Kiểm soát rượu phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

08:09, 01/09/2017

Liên quan đến kiểm soát rượu, trong năm 2017, Thủ tướng Chính phủ có công điện hỏa tốc về việc khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) đối với sản phẩm rượu; Bộ Công thương có chỉ thị về tăng cường quản lý ATTP đối với sản xuất, kinh doanh rượu; UBND tỉnh đã có chỉ đạo về tăng cường quản lý ATTP đối với sản phẩm rượu.

Liên quan đến kiểm soát rượu, trong năm 2017, Thủ tướng Chính phủ có công điện hỏa tốc về việc khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) đối với sản phẩm rượu; Bộ Công thương có chỉ thị về tăng cường quản lý ATTP đối với sản xuất, kinh doanh rượu; UBND tỉnh đã có chỉ đạo về tăng cường quản lý ATTP đối với sản phẩm rượu.
 
Gần 50% vụ ngộ độc rượu do methanol
 
Kết quả triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2017 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng phát hiện 16 mẫu thực phẩm rượu xét nghiệm nhanh dương tính với methanol. Thống kê trong giai đoạn 2011 - 2016, toàn tỉnh ghi nhận 22 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.060 người mắc, 4 người tử vong. Trong đó, có 3 vụ ngộ độc rượu xảy ra tại Đơn Dương, Lâm Hà, Bảo Lâm. Các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra chủ yếu do các tác nhân vi sinh vật, nhưng nguyên nhân gây các ca tử vong là do hóa chất (hàm lượng methanol cao, do uống rượu ngâm với của ấu tàu…).
 
Rượu có methanol là nguyên nhân của gần 50% vụ ngộ độc rượu xảy ra trong cả nước. Theo Bộ Y tế thống kê từ năm 2007 - 2017, cả nước có 58 vụ ngộ độc rượu lớn khiến 382 người mắc, 98 người tử vong. Trong đó, ngộ độc rượu trắng là 12 vụ, rượu trắng có hàm lượng methanol cao là 18 vụ và các vụ khác do rượu ngâm các loại củ, rễ cây… 
 
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay đã có 1 vụ ngộ độc rượu lớn tại Phong Thổ (Lai Châu) khiến gần 70 người mắc, 10 người tử vong và chùm ngộ độc rượu rải rác ở Hà Nội từ đầu năm 2017 đến nay khiến 34 người mắc, 9 người tử vong, 1 người mù và nhiều người bị di chứng. Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 33 người vào cấp cứu vì ngộ độc rượu methanol; trong đó 9 người tử vong. 
 
Không thể cấm uống rượu, tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc quản lý và sử dụng rượu như thế nào và hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của lạm dụng rượu bia và đồ uống có cồn; vai trò của các tổ chức xã hội và gia đình trong việc tuyên truyền, vận động phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia trong đời sống còn hạn chế. Bên cạnh các ca tử vong do ngộ độc rượu, các vụ tai nạn giao thông dẫn đến tử vong do lạm dụng rượu bia đã có con số thống kê cụ thể nhưng những vụ bạo lực và nạn nhân bạo lực do rượu bia thì chưa có thống kê cụ thể. Một cán bộ phụ nữ ở cơ sở cho rằng phần lớn xảy ra bạo lực gia đình có nguyên nhân do người chồng uống rượu bia quá mức và thói quen lạm dụng rượu thường xuyên nên không kiểm soát được hành vi bạo hành vợ, con, tuy nhiên để giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải tế nhị vì nạn nhân không khai báo và người đã nghiện rượu rồi thì khó từ bỏ thói quen.
 
Khoảng 4% cơ sở sản xuất rượu có giấy phép hoạt động 
 
Theo báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh rượu năm 2016 của Sở Công thương cho biết: Sở đã cấp 7 giấy phép kinh doanh buôn bán sản phẩm rượu cho 7 đơn vị trong tỉnh và cấp 6 giấy phép sản xuất rượu công nghiệp cho 4 đơn vị sản xuất rượu vang; cấp 26 giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu. Các Phòng Kinh tế thành phố, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện trong tỉnh đã cấp 30 giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh cho các hộ gia đình, cơ sở sản xuất trong tỉnh. Đến nay, chưa có tổ chức, cá nhân nào đề nghị đăng ký sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại.
 
Theo Sở Công thương, về mặt quản lý thuận lợi là các các công ty sản xuất rượu công nghiệp có năng lực đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, kỹ thuật, công nghệ, nhân lực và đảm bảo các điều kiện ATTP để sản xuất hiệu quả, chất lượng. 
 
Tuy nhiên, khó khăn là cơ sở, đơn vị lập hồ sơ đăng ký để được cấp Giấy phép sản xuất rượu chiếm tỉ lệ khoảng 4% so với số lượng thực tế đang sản xuất. 
 
Bởi số liệu rà soát của các Phòng Kinh tế, Phòng Kinh tế và  Hạ tầng tuyến huyện, thành phố, hiện tại trên địa bàn tỉnh có khoảng 650 cơ sở, đơn vị sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh.
 
Các tổ chức, hộ gia đình, cơ sở sản xuất rượu thủ công với quy mô nhỏ lẻ, sử dụng sản phẩm liên quan đến chăn nuôi nên không khai báo, đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước; sản phẩm rượu chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của gia đình và của người dân địa phương; phần lớn rượu chưa được kiểm định chất lượng; số lượng các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình kinh doanh mặt hàng rượu chưa có giấy phép vẫn còn nhiều, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa được bày bán công khai, không nhãn mác. Hiện nay, rượu trắng thường bán ở các điểm, quầy bán thực phẩm tại các cụm dân cư. Khảo sát một điểm bán rượu tại hộ gia đình có kinh doanh quầy thực phẩm ở một tổ dân phố tại Đà Lạt cho thấy, trung bình mỗi ngày bán khoảng 30 lít rượu trắng với giá 20 ngàn đồng/lít đối với rượu ngon và 15 ngàn đồng/lít rượu bình thường. Chủ quầy cho biết đã hơn chục năm nay bán rượu trắng kèm với bán thực phẩm tươi sống và hàng tạp hóa tại nhà nên quen mặt khách hàng mua chủ yếu để uống trong gia đình và vài trường hợp đã nghiện không bỏ được. Cách không xa quầy thực phẩm này là một hộ gia đình có điểm bán hàng tạp hóa và thức ăn sáng cho bà con trong khu dân cư cũng có bán rượu trắng để phục vụ cho bà con. Thực tế này cho thấy nhu cầu sử dụng rượu, đặc biệt là rượu trắng trong nhân dân còn rất phổ biến. Rượu trắng không nhãn mác, xuất xứ được người tiêu dùng mách nhau bí quyết là “uống vào không nhức đầu là rượu an toàn”.
 
Theo Sở Công thương, do tâm lý và nhận thức của hộ kinh doanh rượu về việc đăng ký cấp giấy phép sản xuất còn hạn chế, vì vậy việc theo dõi quản lý tình hình sản xuất kinh doanh rượu đối với các cơ sở thủ công gặp nhiều khó khăn. Một số hộ kinh doanh rượu quy mô nhỏ lẻ không có giấy phép mặc dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở nhưng vẫn không làm thủ tục cấp giấy phép. Đối những trường hợp này cơ quan chức năng ra quyết định xử lý vi phạm hành chính nhưng do mức phạt quá cao so với quy mô kinh doanh nên chủ cơ sở không nộp phạt.
 
Hầu hết các hộ kinh doanh bán lẻ rượu nhỏ lẻ không báo cáo định kỳ theo quy định, khi yêu cầu báo cáo thì không đúng với thực tế kinh doanh, số lượng, doanh số bán ra thấp hơn thực tế. Do đó, các Phòng Kinh tế, Phòng Kinh tế & Hạ tầng các huyện, thành phố không thẩm tra được tính chính xác của số liệu các hộ kinh doanh này kinh doanh với hình thức thuế khoán nên không thực hiện việc mở sổ sách chứng từ kinh doanh.
 
Theo thống kê, trong năm 2016, các đơn vị kinh doanh sản phẩm rượu trên địa bàn tỉnh có số lượng mua vào trong kỳ là 48,8 ngàn chai rượu các loại, số lượng bán ra trong kỳ là 47,9 ngàn chai rượu các loại; tổng giá trị mua vào trong kỳ là 4,48 tỷ đồng và tổng giá trị bán ra trong kỳ là 5,38 tỷ đồng.
 
Trong năm 2016, Chi cục Quản lý Thị trường đã kiểm tra tình hình hoạt động của 1 doanh nghiệp kinh doanh buôn bán sản phẩm rượu, qua đó xử phạt hành chính 1,5 triệu đồng do vi phạm các quy định về ATTP. Và trước đó, năm 2013, kiểm tra 25 đơn vị đã phát hiện và xử lý 1 đơn vị vi phạm kinh doanh rượu nhập lậu, xử phạt vi phạm hành chính 4 triệu đồng, tịch thu 18 chai rượu nhập lậu trị giá khoảng 16 triệu đồng; năm 2014 kiểm tra 24 đơn vị phát hiện và xử lý 5 đơn vị vi phạm, xử phạt hành chính 15,5 triệu đồng.                          
 
AN NHIÊN