Bao giờ mới hết đèn pha trong phố

09:09, 11/09/2017

Vào đêm tối, đi trên các tuyến đường trung tâm TP Bảo Lộc, không khó để bắt gặp những chiếc xe ô tô, xe máy "vô tư" bật đèn pha (đèn chiếu xa) hướng thẳng vào mắt người điều khiển phương tiện đi chiều ngược lại. Tình trạng này không chỉ gây bức xúc cho nhiều người tham gia giao thông, mà đã và đang trở thành mối họa thực sự về tai nạn giao thông.

Vào đêm tối, đi trên các tuyến đường trung tâm TP Bảo Lộc, không khó để bắt gặp những chiếc xe ô tô, xe máy “vô tư” bật đèn pha (đèn chiếu xa) hướng thẳng vào mắt người điều khiển phương tiện đi chiều ngược lại. Tình trạng này không chỉ gây bức xúc cho nhiều người tham gia giao thông, mà đã và đang trở thành mối họa thực sự về tai nạn giao thông (TNGT).
 
Thực tế cho thấy, đèn pha giúp lái xe có được tầm nhìn dài, rộng và dễ kiểm soát tình hình khi điều khiển phương tiện giao thông. Nhưng, Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định, người điều khiển phương tiện giao thông chỉ được sử dụng đèn pha khi chạy đường trường và đường cao tốc. Tuy nhiên, hiện nay, vào đêm tối khi đi trên các tuyến đường trung tâm TP Bảo Lộc, đặc biệt là đường Trần Phú (đoạn Quốc lộ 20 đi qua trung tâm TP Bảo Lộc) không khó để bắt gặp người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng đèn pha. 
 
Anh Nguyễn Văn Quang, tài xế lái xe taxi hãng Lado (tại Bảo Lộc) cho biết: “Tôi đã theo nghề lái taxi được gần 5 năm nay, nên tất cả các tuyến đường trung tâm TP Bảo Lộc tôi đều thuộc lòng. Ở TP Bảo Lộc, hầu hết các tuyến đường trung tâm đều đã được lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng. Tuy nhiên, tình trạng lái xe sử dụng đèn pha khi đi vào đô thị hay khu đông dân cư trên địa bàn vẫn đang diễn ra phổ biến. Đặc biệt là đường Trần Phú, tuyến đường có lượng phương tiện như xe khách, xe tải và xe máy qua lại đông đúc. Vì vậy, vào ban đêm khi đi trên tuyến đường này, tôi đều bắt gặp cứ 3 - 4 xe lại có 1 xe sử dụng đèn pha, rất khó chịu. Mỗi lần bắt gặp người điều khiển phương tiện sử dụng đèn pha, tôi đều nháy đèn như một cách nhắc nhở họ. Tuy nhiên, không phải lái xe nào cũng hiểu được thiện chí của mình...”.
 
Khi được hỏi về tác hại của đèn pha, nhiều người dân đều cho biết, việc các lái xe sử dụng đèn pha khi đi trong đô thị hoặc khu đông dân cư sẽ khiến những người đi đối diện bị lóa mắt làm mất tầm nhìn tạm thời dẫn đến hạn chế trong việc xử lý tình huống, nguy cơ xảy ra TNGT là rất cao. Nguy hiểm là vậy, nhưng hành vi này vẫn bị nhiều người tham gia giao thông cố tình “làm ngơ” như không hề hay biết. 
 
Ông Dương Văn Bình, ngụ Phường 2, TP Bảo Lộc cho hay: “Cách đây hơn 2 tháng, lúc đó khoảng 9 giờ tối, khi tôi đang chạy xe máy trên đường Trần Phú (đoạn qua dốc Đỗ Hữu, phường Lộc Tiến) thì bị một xe tải chạy đối diện bật đèn pha rọi thẳng vào mặt. Lúc đó, tôi bị mất tầm nhìn do bị lóa mắt nên đã tông vào một xe máy đi cùng chiều rồi ngã ra đường. Hậu quả làm tôi bị gãy tay”.
 
Tại Khoản 12, Điều 8 (Luật Giao thông đường bộ) nghiêm cấm người điều khiển phương tiện sử dụng đèn pha trong khu đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ. Cùng với đó, tại Khoản 3, Điều 5, Mục 1 (Chương 2, Nghị định 46) quy định rõ: Phạt tiền từ 600.000 đồng - 800.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm hành vi sử dụng đèn pha trong đô thị và khu đông dân cư (trừ các xe ưu tiên).
 
Thượng tá Đoàn Văn Sử, Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông (Công an TP Bảo Lộc) cho biết: “Việc lái xe sử dụng đèn pha trong đô thị hoặc khu đông dân cư không chỉ là hành động thiếu văn hóa khi tham gia giao thông, mà còn là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát Giao thông TP đã tổ chức nhiều đợt ra quân nhắc nhở hàng trăm trường hợp và xử phạt nhiều trường hợp sử dụng đèn pha trong khu nội thị. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng lái xe sử dụng đèn pha khi đi trong khu đô thị TP vẫn còn tiếp diễn là không thể phủ nhận”.
 
Theo Thượng tá Sử, để hạn chế tối đa tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng đèn pha khi đi qua đô thị và khu đông dân cư, ngoài việc lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát thì ý thức của lái xe là rất quan trọng. Vì vậy, cần có biện pháp để tăng cường công tác tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức và chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ.
 
HẢI ĐƯỜNG