Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp

05:10, 20/10/2022
Thời gian qua, hoạt động bổ trợ tư pháp (BTTP) trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Tư pháp Lâm Đồng đã triển khai kịp thời để tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
 
Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng thường xuyên tổ chức hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp lý về giám định tư pháp nhằm nâng cao nghiệp vụ cho người làm công tác giám định tư pháp
Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng thường xuyên tổ chức hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp lý về giám định tư pháp nhằm nâng cao nghiệp vụ cho người làm công tác giám định tư pháp
 
Theo ông Vũ Văn Thúc - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng, công tác BTTP có vai trò quan trọng trong thực hiện chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, Nhà nước. Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương xã hội hóa, hoạt động BTTP trên địa bàn tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng cả về hình thức và hiệu quả hoạt động, góp phần vào việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân; đồng thời, giúp chính quyền địa phương và các cơ quan tố tụng giải quyết kịp thời, chính xác, khách quan các vụ việc. 
 
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BTTP trong lĩnh vực công chứng, lĩnh vực giám định tư pháp được Sở Tư pháp quan tâm triển khai thực hiện. Sở đã phối hợp với cơ quan thuế tuyên truyền chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, phối hợp với cơ quan đăng ký đất đai hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất. Cùng với đó, Sở Tư pháp thường xuyên, kịp thời ban hành các văn bản triển khai các luật, văn bản hướng dẫn thi hành và văn bản chỉ đạo của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền để triển khai thực hiện trong lĩnh vực BTTP. Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động BTTP. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã phát triển 34 tổ chức hành nghề công chứng, với số lượng 74 công chứng viên đăng ký hành nghề. Ngoài ra còn có 4 tổ chức đấu giá tài sản, 53 tổ chức hành nghề luật sư, 2 tổ chức giám định tư pháp cùng 2 văn phòng thừa phát lại ở thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc. Sở Tư pháp hiện đang tham mưu UBND tỉnh tiếp nhận hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng thừa phát lại tại 3 đơn vị hành chính cấp huyện, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh phát triển 10 văn phòng thừa phát lại.
 
Sở Tư pháp luôn xác định công tác kiểm tra trong các lĩnh vực BTTP là nhiệm vụ trọng tâm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Trong năm 2022, Sở đã ban hành kế hoạch và tiến hành kiểm tra về tổ chức, hoạt động tại 5 tổ chức hành nghề công chứng, 6 tổ chức hành nghề luật sư, 1 doanh nghiệp đấu giá tài sản, 1 tổ chức giám định tư pháp. Qua công tác kiểm tra đã rà soát, đánh giá được thực trạng và hiệu quả tổ chức, hoạt động, nắm bắt được những bất cập, khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ cũng như chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế và kiến nghị các biện pháp khắc phục, xử lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động của các tổ chức BTTP trên địa bàn tỉnh. 
 
Đối với việc giải quyết các thủ tục hành chính theo đề nghị của các tổ chức BTTP, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh công bố danh mục thủ tục hành chính trong lĩnh vực BTTP thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh và Sở Tư pháp, làm cơ sở giải quyết các hồ sơ theo đề nghị của các cá nhân, tổ chức có liên quan trên địa bàn tỉnh.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực BTTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: số lượng các tổ chức BTTP nhiều nhưng kinh phí còn hạn chế đã ảnh hưởng đến triển khai các nhiệm vụ liên quan; một số công chức làm công tác kiểm tra trong lĩnh vực BTTP chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng, nghiệp vụ… Cùng với đó, trong quá trình triển khai hoạt động BTTP vẫn còn những hạn chế như: công tác phối hợp giữa các tổ chức đấu giá tài sản và UBND cấp xã nơi có tài sản đấu giá chưa chặt chẽ; hoạt động tống đạt giấy tờ, văn bản còn khó khăn, trong một số trường hợp chưa nhận được sự phối hợp của UBND cấp xã trong quá trình thực hiện việc tống đạt; nhận thức của người dân và một số cơ quan, tổ chức còn chưa đầy đủ, chưa hiểu đúng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thừa phát lại; nguồn công chứng viên trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo, một số văn phòng công chứng thường xuyên thiếu thành viên hợp danh…
 
Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động BTTP nhằm thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng Vũ Văn Thúc cho rằng, thời gian tới cần có các chủ trương, giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực đấu giá, luật sư, công chứng, thừa phát lại, giám định tư pháp… Trong đó, cần nghiên cứu đưa các lĩnh vực BTTP vào kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của địa phương hàng năm; tiếp tục ban hành và triển khai có hiệu quả các kế hoạch kiểm tra các tổ chức BTTP theo thẩm quyền, tập trung các lĩnh vực nổi cộm như công chứng, đấu giá, thừa phát lại; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Phần mềm quản lý công chứng, đấu giá tài sản của Bộ Tư pháp, tiếp tục xây dựng Phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng - chứng thực tỉnh Lâm Đồng, nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về vi bằng…
 
VIỆT HÙNG