Đồng hành với những người tuyến đầu chống dịch

05:04, 13/04/2020

Họ là những người dân tự nguyện, lập Đội Phòng cháy chữa cháy-Cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) của huyện Lạc Dương, được chính quyền và cơ quan chức năng ủng hộ...

Họ là những người dân tự nguyện, lập Đội Phòng cháy chữa cháy-Cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) của huyện Lạc Dương, được chính quyền và cơ quan chức năng ủng hộ. Hàng chục vụ chữa cháy, CNCH họ đã vào cuộc; và những ngày qua, họ đến nhiều nơi ở huyện Lạc Dương, thành phố Đà Lạt để đồng hành cùng những người tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19.
 
Phun dung dịch Cloramin B tại Nhà thờ Thánh Tâm, Đà Lạt
Phun dung dịch Cloramin B tại Nhà thờ Thánh Tâm, Đà Lạt
 
Nhiệt tâm và xông xáo 
 
Tôi đã chứng kiến một số vụ Đội PCCC-CNCH Lạc Dương chữa cháy và cứu hộ trong dịp lũ lụt trên địa bàn huyện. Bốn tại chỗ: chỉ huy, con người, phương tiện và hậu cần là tinh thần cốt lõi, xuyên suốt trong toàn Đội, lan tỏa đồng tình trong xã hội, trở thành sức mạnh dấn thân. Đội có hơn 60 thành viên, là chủ doanh nghiệp nhỏ, nông dân, dân quân tự vệ, công an xã và thành viên Câu lạc bộ ô tô địa hình, trong đó gần 50% là người dân tộc thiểu số. Đội trưởng là cựu chiến binh Đặng Ngọc Hiệp, Đội phó là Nguyễn Phục Quốc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ mô tô địa hình PNF và phụ trách Nhóm Thiện nguyện Ước mơ hồng. Mỗi đợt ra quân khoảng 20 người, 2 xe cứu hỏa phun sương, 2 máy xịt khói, 4 bình xịt cá nhân, họ là đội tuyên truyền lưu động và tiếp cận các địa điểm để giúp đỡ. Từ đầu tháng 2/2020 đến nay, Đội đã phát hơn 20.000 khẩu trang, khoảng 600 lít muối sát khuẩn súc họng, dung dịch rửa tay cho giáo viên, học sinh các trường học, đội ngũ phòng, chống dịch và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lạc Dương. Các thành viên còn tận tình hướng dẫn mọi người trong cộng đồng cách đeo khẩu trang, cách rửa tay đúng. 
 
Càng ấn tượng khi thành viên Đội PCCC-CNCH Lạc Dương trở thành những “dũng sĩ diệt khuẩn”. Trong âm thanh điều hành của Đội trưởng Đặng Ngọc Hiệp qua các bộ đàm, tiếng máy xịt ồn ã, các anh với trang phục bảo hộ cẩn thận như áo quần, ủng, nón, khẩu trang, mặt nạ, bao tay đã chìm vào khói mù mịt của công việc phun dung dịch Cloramin B khử khuẩn. 
 
Rất nhiều nơi Đội đã triển khai như các trụ sở làm việc, những nơi công cộng trên toàn địa bàn huyện Lạc Dương; những nơi thường tụ tập đông người ở thành phố Đà Lạt, như các điểm du lịch, nhà thờ, chùa. “Các đơn vị nếu có nhu cầu, Đội sẽ hỗ trợ hết mình từ con người đến trang thiết bị và phương tiện mà không lấy bất kỳ một chi phí nào. Các đơn vị chỉ tự mua dung dịch Cloramin B, anh em tự ăn tự uống, không phải phiền gì đến các tổ chức, đơn vị hỗ trợ cả. Tất cả vì sức khỏe cộng đồng mà”, anh Hiệp nói. Anh Quốc còn cho biết, Đội cũng đã hỗ trợ một gia đình ở Lạc Dương dung dịch Cloramin B để phun khử khuẩn khi nhà này có đám tang để phòng cho cả cộng đồng. Anh Phương là một Phật tử, bỏ tiền ra mua các hóa chất để nhờ Đội phun toàn bộ khuôn viên Chùa Kỳ Viên, Đà Lạt chứng kiến trực tiếp Đội xử lý khử khuẩn đã nhận xét: “Tôi rất nể phục các anh ấy và cũng phần nào an tâm khu vực này vì đã được phun rất kỹ. Không chỉ trong khuôn viên mà cả mương nước bên ngoài, cả một số hộ dân lân cận”.
 
Vừa phun xong một bình thuốc, chai nước suối còn uống dở, nhóm liền pha thêm bình mới, tiếp tục đến ngay điểm khác để xử lý phun khử khuẩn. Krajan K’PLing, thành viên Đội, ở tổ dân phố Bơnơ B, thị trấn Lạc Dương, làm nghề lái tắc-xi nói nhanh: “Mấy anh em theo đoàn tham gia phun dịch COVID-19 rất vui và chỉ mong sao cho cộng đồng, Việt Nam chúng ta mất hết cái dịch này đi”. Lý Ngọc Anh Thư, 38 tuổi, nữ duy nhất đi cùng Đội, là chủ quán Cà phê Vy ở Lạc Dương phụ trách hậu cần. Cô nói: “Đợt phun dịch như này vừa có mục đích tuyên truyền cho cộng đồng, vừa đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch. Mỗi khi Đội đi qua thấy mọi người có ý thức nhiều hơn. Họ hỏi và chúng tôi giải thích tác hại của dịch COVID-19 như thế nào, cách phòng, chống ra sao cho an toàn nhất”. 
 
Lan tỏa trong cộng đồng 
 
Hoạt động của Đội PCCC-CNCH Lạc Dương càng ý nghĩa khi nhiều doanh nghiệp, cá nhân ở Lạc Dương và Đà Lạt chung tay tham gia bằng góp tiền để Đội mua sắm trang thiết bị và phương tiện. Trong số đó, người luôn đồng hành động viên Đội bằng tài chính với trên 100 triệu đồng là anh Đặng Quốc Chính - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du lịch tỉnh Lâm Đồng. Dịp có dịch COVID-19, ông ủng hộ 25 triệu đồng để sửa chữa ô tô đưa tang, chi phí xăng dầu cho 4 chiếc ô tô chuyên dụng và máy xịt hoạt động cả năm 2020. Theo Đội trưởng Đặng Ngọc Hiệp, đến nay Đội đã nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp, cá nhân trên 300 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị, phương tiện PCCC và CNCH. Nhiều người ở Đà Lạt cũng nhiệt tình ủng hộ không chỉ công sức mà cả vật chất như các anh: Khánh, Hùng, Cường, Mẫn… “Trước tình hình dịch ngày càng diễn biến phức tạp, tôi thấy anh em Lạc Dương làm rất tốt nên chúng tôi tự nguyện tham gia hỗ trợ, để mong sao dịch không lây lan đến khu vực Lâm Đồng. Tôi cũng mong chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm và tuyên truyền, vận động các cơ quan, tổ dân phố tích cực phòng, chống dịch, trong đó có phương pháp phun hóa chất diệt khuẩn”, anh Đinh Mạnh Hùng nói. 
 
Đội PCCC-CNCH trở thành điểm sáng sống vì cộng đồng ở huyện Lạc Dương. Chính quyền huyện ủng hộ nhiệt tình, những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, tổ chức Đoàn Thanh niên cũng chung tay tham gia. Lan tỏa nhận thức về bảo vệ môi trường, chung tay chăm lo sức khỏe và sự bình an cho cộng đồng là giá trị bền vững nhất, và cũng là mong muốn của Đội. Ngoài lập group để trao đổi thông tin nội bộ, Đội có trang facebook tuyên truyền PCCC thường xuyên và hiện nay là phòng, chống dịch COVID-19. Trên giao diện này, Đội công khai số điện thoại “nóng” 0913545517 để mọi người cần giúp đỡ ứng cứu kịp thời. Đội trưởng Nguyễn Ngọc Hiệp nói: “Mong muốn mô hình này được lan tỏa trên tất cả các địa phương. Thực ra, PCCC, CNCH và chống dịch phòng là chính. Ở các địa phương nên áp dụng phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy, con người, phương tiện và hậu cần, thì nó sẽ phản ứng nhanh nhất. Tôi cũng mong Đội tiếp tục nhận được sự ủng hộ đóng góp của cộng đồng để tăng cường trang thiết bị và phương tiện, đáp ứng những tình huống xấu nhất có thể xẩy ra”.
 
MINH ĐẠO