Thức cùng đêm Châu Mạ Damb’ri

04:11, 09/11/2011

Damb’ri là một tuyệt tác của thiên nhiên nằm ẩn mình trong khu rừng già nguyên sinh…

Đến Bảo Lộc, thành phố trẻ trầm mặc, du khách sẽ không quên một tuyệt tác của thiên nhiên nằm ẩn mình trong khu rừng già nguyên sinh. Đó là thác Damb’ri nổi tiếng với hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm và quần thể thác nước ầm vang, réo gọi giữa cô tịch từ hàng ngàn năm nay… Nằm cách trung tâm thành phố chừng 18 km về phía Tây bắc, được bao bọc bởi những đồi trà, nương dâu xanh ngát, thác Damb’ri và làng Châu Mạ còn lưu giữ một truyền thuyết cảm động và bản sắc dân tộc độc đáo…
 
Biểu diễn nhạc cồng chiêng
Biểu diễn nhạc cồng chiêng

Damb’ri là chuyện tình của người Châu Mạ. Ngoài ý nghĩa tình yêu cao cả, còn có một ý nghĩa khác là sự đoàn kết, gắn bó giữa các bộ tộc, cùng nhau gìn giữ mảnh đất Cao nguyên tươi đẹp như ngày hôm nay. Nàng Hơb’ri là một bông hoa rừng, sinh ra trong một gia đình giàu có, người cha là tộc trưởng có quyền thế nhất vùng. Ngược lại, K’Dam là một chàng trai mồ côi của buôn làng bên kia dòng suối. Nhà K’Dam nghèo, hàng ngày chàng phải lên rừng săn bắt, chiều về lại đem chia cho dân làng nên được nhiều người thương mến. Một hôm, cả hai cùng ra suối múc nước, và họ đã “ưng cái bụng” từ cái nhìn đầu tiên. Cảm được lòng tốt của K’Dam nên Hơb’ri đã đem lòng yêu chàng. Họ thường hẹn nhau múc nước bên bờ suối vắng. Tin đồn đến tai tộc trưởng. Ông nổi giận vì biết K’Dam nghèo hèn không thể sánh được với con gái ông. Vì lòng tự trọng bị tổn thương, K’Dam đành chia tay nàng Hơb’ri mà đi vô rừng sâu và hứa sẽ không bao giờ trở lại như mong muốn của già làng.

Tuyệt vọng vì tình yêu, nàng Hơb’ri thường ra nơi dòng suối than khóc và chờ đợi mỏi mòn. Có lẽ trời cảm động vì mối tình chung thủy, nên tiếng gào u uất của nàng Hơb’ri đã khiến đất nứt ra giữa đêm khuya, và sụp đổ thành dòng thác trong xanh. Dòng nước cuồn cuộn đó, đã đổ xuống thành tiếng gào thét rung chuyển cả đại ngàn, thay cho tiếng khóc rưng rức của Hơb’ri. Biết con đã chết vì tình yêu, già làng tỉnh ngộ và tiếc thương con gái vô cùng. Ông đã cùng bộ tộc của K’Dam làm lễ đâm trâu cúng Yàng, và cầu khấn cho linh hồn của họ mãi mãi bên nhau. Bắt nguồn từ đó, dân làng đã gọi thác này là Damb’ri, là tên của đôi tình nhân mãi mãi không chia ly, không xa rời nhau nữa…

Khu du lịch Damb’ri còn có một dòng thác khác, nhỏ hơn nhưng không kém phần hùng vĩ. Đó là thác Dasara, hiền hòa, thơ mộng. Nếu Damb’ri gào thét bao nhiêu thì Dasara im ắng bấy nhiêu. Thác như nàng con gái trăng tròn 16, trinh nguyên, e ấp của làng Châu Mạ trong nắng sớm ban mai. Đến với Dasara có xe trượt ống dài nhất Đông Nam Á, với độ xuất phát 12m, cao nhất thế giới. Đường ống dài 1.650m, là cảm giác mạnh khiến ta sững sờ giữa cảnh trí bao la bờ vực thẳng đứng, và uốn lượn thăm thẳm. Nếu leo bằng đường bộ, ta không thể chiêm ngắm hết vẻ đẹp bí hiểm của ngọn thác dễ thương này.

Trở lại với Damb’ri huyền thoại, có hai con đường chinh phục chân thác. Đường bộ dẫn xuống thác quanh co, phải đi qua 365 bậc đá thử thách bước chân. Ta có thể nhìn được những tán rừng nguyên sinh che phủ, và trước mắt là toàn bộ quang cảnh thác Damb’ri tung bọt trắng xóa như chiếc chảo nấu Tề Thiên trong Tây Du Ký. Khi gặp ánh nắng phản xạ và khúc xạ, du khách có thể chụp được dải cầu vồng bắc qua lòng thác tuyệt đẹp. Con đường thứ hai là thang máy. Sẽ có người không thích thang máy, nhưng thang máy ở đây lại có cảm giác riêng của nó. Điều thú vị là du khách được trực tiếp đứng sát bên luồng chảy khổng lồ đến ghê rợn. Với độ dốc thẳng đứng, đổ xuống hàng ngàn khối nước trong cùng một lúc. Với chiều cao 50m, rộng khoảng 35m, dòng thác như cổ máy của người khổng lồ không hề ngưng nghỉ, sẽ nghiền nát một tảng đá nặng thành tro bụi chỉ trong nháy mắt; đã làm cho du khách rùng mình với cảm giác được tiếp cận, được đắm chìm trong làn bụi nước mênh mông. Trải nghiệm đó sẽ cho ta vượt qua chính mình. Và niềm sung sướng sẽ nhân lên, khi bạn chụp được bức ảnh phong trần dưới chân nàng Hơb’ri chung thủy…

Đem cảm giác hưng phấn này, du khách bước lên toa xe lửa (thật ra là mô phỏng) đi khám phá làng Châu Mạ. Nằm giữa khu rừng nguyên sinh yên ả, làng Châu Mạ được phục dựng với quần thể khoảng 20 nóc nhà. Đón tiếp du khách là một nghi thức đậm đặc chất rừng. Một già làng còn trẻ, cỡi voi đi giữa hai hàng chiêng trống và giáo mác. Trang phục đàn ông đóng khố, đàn bà mặc váy truyền thống. Một ngọn đuốc được thắp lên và già làng mời mọi người tham dự nghi thức Lễ cầu Yàng. Du khách sẽ được một sơn nữ cầm bầu nước chấm lên trán để làm phép, chứng tỏ người này đã được chấp nhận trong nghi lễ cầu Yàng. Bầu nước này đã được già làng cất công đi lấy từ đầu nguồn con thác, và cầu nguyện với Yàng suối, Yàng sông cho ông chúc lành cho khách quý khi đến thăm buôn làng. Mọi người đứng tụ tập dưới nhà dài 20m, có 5 cửa bậc thang. Năm nghệ nhân đánh chiêng đứng trước 5 ô cửa. Khi tù-và rúc lên, già làng khấn tiếng Mạ rầm rì, và xin nước từ một trang thờ thu nhỏ hình nhà sàn đặt giữa sân, có hai sơn nữ cầm giáo đứng hai bên. Già làng vừa cầu nguyện vừa rảy nước lên bốn hướng, rồi giơ hai tay lên trời cầu khẩn một hồi lâu. Bỗng ông cất tiếng gọi “Ơ…Yàng…!” Tất cả khách tham dự đáp lại “Ơ…Yàng…” Tiếng gọi trầm hùng rung vọng cả không gian tĩnh mịch, du khách sẽ có cảm giác hồi hộp, sống lại một thời sơ khai nào đó trong tiếng chiêng trống và những điệu múa hoang dã, bập bùng…

Chiều lên, du khách sẽ được đưa đến khu cắm trại cao cấp. Đó là một ngọn đồi rộng 10ha, được bài trí có trên 50 chiếc lều trại thật đơn sơ bằng tre nứa… Đêm. Ánh lửa leo lắt nhà sàn, hoặc bập bùng lửa trại. Cả nhà và bạn hữu có dịp quây quần bên ché rượu cần, uống cạn một đêm hoang sơ với cảm giác được cô đơn, được tự do nằm nghe đất thở. Tiếng thú hoang gọi bầy lúc gần lúc xa, lẫn vào tiếng thác gầm réo bất tận, ta chợt nghe từng khoảng trống vắng lạ lùng…
NGUYỄN THÁNH NGÃ