sinh trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, sinh viên cao đẳng và đại học trên địa bàn tỉnh. “Sự phân loại đối tượng đó là điểm rất mới so với các cuộc thi trước, phù hợp với sự nhận thức của từng loại đối tượng” - Trưởng BTG Tỉnh ủy nói.
 
Theo đánh giá của BGK cuộc thi, các bài thi đã nêu bật được những kết quả và những hạn chế, khuyết điểm qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX. Sự đổi thay, phát triển của Lâm Đồng cũng được thể hiện và khẳng định kết quả đó là sự hội tụ ý chí, quyết tâm, đồng sức, đồng lòng của Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, những nội dung cốt lõi được nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X cũng được các tác giả đào sâu, nghiên cứu. 
 
Mỗi bài thi là tâm huyết của người thực hiện. Điển hình như bài thi của tác giả Bùi Trần Thảo Ly (Hội Nông dân tỉnh) thể hiện rõ sự công phu, tỉ mỉ khi sưu tầm các hình ảnh tư liệu đẹp, sinh động đi kèm với phần nội dung để chuyển tải rõ ràng sự chuyển động đi lên của tình hình kinh tế, xã hội ở Lâm Đồng. Hay như bài dự thi của tác giả Trần Hợp Châu (70 tuổi) ở Bảo Lộc với việc sưu tầm, cắt những bài viết, những lời nói, hình ảnh từ những tờ báo, tạp chí của Đảng (Báo Nhân Dân, Báo Lâm Đồng…) để dán vào bài thi nhằm minh họa cho từng nội dung thể hiện. Điều đó thể hiện sự tâm huyết của ông với bài thi nói riêng và những bước chuyển biến qua thời gian của địa phương nói chung. 
 
Ngoài ra, đợt này có nhiều tác phẩm dự thi chất lượng mang trí tuệ tập thể như Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh; Công an tỉnh Lâm Đồng; Ban Tuyên giáo Huyện ủy Di Linh; Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh...
 
Người dân hiến kế
 
“Trong cuộc thi này nhiều bài thi đã hiến những kế sách hay, cụ thể cho từng vấn đề như: công tác cải cách hành chính; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; du lịch chất lượng cao; quảng bá, xây dựng hình ảnh về một Đà Lạt nói chung và Lâm Đồng nói riêng hiền hòa, thanh lịch, mến khách…” - đồng chí Trần Văn Hiệp phấn khởi nói.
 
Trong phần hiến kế của mình, tác giả Bùi Trần Thảo Ly đã chia cụ thể các lĩnh vực như kinh tế với các nội dung: Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; phát triển công nghiệp - xây dựng; thương mại, dịch vụ… Còn lĩnh vực văn hóa - xã hội với các nội dung: giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; khoa học và công nghệ; y tế, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân…
 
Hay như tác giả Trần Thị Hồng - Công ty Điện lực Lâm Đồng đã thể hiện sự phát triển cụ thể của Lâm Đồng thông qua việc nghiên cứu sự phát triển của từng địa phương từ các thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc cho đến các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, từ đó đưa ra giải pháp hiến kế. Trong đó, nhấn mạnh vào trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, bởi cá nhân tốt sẽ góp phần xây dựng tập thể tốt. Trong bài viết có đoạn “Từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vấn đề tự rèn luyện, tự củng cố, tự đổi mới, chỉnh đốn, không ai có thể làm thay được. Mỗi đảng viên có lối sống gương mẫu, trong sạch, lành mạnh, xây dựng gia đình văn hóa, không để vợ (hoặc chồng) con, lợi dụng cương vị công tác của mình làm những việc trái với pháp luật của Nhà nước, ảnh hưởng uy tín của Đảng”. Từ đó, tác giả liên hệ thực tiễn của bản thân trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại Công ty Điện lực Lâm Đồng để thực hiện tốt trách nhiệm của một đảng viên, hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, đóng góp cho sự phát triển của công ty và góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
 
Khi mỗi cá nhân ý thức được trách nhiệm, nhiệm vụ của mình, ấy là khi nghị quyết đã thực sự “thấm sâu” vào cuộc sống.
 
Tuy vậy, cuộc thi vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Đồng chí Trưởng BTG thẳng thắn nhìn nhận: Đối tượng dự thi là học sinh, sinh viên khá đông nhưng chưa thật sự quan tâm, đầu tư cả về nội dung và hình thức. Vẫn còn tình trạng sao chép, cóp gián. Nhiều bài thi mang tính đối phó chưa thể hiện tâm huyết nhất là trong phần hiến kế.
 
Những giải pháp, hiến kế sáng tạo, phù hợp được thể hiện trong các bài dự thi sẽ được BTC tổng hợp để tham mưu BTV Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ X nghiên cứu, bổ sung vào chương trình, kế hoạch công tác, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất.
 
HOÀNG MI