Khi nông dân có thêm điểm tựa

06:11, 01/11/2022
Nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp hội viên nông dân trên địa bàn huyện Đam Rông triển khai hiệu quả Mô hình Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hình thức tổ, nhóm liên kết, để từ đó từng bước nâng cao thu nhập, góp phần cùng với địa phương phát triển kinh tế - xã hội.
 
Từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều hội viên nông dân ở huyện Đam Rông đã chuyển đổi qua trồng dâu nuôi tằm để tăng thu nhập
Từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều hội viên nông dân ở huyện Đam Rông đã chuyển đổi qua trồng dâu nuôi tằm để tăng thu nhập
 
•  TRAO “CẦN CÂU” CHO HỘI VIÊN
 
Những ngày này, gia đình ông K’Tăm (Thôn 2, xã Liêng Srônh) tập trung chăm sóc lứa tằm tiếp theo để đảm bảo thời gian thu hoạch kén, cung ứng cho cơ sở thu mua. Ông K’Tăm cho hay, trước đây, kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào vườn cà phê. Do vậy, khi giá cà phê xuống thấp, cuộc sống gia đình trở nên khó khăn. Để cải thiện nguồn thu nhập, cách đây 4 năm, gia đình ông chuyển đổi 3 sào cà phê già cỗi, kém hiệu quả qua trồng dâu, nuôi tằm. 
 
Đầu năm 2022, khi biết nguồn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, gia đình ông quyết định vay 30 triệu để tiếp tục trồng dâu, nuôi tằm. “So với cà phê thì trồng dâu, nuôi tằm đã giúp bà con chúng tôi có của ăn, của để. Với 3 sào dâu, đều đặn hằng tháng, tôi nuôi 1 hộp tằm với mức thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/tháng", ông K’Tăm cho hay.
 
Năm 2022, xã Liêng Srônh được phân bổ 300 triệu đồng cho 10 hội viên vay để phát triển trồng dâu, nuôi tằm từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Chị Kơ Să K’Rim - Chủ tịch Hội Nông dân xã Liêng Srônh cho biết: “Người dân đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cà phê già cỗi sang trồng dâu. Đến nay, 10 hội viên đã thành lập nhóm liên kết và phát triển được 4,1 ha dâu tằm với mức thu nhập ổn định”.
 
Tương tự, tại xã Phi Liêng, năm 2022, địa phương tiếp nhận nguồn vốn vay 300 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân cho 6 hộ vay để cải tạo, chăm sóc 15 ha cà phê. Theo ông Hoàng Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phi Liêng, ngoài tạo điều kiện cho bà con vay vốn với lãi suất thấp để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, Hội còn định hướng phát triển sản xuất cho các hộ vay vốn dựa trên thế mạnh của từng chi hội; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi và vận động hội viên tham gia. Cán bộ Hội Nông dân xã cùng với chi hội trưởng chi hội nông dân các thôn tham gia giám sát các khâu cho vay bảo đảm đúng quy trình; đồng thời, thăm và đánh giá mô hình kinh tế của các hộ vay vốn, tránh tình trạng đầu tư kém hiệu quả hoặc nợ quá hạn. Phần lớn Quỹ Hỗ trợ nông dân cho người dân vay để chuyển đổi cơ cấu cây trồng như làm rau công nghệ cao, trồng dâu, nuôi tằm, chăn nuôi.
 
•  PHÁT HUY HIỆU QUẢ NGUỒN VỐN VAY
 
Ông Nguyễn Thiện Chí - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đam Rông cho biết: “Để phát huy hiệu quả Quỹ Hỗ trợ nông dân, hằng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện chỉ đạo Hội Nông dân các cấp trên địa bàn định hướng, lựa chọn mô hình phù hợp để hướng dẫn hội viên xây dựng dự án vay vốn. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, giám sát thực hiện trình tự các khâu cho vay đảm bảo đúng quy trình. Sau khi giải ngân, chúng tôi tiến hành kiểm tra việc sử dụng vốn của các hội viên, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích”.
 
Để tạo điều kiện cho hội viên nông dân phát triển kinh tế, Hội Nông dân huyện Đam Rông phân bổ hợp lý các nguồn vốn căn cứ trên nhu cầu thực tế sản xuất của từng xã. Vì vậy, hầu như các xã đều có các dự án từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. 
 
Năm 2022, tổng nguồn quỹ do huyện quản lý trên 3,5 tỷ đồng; trong đó, quỹ do Trung ương Hội ủy thác 500 triệu đồng triển khai 1 dự án với 10 hộ vay; Hội Nông dân tỉnh ủy thác hơn 1,5 tỷ đồng triển khai 5 dự án với 36 hộ vay; quỹ cấp huyện huy động hơn 1,4 tỷ đồng triển khai 8 dự án với 32 hộ vay.
 
Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân huyện Đam Rông đã thực hiện tốt công tác nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số dư nợ qua Hội Nông dân huyện là hơn 112,1 tỷ đồng với 2.131 hộ vay. Hội Nông dân huyện cũng đã ký kết chương trình phối hợp với Ngân hàng Agribank huyện triển khai cho vay qua Hội, tạo điều kiện giúp đỡ cho hội viên, nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay thuận tiện hơn. Đến nay, tổng nguồn vốn do Hội quản lý trên 99,3 tỷ.
 
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn trong thời gian tới, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đam Rông Nguyễn Thiện Chí nhấn mạnh: “Hội Nông dân huyện tiếp tục tổ chức các đợt tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hội viên nông dân, định hướng thành lập các tổ hợp tác để liên kết phát triển sản xuất. Qua nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân nhằm nhân rộng các mô hình và tiếp cận với các thành tựu khoa học - kỹ thuật để từng bước nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất hàng hóa. Từ hiệu quả thiết thực, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã và đang trở thành “điểm tựa” giúp nhiều hội viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện có thêm điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần đẩy mạnh Phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu trên quê hương Đam Rông”.
 
THÂN THU HIỀN