26 năm bị lấy đất cấp cho người khác

09:07, 06/07/2016

26 năm đeo đẳng khiếu nại vì bị chính quyền địa phương lấy đất mua hợp pháp cấp cho 3 hộ dân khác, ngày 2/10/2013, đơn khởi kiện của ông Lê Tín Dũng ở 196/10 Vườn Lài, P. Tân Thành, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh được TAND huyện Đạ Huoai thụ lý giải quyết. Và sau nhiều lần hoãn phiên tòa, ngày 24/10/2014, TAND huyện Đạ Huoai có Quyết định số 01/2014/QĐST-TVA tách vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất" ra thành 3 vụ án khác nhau để xét xử. 

26 năm đeo đẳng khiếu nại vì bị chính quyền địa phương lấy đất mua hợp pháp cấp cho 3 hộ dân khác, ngày 2/10/2013, đơn khởi kiện của ông Lê Tín Dũng ở 196/10 Vườn Lài, P. Tân Thành, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh được TAND huyện Đạ Huoai thụ lý giải quyết. Và sau nhiều lần hoãn phiên tòa, ngày 24/10/2014, TAND huyện Đạ Huoai có Quyết định số 01/2014/QĐST-TVA tách vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” ra thành 3 vụ án khác nhau để xét xử. 
 
Bị tịch thu đất để cấp cho người khác
 
Ngày16/2/1988, ông Lê Tín Dũng (sinh năm 1957) mua một lô đất tại thôn 1, xã Mađaguôi của ông Trần Hòa Thạnh có tổng diện tích khoảng 4.000 m 2, với các tứ cận liền kề: Đông giáp đường vào huyện Đạ Tẻh, Tây giáp suối, Nam giáp vườn ông Lâm, Bắc giáp sân trường. Trên lô đất đó có một ngôi nhà tranh, vách đất, có vườn mía và một số hoa màu khác. Việc sang nhượng nhà đất giữa hai ông Lê Tín Dũng và Trần Hòa Thạnh được UBND xã Mađaguôi, xác nhận đóng dấu và đã đóng thuế trước bạ.
 
Do bận việc làm ăn tại thành phố Hồ Chí Minh nên sau khi sang nhượng nhà đất, ông Lê Tín Dũng đã nhờ bà Hồ Thị Luận ở phía đối diện bên kia đường trông coi, bảo quản. Tuy nhiên, đến cuối năm 1989, bà Nguyễn Thị Phượng (sinh năm 1965), là giáo viên cấp 1 xã Mađaguôi đã ngang nhiên vào chiếm đất làm nhà ở, bà Hồ Thị Luận đã thông báo cho ông Dũng và ông Dũng đã từ thành phố Hồ Chí Minh lên gặp bà Phượng yêu cầu trả lại đất.Với lý do đã được UBND xã cấp đất, bà Phượng không đồng ý trả. Tranh chấp xảy ra.
 
Tiếp đến, đầu năm 1990, khi thấy ông Trịnh Minh Hồng, lúc đó là Chủ tịch UBND xã Mađaguôi, đo đất để cấp cho các ông Ngô Diên Thịnh (do bị thu hồi đất xây dựng trường học, nên được hoán đổi) và ông Nguyễn Văn Bình, cán bộ kinh tế mới huyện Đạ Huoai, (sau đó đã bán lại cho ông Dương Xuân Vụ), bà Hồ Thị Luận có chạy sang phản ánh rằng “Đất của ông Lê Tín Dũng mua của ông Trần Hòa Thạnh đã được xã xác nhận, đóng thuế trước bạ, ông Dũng gửi nhờ tôi trông coi, sao chủ tịch xã lại đi lấy cấp cho người khác? Ông Trịnh Minh Hồng tuyên bố: “Đất đã bị tịch thu cấp cho người khác”.
 
Nhận được tin báo, ông Lê Tín Dũng lại lặn lội từ thành phố Hồ Chí Minh lên Mađaguôi khiếu nại nhiều lần, nhưng không được chính quyền địa phương từ xã đến huyện giải quyết. Không những thế, đến những năm 1995, 1996 cả 3 hộ nói trên đều được UBND huyện Đạ Huoai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất. Từ đó, việc tranh chấp, khiếu kiện của ông Lê Tín Dũng với 3 hộ được cấp giấy CNQSD đất diễn ra ngày càng gay gắt. 3 lần UBND xã Mađaguôi tổ chức hòa giải, nhưng đều không thành. Đến năm 2000, vụ việc được đưa ra TAND huyện Đạ Huoai, nhưng TAND huyện Đạ Huoai lại cho rằng trách nhiệm giải quyết thuộc về chính quyền địa phương, nên trả hồ sơ cho ông Lê Tín Dũng với hướng dẫn: Liên hệ với chính quyền địa phương để được giải quyết.
 
Lại tranh chấp, khiếu nại đến chính quyền xã, huyện, vẫn không được giải quyết, ông Dũng lại được hướng dẫn thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành Tòa án, bởi đất đã được cấp giấy CNQSD. Mãi đến ngày 2/10/2013, TAND huyện Đạ Huoai mới chính thức thụ lý vụ án và đến ngày 24/10/2014, TAND huyện Đạ Huoai ban hành Quyết định số 1/2014/QĐST-TVA tách vụ án ra thành 3 vụ khác nhau để xét xử.
 
Cần bảo vệ quyền lợi hợp pháp
 
Ngày 24/6/2016, TAND huyện Đạ Huoai mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng (QSD) đất” giữa nguyên đơn Lê Tín Dũng với bị đơn Nguyễn Thị Phượng do thẩm phán Nguyễn Thị Hà Giang làm chủ tọa. Phiên tòa có mặt nguyên đơn, người làm chứng là bà Hồ Thị Luận, luật sư, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn, nhưng bị đơn và những người có quyền lợi, trách nhiệm liên quan đều vắng mặt, chỉ có người được ủy quyền của Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai là ông Phan Thanh Binh - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đạ Huoai. 
 
Tại phiên tòa, qua xét hỏi và tranh tụng giữa nguyên đơn, luật sư, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn với người được Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai ủy quyền cho thấy: Việc mua bán đất giữa ông Lê Tín Dũng với ông Trần Hòa Thạnh là có thật và hoàn toàn hợp pháp, bởi ông Dũng đã nhờ bà Hồ Thị Luận trông coi giúp và sau khi xảy ra việc chiếm đất, ông Lê Tín Dũng liên tục khiếu nại đến các cấp, các ngành. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan, đúng luật, sau khi nghị án và tiếp tục xét hỏi, tranh tụng trở lại tại tòa, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm - thẩm phán Nguyễn Thị Hà Giang đã tuyên hoãn phiên tòa để triệu tập thêm người có trách nhiệm liên quan là cán bộ địa chính xã Mađaguôi và huyện Đạ Huoai vào thời điểm xảy ra tranh chấp.
 
Có mặt tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Thành Vĩnh - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, dù TAND huyện Đạ Huoai tách vụ án ra làm 3 vụ riêng lẻ để xét xử, nhưng xét về bản chất thì đây là vụ án 3 trong 1, bởi đều là hành vi chiếm đất, cấp đất trái pháp luật. Bởi lẽ, theo Luật đất đai sửa đổi năm 2013, thì việc mua đất của ông Lê Tín Dũng là hoàn toàn hợp pháp, vì đã có sự xác nhận của chính quyền địa phương, đã nộp thuế trước bạ (mặc dù vào thời điểm đó mọi trường hợp mua bán đất đai đều ghi là sang nhượng hoa màu). Việc cấp đất của chính quyền địa phương cho 3 hộ dân nói trên là không hợp lệ, hợp pháp, bởi trước khi cấp đất không có quyết định thu hồi đất của ông Lê Tín Dũng, với lại UBND xã Mađaguôi không có thẩm quyền cấp đất. Sau đó, UBND huyện lại tiến hành cấp giấy CNQSD đất cho 3 hộ Nguyễn Thị Phượng, Ngô Diên Thịnh, Dương Xuân Vụ lại càng vi phạm Luật Đất đai. Do vậy, việc ông Lê Tín Dũng khởi kiện ra tòa án, được TAND huyện Đạ Huoai thụ lý, đưa ra xét xử “Tranh chấp QSD đất” là đúng đắn. Vấn đề còn lại là cần có sự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn theo đúng quy định của pháp luật.
 
HOÀNG ĐẠI HUYNH