Cẩn trọng với việc rao bán đất nông nghiệp

06:07, 07/07/2020

Hiện nay, nhiều trang web bất động sản; mua bán nhà đất, ký gửi nhà đất và ngay tại các địa phương của các xã ven TP Đà Lạt như: Trạm Hành, Xuân Trường, Xuân Thọ, Tà Nung… tràn lan các quảng cáo bán đất nông nghiệp...
 

Hiện nay, nhiều trang web bất động sản; mua bán nhà đất, ký gửi nhà đất và ngay tại các địa phương của các xã ven TP Đà Lạt như: Trạm Hành, Xuân Trường, Xuân Thọ, Tà Nung… tràn lan các quảng cáo bán đất nông nghiệp. Cùng đó là những lời hứa “ngọt” như rỉ mật vào tai, khiến nhiều người ôm trọn giấc mộng có thể chuyển đổi; dựng nhà trên đất nông nghiệp; hoặc chờ thời cơ để chuyển đổi trong tương lai gần. 
 
Ông Phạm Văn Kim khẳng định mình chỉ trồng cây đô la, chứ không hề bán đất nông nghiệp
Ông Phạm Văn Kim khẳng định mình chỉ trồng cây đô la, chứ không hề bán đất nông nghiệp
 
Theo như quảng cáo, một lô đất có diện tích 1.456 m 2 tại xã Xuân Thọ hiện là đất nông nghiệp, đường ô tô 4,5 mét, cách Quốc lộ 20 chỉ 50 mét, đất thoải theo triền đồi, view đẹp và chủ nhân cũng không quên quảng cáo “đang” nằm trong diện quy hoạch toàn bộ đất ở. Liên hệ với người rao bán thì được quảng cáo thêm, có thể mua cả lô hoặc thích đoạn nào cắt đoạn đó, chuyển đổi sang mục đích thổ cư thì khỏi phải lo.
 
Đặt vấn đề đất nông nghiệp tại địa phương đang rao bán tràn lan và những lời hứa hẹn có thể chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư ở xã Xuân Thọ, ông Ngô Xuân Dũng - Chủ tịch UBND xã bảo rằng đang cho anh em kiểm tra, có gì sẽ thông tin sau. 
 
Cũng nằm trong vòng xoáy rao bán đất nông nghiệp, tại xã Xuân Trường thì Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Văn Thắng khẳng định, làm gì có chuyện rao bán đất nông nghiệp tại địa phương với lời hứa của chủ nhân là có thể chuyển đổi mục đích sử dụng sang thổ cư. 
 
Nhưng, thực tế thì tại đường thôn Xuân Sơn (Xuân Trường) chủ nhân lại rao bán 560 m 2 đất nông nghiệp giá 1,6 tỷ đồng với lời khẳng định ỡm ờ về khả năng sẽ lên đất thổ cư trong tương lai gần. Và, 1.220 m 2 khác của người này cũng được rao bán với khẳng định sẽ lên thổ cư trong thời gian tới. 
Với những lời hứa có cánh, một chủ nhân khác lại rao bán 6.000 m 2 đất tại thôn Xuân Sơn với giá chỉ 850 triệu đồng; khẳng định chắc chắn gia đình đã canh tác ở đây 40 năm; trên đất có một nhà gỗ, có điện, có nước, xe gắn máy vào tận nhà. Còn muốn đường ô tô thì chỉ cần đầu tư ít tiền để làm đường bê tông 3 mét đến 4 mét. Về giấy tờ thì mua bán tay, có ký kết giáp ranh với đất hàng xóm và đến UBND xã để công chứng. 
 
Còn tại xã Trạm Hành, không chỉ rao bán đất nông nghiệp mà chủ nhân còn quảng cáo, hứa hẹn đất nông nghiệp chỉ cần mua thôi là gia chủ sẽ liên hệ giúp để làm homesay, nghỉ dưỡng. Ở Đồi Chè Cầu Đất, một lô đất 518,62 m 2 là đất nông nghiệp đang trồng bơ và chè, chủ nhân cho biết mình đang ở tại TP Hồ Chí Minh nên không làm được dịch vụ du lịch; nếu mua thì làm homestay hay cà phê “săn mây” thì trúng mánh. Còn nhiều trường hợp đất không có sổ, thì hứa hẹn tương lai sẽ làm sổ được, nếu mua bán thì chỉ cần ra UBND xã ký, công chứng rõ ràng. 
 
Tại xã Tà Nung, trang web rao bán đất còn táo tợn hơn khi sử dụng lại hình ảnh mà các báo đã đăng khi viết về trồng cây đô la bán lá ở xã Tà Nung. Trong một số bài báo, các tác giả đã viết về gia đình ông Phạm Văn Kim (Thôn 4, xã Tà Nung, TP Đà Lạt) thử nghiệm trồng cây đô la với giá bán cành từ 80 nghìn đồng đến 140 nghìn đồng/kg. Nhưng tại trang web batdongsan.com.vn lại sử dụng hình ảnh ông Kim đang chăm sóc cây đô la với lời mời gọi bán 1.400 m 2 đất gần quán cà phê Mê Linh thích hợp để xây biệt thự nghỉ dưỡng và đóng vào ảnh luôn logo của mình. Liên hệ với gia đình ông Kim ông phải thốt lên rằng: Trời ơi, tôi trồng cây để cắt nhánh bán, canh tác nông nghiệp chứ làm gì bán đất mà sử dụng hình ảnh của tôi. Thế này thì bà con hàng xóm nghĩ tôi làm ăn thất bại phải bán đất rồi. 
 
Lọt vào “bẫy” của bán đất nông nghiệp ở các xã vùng ven TP Đà Lạt, anh N. một người từ tỉnh khác đến chia sẻ: Gia đình tôi dành dụm được một ít tiền, mượn thêm họ hàng nhưng mua đất TP Đà Lạt thì chưa đủ điều kiện, nên tôi quyết định mua đất nông nghiệp ở các xã vùng ven để lập nghiệp. Nào ngờ, khi mua thì bên bán hứa hẹn sẽ giúp chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất thổ cư để làm ngôi nhà che mưa nắng, nhưng chồng tiền xong thì người bán cho biết hơi khó, muốn “chuyển” thì chuyển thêm tiền. Nhận thấy mình bị lừa và không muốn mất thêm tiền nữa nên vợ chồng đành ở nhà trọ, nếu có cơ hội thì cũng sang nhượng lại nhưng bữa giờ cũng chả ai hỏi han gì. 
 
Theo UBND TP Đà Lạt, trong năm 2019, UBND TP đã ban hành tới 3 quyết định chỉ đạo, hướng dẫn các phòng, ban, đơn vị liên quan và UBND các phường, xã trên địa bàn đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước để phát hiện sớm, xử lý nghiêm việc phân lô bán nền đất nông nghiệp trái luật.  
 
Không chỉ hứa hẹn, nhằm đưa người mua vào “ma trận” và “bẫy” được khách hàng, nhiều nơi rao bán đất nông nghiệp trên địa bàn các xã vùng ven TP Đà Lạt còn cung cấp thêm hình ảnh trực quan lô đất, trong đó có hệ thống đường bê tông được làm ngay ngắn chạy giữa những vườn bơ, chè, cà phê. Có thể nói, việc bán đất nông nghiệp không đúng với hiện trạng giấy tờ đất, mang đất nông nghiệp ra phân lô bán nền như dự án cũng diễn ra khá nhiều. Và, để không dính “bẫy”, người mua cần hết sức cảnh giác với những lời hứa trên mạng; đồng thời, phải đối chiếu thông tin, kiểm tra kỹ lưỡng sổ sách, các yếu tố pháp lý tại các cơ quan chức năng liên quan và chính quyền sở tại.
 
ĐỨC TÚ