Ngôi làng bị "lãng quên"

09:06, 08/06/2016

Một ngôi làng với 19 căn nhà xây theo Chương trình 167 nằm giữa xã Ninh Gia - xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới nhưng gần nửa số ấy đang bị bỏ hoang do không có điện thắp sáng, thiếu nước sạch, đường giao thông liên thôn đi lại khó khăn.

“Gia đình tôi đã sống ở đây hơn 20 năm nhưng không có điện thắp sáng. Nhiều lần tiếp xúc cử tri chúng tôi đã phản ánh nhưng cán bộ cứ hứa hẹn còn người dân nơi đây vẫn chưa có điện. Không chỉ vậy, đường đi ở đây cũng vô cùng khó khăn và nước sạch cũng chưa có để dùng” - đó là những lời tâm sự của ông Nguyễn Ngọc Thành, sinh năm 1954, tổ 7, thôn Tân Phú, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng. 
 
Dãy nhà xây khá kiên cố đang vắng người ở do thiếu điện, nước
Dãy nhà xây khá kiên cố đang vắng người ở do thiếu điện, nước

Những ngôi nhà bỏ hoang
 
Đường từ xã Ninh Gia vào thôn Tân Phú chỉ khoảng 12 km nhưng đất đá gồ ghề, bụi mù mịt do những chiếc xe quá tải, quá khổ thường xuyên lưu thông vào khai thác đá. Nhìn từ xa, khu tái định cư Tân Phú xuất hiện với những dãy nhà được xây kiên cố, nối liền nhau nằm giữa thung lũng trông như một ngôi làng nhỏ sầm uất giữa đại ngàn. Thế nhưng, trái ngược với cái vẻ “hào nhoáng” của những khối bê-tông ấy là cuộc sống với điều kiện sống thiếu thốn của hàng trăm hộ dân trong làng. Men theo trục đường chính vào thôn, chúng tôi bắt gặp rất nhiều căn nhà kiên cố, khang trang nhưng bị bỏ hoang, xuống cấp, rêu mốc, cỏ mọc um tùm. 
 
Thôn Tân Phú là thôn vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của xã Ninh Gia được công nhận là xã nông thôn mới vào năm 2015. Được biết, năm 2016, chương trình 167 đã hỗ trợ xây 19 căn nhà cho người nghèo trong thôn. Mỗi căn nhà trên được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, cho vay 8 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, người dân có thể bù thêm tiền để xây nhà to nhỏ tùy vào khả năng. Nhưng hiện tại có 5 căn nhà bỏ hoang không có người ở và rơi vào tình trạng xuống cấp. Khi vừa hoàn thành, nhiều hộ dân tiếp nhận nhà hỗ trợ chỉ ở một thời gian ngắn rồi bỏ đi nơi khác. 
 
Ngồi trước hiên nhà, ông Nguyễn Văn Dư, ở tổ 4, thôn Tân Phú là một trong những gia đình được hỗ trợ nhà ở bức xúc: “Rất ít gia đình còn “cầm cự” ở lại đây vì không có điện, nước sạch. Gia đình tôi không biết đi đâu vì quá nghèo do không có đất sản xuất. Đường đi lại ở đây khó khăn cho nên bà con đã bỏ đi vào rừng hết cả rồi”. 
 
Bên cạnh đó, trường cấp 2 của xã ở quá xa, đường dẫn vào thôn lại khó đi, đặc biệt là trong mùa mưa đường đất sình lầy, khu dân cư bị cô lập nên phần lớn con em trong thôn chỉ học hết cấp 1 rồi bỏ học, bà con không ở được nên bỏ lên rẫy dựng nhà tạm, hoặc di dời đi nơi khác. Chủ trương xây nhà 167 là góp phần ổn định cuộc sống, từng bước nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, người dân nơi đây  đang đối mặt với nguy hiểm luôn rình rập khi chất lượng nhà ở xuống cấp, có thể sập xuống bất cứ lúc nào.  
 
Vẫn là lời hứa 
 
Thôn Tân Phú hiện có 216 hộ. Vừa qua, hơn 130 hộ dân thôn Tân Phú đã gửi đơn đến các cơ quan báo chí do là thôn thuộc xã nông thôn mới nhưng chưa có điện thắp sáng. Một số hộ đã phải tự bỏ tiền ra mua dây điện để kéo “nhờ” điện về dùng. Với 2 km đường điện, dân phải tự bỏ ra số tiền 30 triệu đồng để mua đường dây. Tuy nhiên, điện thắp sáng do người dân tự “kéo” rất yếu, không đảm bảo an toàn và chỉ dùng được cho một bóng điện.  
 
Ông Trần Đình Hướng - Chủ tịch Hội Người cao tuổi của thôn Tân Phú cho biết: “Hơn một nửa số dân trong thôn đã sống ở đây trên 20 năm nhưng đến nay chúng tôi vẫn phải sống trong cảnh “tối tăm”. Sống không có điện mọi thông tin cũng “mù tịt”. Có gia đình đã sắm tivi, máy nghe nhạc nhưng không thể dùng nên đành phải bán đi”. 
 
Bà Huỳnh Thị Định, thôn Tân Phú, xã Ninh Gia bức xúc: “Tôi vẫn còn nhớ như in những lời hứa của Công ty Lang Hanh, Thủy điện Đạ Dâng 3 và chính quyền địa phương khi vận động người dân hiến đất làm đường. Gia đình tôi đã hiến 2.000 m2 đất trồng cà phê để làm đường và địa phương hứa sẽ hoán đổi đất sản xuất ở vị trí khác”. Ngoài gia đình bà Định còn nhiều hộ gia đình khác cũng hăng hái hiến đất nhưng dự án làm đường hơn 11 năm qua mãi còn nằm “trên giấy” trong khi hệ thống điện thì nơi có, nơi không. 
 
Khi chúng tôi trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng - Lê Công Tuấn đã tỏ vẻ ngạc nhiên. Ông Tuấn nói: Vùng Tân Phú là địa bàn rộng, dân cư phân bố thưa thớt. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiến hành rà soát lại vấn đề thiếu điện trên địa bàn và cùng với ngành điện đưa điện về cho bà con.
 
Ông Lê Công Tuấn cũng cho rằng: Về việc hoán đổi đất là chủ trương của địa phương nhưng đến nay tuyến đường xã hội hóa vẫn chưa triển khai được, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị liên quan để làm đường trong thời gian tới. Còn về tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân, chúng tôi đã có chủ trương làm một cái giếng khoan tại thôn Tân Phú.  
 
Trời xẩm tối, chúng tôi trở về trên còn đường gồ ghề mà lòng nặng trĩu khi mang theo những tâm tư của hàng trăm người dân gửi gắm chúng tôi phản ánh đến chính quyền địa phương để sớm nhận được sự quan tâm, đầu tư của chính quyền các cấp.
 
Đặng Tuấn