Y sĩ hết lòng vì người bệnh nghèo

05:09, 10/09/2020

Đã 33 năm gắn bó với nghề y, làm công việc của một cán bộ y tế cộng đồng, bệnh nhân của y sĩ Nguyễn Việt Cường phần lớn là người nghèo...

Đã 33 năm gắn bó với nghề y, làm công việc của một cán bộ y tế cộng đồng, bệnh nhân của y sĩ Nguyễn Việt Cường phần lớn là người nghèo. Bằng sự tận tụy và tình yêu thương của một lương y anh đã giúp người bệnh mắc các căn bệnh xã hội, bị kỳ thị, xa lánh như: HIV/AIDS, phong (cùi, hủi), tâm thần... vượt qua bệnh tật. 
 
Năm 1977, y sĩ Nguyễn Việt Cường (SN 1968) cùng cha mẹ từ Ứng Hòa - Hà Tây vào xã Đạ Kho (Đạ Tẻh) lập nghiệp. Cuộc khai hoang vỡ đất giữa rừng thiêng nước độc khiến nhiều người làng đi cùng với gia đình anh bị sốt rét, sốt xuất huyết, nhiều người bị cướp đi tính mạng. Hết lớp 9, anh Cường được tuyển đi học Trường Trung cấp Y tế Lâm Đồng (nay là Trường Cao đẳng) đúng như anh mong ước: mau thành nghề để góp sức cứu chữa cho người bệnh. Tháng 10 năm 1987, học xong, anh trở về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh, làm cán bộ y tế cộng đồng đến tận nhà chăm sóc điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh phong, tâm thần, động kinh, HIV/AIDS...
 
Thầy th uốc tìm người bệnh
 
Y sĩ Nguyễn Việt Cường chữa bệnh cho nhiều người nghèo bằng tâm, đức của một lương y
Y sĩ Nguyễn Việt Cường chữa bệnh cho nhiều người nghèo bằng tâm, đức của một lương y
 
Nhiều năm phụ trách chương trình phong, gắn bó với những người bị cộng đồng gọi là cùi, là hủi xa lánh, thì y sĩ Nguyễn Việt Cường gần gũi, chăm sóc họ bằng cả sự tận tụy, yêu thương. Anh đến từng buôn làng trong huyện, từng gia đình có người bị phong, theo dõi bệnh, cấp thuốc miễn phí, hướng dẫn, điều trị theo chương trình ưu đãi của Nhà nước. Chữa bệnh cho những người nghèo nhất trong những người nghèo, bệnh nhất trong những người bệnh, anh càng thấu hiểu, cảm thông nỗi khổ của họ. Những năm tháng ấy, nhiều khi đi thăm bệnh một người nhưng gặp nhiều người mắc các căn bệnh, anh khám chữa luôn, đồng thời vận động bệnh nhân nặng đến cơ sở y tế để được cứu chữa, không cúng lễ, tế bái mê tín khi có bệnh. Coi người bệnh như người thân của mình, số người mắc phong cùi do anh phụ trách dần khỏi bệnh. Đến năm 2015, cả Đạ Tẻh không còn ai mắc, anh được vinh dự nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có công xuất sắc loại trừ bệnh phong trên địa bàn huyện. 
 
Hết bệnh phong, anh Cường tiếp tục phụ trách bệnh tâm thần. Cả Đạ Tẻh hiện có 144 bệnh nhân mắc các chứng tâm thần, động kinh được anh theo dõi, chăm sóc, cấp phát thuốc, hướng dẫn điều trị, kiểm tra, thăm khám, tư vấn tại nhà. Nhiều lần bệnh nhân bất hợp tác, không chịu uống thuốc, thì anh là người dỗ dành. Hiểu rõ tác dụng của việc điều trị bằng đông y với bệnh tâm thần; bên cạnh thuốc tây, anh chú trọng kết hợp việc trị liệu tâm lý, thư giãn luyện tập, giảm việc dùng thuốc cho người bệnh. Anh Cường cho biết: Khác với các bệnh về thể chất, bệnh tâm thần là loại bệnh thường khó phát hiện nguyên nhân gây bệnh trong rất nhiều trường hợp. Cùng với thuốc cấp phát giúp bệnh nhân gia tăng giấc ngủ, thư giãn tâm trí, chặn đứng các cơn loạn thần có thể xảy ra thì việc trị liệu tâm lý sẽ giúp hóa giải những chấn thương tinh thần, những ám ảnh sâu kín, những suy nghĩ sai lệch. Anh quan tâm động viên, gần gũi, chia sẻ để người bệnh cân bằng trở lại. Điều đó đòi hỏi phải kiên trì và chỉ có đủ yêu thương mới làm được. 
 
Người bệnh tìm thầy thuốc
 
Ngay những ngày mới học trung cấp y trở về, những bệnh nhân đầu tiên của y sĩ Cường là bà con trong làng, trong xã, đêm hôm trái gió trở trời tìm đến anh. Niềm tin của người bệnh thôi thúc anh không ngừng tìm tòi, học hỏi, tham gia các hội thảo, tập huấn chuyên sâu, nâng cao trình độ nghiệp vụ, trau dồi kiến thức y thuật. Đặc biệt, anh đi sâu tìm hiểu đông y, nhất là châm cứu, vật lý trị liệu. Từ ngày Bệnh viện Đạ Tẻh giải thể Khoa Châm cứu thì y sĩ Nguyễn Việt Cường là nơi bệnh nhân tìm đến mỗi khi đau lưng, nhức mỏi, đau vai gáy do thoái hóa khớp, bệnh đĩa đệm, đau đầu, đau do co thắt cơ, liệt thần kinh số 7 ngoại biên... Một ngày của y sĩ Cường bắt đầu bằng công việc của một cán bộ y tế cộng đồng là tìm đến nhà từng người bệnh, thì chiều về bệnh nhân lại tìm đến nhà anh để châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt. Đa số họ là người già, người lao động lam lũ, nông dân nghèo.
 
Riêng “tuyệt chiêu” chữa bệnh liệt dây thần kinh số 7, anh đã chữa khỏi cho rất nhiều người. Căn bệnh này không liên quan đến não bộ, nhưng nếu không được chữa trị kịp thời bằng phương pháp thích hợp thì lâu ngày người bệnh sẽ méo miệng vĩnh viễn, gây khó khăn cho việc nhai nuốt, ăn uống, phát âm. Điều đó không chỉ là thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống hàng ngày. Đây là bệnh thường gặp, không loại trừ giới tính, lứa tuổi; nhiều bệnh nhân đến các cơ sở y tế nhìn thì có vẻ đã chữa lành, nhưng khi nói, khi cười, miệng vẫn méo. “Chỉ có bác sĩ Cường là người chữa khỏi dứt điểm bệnh này, mà hầu hết người bệnh được chữa khỏi đến độ khi cười, khi nói miệng không còn méo” - Ông Nguyễn Thành D. (70 tuổi, Tổ 5C, thị trấn Đạ Tẻh) cho biết. Ông D. bị méo miệng liệt dây thần kinh số 7 chỉ sau một đêm thức dậy, giọng nói ngọng nghịu, ăn cơm, uống nước rớt ra ngoài, không thể thổi, nhổ, huýt sáo... khiến ông như bị sốc. Nhưng chỉ sau 30 ngày được y sĩ Cường tận tâm châm cứu kết hợp vật lý trị liệu nắn hàm, xoa bóp, ông đã khỏi hẳn. 
 
Nếu người bệnh có bảo hiểm y tế đến châm cứu, trị liệu tại các cơ sở y tế 10 lần phải đóng thêm 300 ngàn đồng phụ thu, thì anh Cường cũng chỉ thu 300 ngàn đồng của bệnh nhân sau 10 lần châm cứu (bằng số tiền phụ thu bệnh nhân có BHYT). Với 30 ngàn đồng/1 lần châm cứu, anh cho biết chỉ là thu để có thêm kinh phí mua thiết bị, vệ sinh giường - phòng phục vụ người bệnh. Đa số bệnh nhân là nông dân nghèo, nếu thu theo giá khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công do Bộ Y tế quy định là 130 - 140 ngàn đồng/ 1 lần châm cứu, tính ra 3 - 4 lần châm cứu đã bằng cả tạ thóc thì người bệnh sẽ chịu đựng đau nhức mà không chữa. Chỉ nghĩ việc mình giúp bà con nghèo, anh không bao giờ nghĩ đến việc so sánh với giá dịch vụ của một phòng mạch tư.
 
Tận tụy cứu chữa người bệnh bằng cả tâm, đức của một lương y, bệnh nhân tìm đến anh mỗi lúc mỗi đông, không chỉ người bệnh ở Đạ Tẻh mà ở các xã lân cận thuộc huyện Đạ Huoai biết tiếng cũng tìm đến. Ngôi nhà cũ được anh sơn sửa lại khang trang với 9 giường bệnh có nệm, gối sạch sẽ. 4g30 chiều, hết giờ “đi tìm bệnh nhân”, y sĩ Cường lại vội trở về vì bệnh nhân đang đến tìm mình. Vì thế, nhiều cuộc vui với đồng nghiệp anh cũng đành khước từ khi nghĩ tới người bệnh chờ đợi ở nhà. Anh Cường tâm sự: Ai học ngành y cũng được học tất cả những kiến thức cơ bản như nhau, quan trọng là có muốn vận dụng kiến thức đã được học để chữa bệnh cứu người hay không. Là y sĩ, nhưng nhiều bệnh nhân vẫn quen gọi anh là “bác sĩ Cường” với cả sự trân trọng.
 
QUỲNH UYỂN