Công tác cán bộ là then chốt của then chốt (bài cuối)

02:07, 15/07/2020

Là người sáng lập, rèn luyện Đảng ta, lúc sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ. Người chỉ rõ: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém"...

[links()]
 
Cán bộ là vốn quý
 
Là người sáng lập, rèn luyện Đảng ta, lúc sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ. Người chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Xác định rõ cán bộ là vốn quý, nhiều năm qua, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có nhiều phương án trong việc gây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ.
 
Công tác đào tạo, bồi dưỡng được tiến hành thường xuyên là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Ảnh: Duy Danh
Công tác đào tạo, bồi dưỡng được tiến hành thường xuyên là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Ảnh: Duy Danh
 
Đổi mới công tác cán bộ
 
Những năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2015-2020, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng ở Lâm Đồng đã kịp thời cụ thể hóa các văn bản của Trung ương về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ thành các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ sức đảm đương được những nhiệm vụ đặt ra trước yêu cầu phát triển của tỉnh.
 
Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng đã chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên thông qua việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Riêng đối với Chỉ thị 05, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc những nội dung “học tập” và “làm theo” Bác phù hợp với đặc thù của các đơn vị, địa phương. Trong đó, chú trọng công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình, thực hiện tốt nhiệm vụ ở cơ sở. Nhờ vậy, kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan, đơn vị, địa phương đã được chấn chỉnh. Các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm đều bị xử lý kỷ luật nghiêm minh. 
 
Bên cạnh việc rèn giũa đạo đức cán bộ, công tác quy hoạch, luân chuyển cũng như bố trí sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong từng ngành, từng địa phương cũng đã có sự chuyển biến tích cực. Nếu như việc luân chuyển cán bộ được tiến hành để biết được mặt mạnh, sự nổi trội của cán bộ, từ đó có phương án bố trí, sử dụng cán bộ tốt nhất thì việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ cũng được tiến hành chặt chẽ, đúng quy trình để đảm bảo sự lựa chọn đúng đắn. Qua đó, chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý được nâng lên. Hay như việc tổ chức thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý tại một số sở, ban, ngành từ năm 2017 đến nay đã cho thấy đây là một trong những kênh rất tốt để lựa chọn cán bộ có năng lực vào các vị trí, chức danh khuyết, thiếu. Song song với đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng được chú trọng. 
 
Thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy về đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020 định hướng đến năm 2025, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh từng bước được chuẩn hóa, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng. Từ năm 2015 đến nay, Lâm Đồng đã cử trên 24 ngàn lượt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị. Điều đó góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực quản lý, điều hành, kỹ năng thực thi công vụ cũng như tiếp cận khoa học công nghệ của đội ngũ cán bộ. Hiện 100% cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện có trình độ đại học và cao cấp lý luận chính trị; 90% cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định. Riêng ở cấp xã, 37,74% cán bộ chuyên trách có trình độ đại học, 3,61% cán bộ có trình độ cao đẳng, 40,39% có trình độ trung cấp. Trình độ cao cấp lý luận chính trị chiếm 4,25%, trung cấp chiếm tỷ lệ 72,71%... 
 
Những giải pháp rèn luyện cán bộ
 
Theo nhận định của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, hiện Lâm Đồng vẫn còn những vấn đề đặt ra trong công tác cán bộ. Đó là trình độ, năng lực lãnh đạo và quản lý của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Cơ cấu đội ngũ cán bộ có nơi chưa hợp lý, thiếu cán bộ đầu ngành, chuyên môn giỏi. Vẫn còn một bộ phận cán bộ sa sút về phẩm chất chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật. Điều này dẫn tới tỷ lệ cán bộ vi phạm và bị xử lý kỷ luật còn cao… Tuy những mặt tiêu cực trên xảy ra không phổ biến nhưng từng cấp, từng ngành chưa kịp thời có biện pháp ngăn chặn và khắc phục. Điều đó làm ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo, sức mạnh tổ chức Đảng, giảm lòng tin của Nhân dân đối với các cấp ủy đảng. Công tác đánh giá cán bộ vẫn là một trong những khâu yếu hiện nay. Việc đánh giá chưa thật sự khoa học, chưa mang tính chất lượng hóa, chưa lấy kết quả và hiệu quả công việc làm thước đo mức độ thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ nên chưa phát huy được năng lực của những cán bộ giỏi, có tâm huyết cũng như chưa sàng lọc được những cán bộ kém năng lực trong bộ máy.
 
Để rèn luyện đội ngũ cán bộ, Lâm Đồng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp theo phương châm: thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả.
 
Cụ thể, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã chỉ đạo các cấp ủy đảng chủ động rà soát những cán bộ có năng lực và thử thách qua thực tiễn để làm nguồn cho đội ngũ cán bộ chủ chốt. Khi phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm; đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát quyền lực để xử lý nghiêm minh các sai phạm. Chú trọng tới công tác tuyển dụng và luân chuyển cán bộ. Trong đó, cần kết hợp để có cơ cấu lứa tuổi hợp lý, bảo đảm chuyển tiếp vị trí công tác giữa người già và người trẻ; người tại địa phương và người nơi khác… Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt. Gắn kiểm tra, giám sát với thi hành kỷ luật Đảng; xử lý kiên quyết, nghiêm minh đối với những đảng viên vi phạm và tổ chức Đảng yếu kém. Song song với đó cần đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
 
Chất lượng cán bộ được nâng cao sẽ quyết định đến hiệu quả thực hiện các phương thức lãnh đạo cơ bản của Đảng. Hay nói cách khác, các phương thức lãnh đạo của Đảng có phát huy được hay không đều do việc xây dựng, lựa chọn, bố trí cán bộ hợp lý. Việc sử dụng đúng cán bộ trên cơ sở những tiêu chuẩn, quy định; trong đó, lấy hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm của Nhân dân làm thước đo chủ yếu để đánh giá cán bộ là cách “vun đắp” niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
 
NGỌC NGÀ