Cách làm sáng tạo để phát hành báo Đảng hiệu quả

08:06, 21/06/2016

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TW ngày 28/12/1996 của Bộ Chính trị về "Đặt mua và đọc báo Đảng", việc phát hành báo Đảng nói chung, Báo Lâm Đồng nói riêng trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TW ngày 28/12/1996 của Bộ Chính trị về “Đặt mua và đọc báo Đảng”, việc phát hành báo Đảng nói chung, Báo Lâm Đồng nói riêng trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nảy sinh tình trạng: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức cơ quan hành chính, sự nghiệp dùng kinh phí mua báo Đảng để mua các báo khác, hoặc sử dụng không đúng mục đích. Trước thực tế đó, ngày 27/5/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Chỉ thị số 32/CT-TU về việc “Đặt mua báo, tạp chí của Đảng”. Thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy, các Thành ủy, Huyện ủy trong tỉnh đều ban hành chỉ thị yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở, các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, các trường học phải tổ chức tốt việc đặt mua và đọc báo, tạp chí của Đảng. Do vậy, số lượng Báo Nhân dân, Báo Lâm Đồng phát hành trên địa bàn tăng lên gần gấp đôi so với trước đây.
 
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, việc báo Đảng phát hành chậm, không đến được các chi bộ thôn, tổ dân phố và các đảng viên 40 tuổi Đảng trở lên thuộc diện được cấp báo Đảng trong ngày, nên thông tin không được cập nhật kịp thời. Có tình trạng này, trước hết là do cán bộ bưu tá của ngành bưu điện thiếu trách nhiệm, chỉ phát hành báo Đảng đến các tổ chức cơ sở (TCCS) đảng, sau đó các TCCS đảng chờ đến khi có cuộc họp, các bí thư, phó bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố lên họp mới đưa báo. Thứ nữa, do địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, trong lúc lực lượng bưu tá mỏng, thu nhập từ lương thấp, nên chưa có động lực thực hiện công vụ một cách nhiệt tình, trách nhiệm.
 
Khắc phục khó khăn đó, tại Đảng bộ xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà đã có cách làm sáng tạo để phát hành báo Đảng cho các chi bộ trong ngày, bằng cách: Hỗ trợ thêm kinh phí cho bưu tá trong việc phát hành báo Đảng kịp thời, đến tận tay các chi bộ thôn và các đảng viên hưu trí thuộc diện được cấp báo Đảng trong ngày. Nhờ vậy, tại xã Đạ Đờn, không có tình trạng báo Đảng tồn đọng tại các TCCS đảng nhiều ngày sau mới đến được các chi bộ, các đảng viên 40 tuổi đảng như ở nhiều địa phương khác. 
 
Cách làm sáng tạo này, được xem là bài học kinh nghiệm cho nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương khác trong việc thực hiện Chỉ thị 32/CT-TU của Tỉnh ủy nhằm đưa thông tin của báo Đảng về địa phương cơ sở một cách kịp thời trong ngày. Vấn đề quan trọng còn lại là việc tổ chức đọc, làm theo báo Đảng như thế nào để phát huy được hiệu quả trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở địa phương. Bởi thực tế cho thấy, do báo mạng phát triển mạnh, nên ở nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương, việc đọc báo, tạp chí của Đảng gặp nhiều hạn chế, thậm chí nhiều nơi nhận phát hành xong bỏ đó, bụi phủ đầy, không tổ chức đọc báo, gây lãng phí, và báo Đảng không đi vào cuộc sống. Đây là điều trăn trở, mà các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, các trường học cần nghiên cứu để có cách tháo gỡ trong thời gian tới.      
 
Hoàng Đại Huynh