Khuyến cáo người dân không tăng đàn, tái đàn lợn

06:07, 10/07/2019

Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lâm Đồng cho biết, hiện đơn vị đang khẩn trương khuyến cáo tới người dân tạm dừng tăng đàn, tái đàn lợn trong thời điểm xuất hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi tại địa phương.

Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lâm Đồng cho biết, hiện đơn vị đang khẩn trương khuyến cáo tới người dân tạm dừng tăng đàn, tái đàn lợn trong thời điểm xuất hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi tại địa phương.
 
Người dân huyện Đức Trọng cùng cơ quan chức năng đưa lợn bị nhiễm bệnh đi tiêu hủy tại xã Liên Hiệp
Người dân huyện Đức Trọng cùng cơ quan chức năng đưa lợn bị nhiễm bệnh đi tiêu hủy tại xã Liên Hiệp
 
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, tới ngày 5/7, toàn tỉnh có 5 huyện đã ghi nhận xuất hiện các ổ dịch, gồm: Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Cát Tiên và TP Bảo Lộc. Qua kiểm tra các mẫu dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi tại 83 hộ ở 16 thôn, thuộc 8 xã, thị trấn của 5 địa phương trên; số lợn mắc bệnh là 2.065 con, trong đó lực lượng chức năng đã tiêu hủy 2.062 con với trọng lượng gần 235 tấn. 
 
Huyện Đức Trọng có số lợn mắc bệnh cao nhất với gần 2.000 con của 69 hộ chăn nuôi thuộc các xã Liên Hiệp, Phú Hội và thị trấn Liên Nghĩa; huyện Di Linh có 114 con lợn mắc bệnh; huyện Cát Tiên có 41 con; huyện Lâm Hà 23 con và thành phố Bảo Lộc 36 con nhiễm bệnh. 
 
Với tình hình trên, tỉnh Lâm Đồng đã áp dụng biện pháp nghiêm ngặt phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên toàn địa bàn. Cụ thể, tuyên truyền khuyến cáo người dân về mức độ lây lan của dịch, biện pháp phòng chống dịch; thành lập chốt kiểm dịch với chế độ trực 24/24 giờ tại vùng có dịch... Sở NN&PTNT, các địa phương thống nhất phương án tuyên truyền, khuyến cáo người dân tạm thời không nên tăng đàn, tái đàn lợn trong thời điểm các ổ dịch đang có chiều hướng lây lan phức tạp.
 
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT đã phân bổ 36.550 lít hóa chất cho 12 huyện, thành phố, các máy phun động cơ phục vụ tiêu hủy lợn và tiêu độc khử trùng tại vùng dịch, vùng uy hiếp, vùng đệm và các chốt kiểm dịch; thành lập 21 chốt, trạm để kiểm soát dịch, hạn chế tình trạng dịch bệnh lây lan, phun thuốc tiêu độc khử trùng tới tất cả các trang trại, cơ sở chăn nuôi, nơi có nguy cơ lây nhiễm cao;…
 
C.THÀNH