Hoa tường vi vẫn nở

09:11, 26/11/2015

Cả làng tôi nóng bừng lên trong cơn bão thiếc. Hàng chục quả đồi lớn nhỏ vốn rất yên tĩnh bỗng chốc bị đào xới tung lên. Sự việc bắt đầu từ chuyện ông Lương, người ở đầu xã đang cày ruộng, lưỡi cày gẫy, bật lên cục quặng thiếc, bán được mấy triệu.

Cả làng tôi nóng bừng lên trong cơn bão thiếc. Hàng chục quả đồi lớn nhỏ vốn rất yên tĩnh bỗng chốc bị đào xới tung lên. Sự việc bắt đầu từ chuyện ông Lương, người ở đầu xã đang cày ruộng, lưỡi cày gẫy, bật lên cục quặng thiếc, bán được mấy triệu. Dân làng như phát rồ lên vì quặng. Bãi chè, bãi sắn, vườn cây biến dần thành bãi đào thiếc. Các anh tài, các đại ca bốn phương đổ về rầm rập. Làng tôi suốt đêm không ngủ. Người đào, kẻ bới, tiếng cuốc xẻng, xà beng đục vỡ bóng đêm. Đám chó cắn sểu dãi, mỏi mồm lăn ra ngủ. Còn đám người thì hai hố mắt trừng trừng bên những miệng hang đen ngòm.
 
Minh họa: PHAN NHÂN
Minh họa: PHAN NHÂN

Từ một cái chợ quê nghèo chỉ có mấy hàng rau, hàng tôm cá khô, duy nhất một hàng thịt nhưng hôm nào cũng ế, thế mà giờ đây quán hàng mọc lên san sát có tới ngót chục quầy thịt mà đến xế chiều chỉ còn trơ lại những mặt bàn bóng mỡ. Quán phở, quán nhậu đủ loại mỗi ngày một đông. Mấy quán karaoke ông ổng suốt đêm. Già hát, trẻ hát, cả làng tôi hát. Những xóm nghèo bình yên lúp xúp dưới bóng cây nay bỗng sáng chóe bởi mấy ngôi nhà ba tầng, bốn tầng xanh xanh đỏ đỏ. Có lẽ mấy trăm năm nay người làng tôi mới được mục sở thị cái cảnh kiếm tiền triệu, tiền tỷ mà cứ như đùa vậy. Chẳng phải tính toán, động não, chỉ việc đào đất lên bán. Ba, bốn trăm một bao, rồi sau lên tới sáu trăm, tám trăm một bao. Đúng là “tiền vào như nước sông Đà”.
 
Nhưng nói “cả làng” là cách nói chung chung, chứ cũng có đôi ba người nhìn thiên hạ kiếm tiền như rác mà vẫn dửng dưng. Một trong những người đó là ông Nghĩa, một nhà giáo về hưu. Nhà ông Nghĩa cách nhà tôi một cánh đồng hẹp. Vợ mất sớm, ông ở vậy nuôi con. Đến nay thằng Huân đã ngoài hai mươi. Hai cha con cùng hiền lành chịu khó, sống đạm bạc trong căn nhà ba gian lợp ngói, không to nhưng gọn gàng, sạch sẽ. Trước hiên nhà ông Nghĩa có cây tường vi cao quá đầu người, năm nào cũng hồng rực hoa. Mỗi lần tôi sang chơi, ông Nghĩa thường chỉ vào cây hoa tường vi, giảng giải:
 
- Tuy không phải là loài hoa lộng lẫy và quí phái nhưng tường vi có vẻ đẹp dịu dàng, thanh cao. Có thể ví nó như những người nghèo nàn, giản dị nhưng luôn giữ được cốt cách làm người.
 
Trong đời thường, ông Nghĩa cũng luôn dạy bảo con cháu hướng theo cái “cốt cách tường vi” ấy. Vì thế, dăm lần bảy lượt thằng Huân xin bố theo các bạn ra bãi quặng thiếc kiếm tiền nhưng không được ông cho phép.
 
Nhưng rồi cuối năm ông Nghĩa mắc bệnh nằm liệt giường. Bác sĩ kê toàn những toa thuốc đắt tiền. Vào hoàn cảnh như gia đình ông Nghĩa thì đó là một cái họa lớn.
 
Thằng Huân chạy sang nhà tôi, thiểu não:
 
- Chú Hợp ơi! Không còn cách nào khác, cháu phải ra bãi quặng thôi. Cháu không để bố cháu chết được.
 
Vào cơn bĩ cực như vậy, tôi làm sao dám cản nó, chỉ khuyên nhủ vài câu:
 
- Bãi quặng là nơi kiếm bộn tiền nhưng cũng là chốn hang hùm nọc rắn, cháu phải hết sức cẩn thận!
 
Nó bảo:
 
- Bố con cháu ở hiền chắc sẽ gặp lành thôi chú ạ.
 
Vậy mà cái thuyết nhân quả ấy cuối cùng không ứng vào thằng Huân.
 
Tháng đầu tiên làm quặng không những thằng Huân thừa tiền mua thuốc cho bố mà còn mua được chiếc Drem đập hộp. Nó bảo với tôi, có chiếc xe, mỗi lần đưa bố đi bệnh viện khám định kì, đỡ phải đi xe buýt vất vả.
 
Vài tháng sau, thằng Huân lại sang nhà tôi với vẻ mặt đầy phấn chấn, khoe:
 
- Cháu sẽ phá cái nhà cấp bốn xây hẳn cái nhà hai tầng có cái ban công rộng, rồi trồng cây tường vi trên đó cho bố cháu nằm ngắm cả ngày. Nghe nói người ốm mà tâm lí được vui vẻ thì cũng mau khỏi bệnh.
 
Thằng Huân quả là đứa con có hiếu.
 
Tết năm ấy, đúng như lời nó nói, hai bố con thằng Huân được ăn tết trong ngôi nhà hai tầng lớn nhất nhì xóm tôi.
 
Ngày tháng trôi đi, cơn bão thiếc dần lắng xuống rồi tan hẳn. Bão qua đi tưởng rằng trời yên biển lặng nhưng không ngờ sóng gió lại ập xuống cái xóm nhỏ của tôi. Nó cuốn đi nhà cửa, ruộng vườn, xe cộ, trâu bò. Đau lòng nhất là “cơn bão không gió” ấy còn cuốn đi bao thanh niên trai tráng trong làng. Chỉ một tháng trời mà người trong xóm đã phải ba lần đưa tang. Người ra đi toàn là những thanh niên mới ngoài hai mươi tuổi. Đứa thì gục ở bờ ao, đứa co quắp trong nhà, mắt trợn ngược, tay vẫn cầm chiếc bơm tiêm đầy máu.
 
Dạo này tôi không gặp thằng Huân đi ăn sáng cùng chiếc Drim như thường lệ. Chắc là nó bận ngoài bãi quặng. Bố nó cũng không thấy ra ngồi trên cái ban công lớn.
 
Hôm nay từ cơ quan trở về nhà, mới đến đầu ngõ tôi bỗng nghe tiếng ông Nghĩa kêu la thảm thiết.
 
Chẳng kịp về nhà tôi vội rẽ sang nhà thằng Huân. Tôi giật mình thấy ông Nghĩa ngồi ật cổ trên ghế. Thằng Huân co quắp, lả người bên mép tường, mặt mày nhợt nhạt.
 
- Có việc gì thế Huân? - Tôi lo lắng lên tiếng.
 
Nghe tiếng tôi, ông Nghĩa ngẩng lên, khuôn mặt võ vàng hốc hác: 
 
- Chú Hợp ơi!... Chú Hợp ơi! Nhà tôi hết phúc rồi, thằng Huân nó nghiện… nó… 
 
Tôi bàng hoàng. Không thể tin được. Một đứa hiền lành ngoan ngoãn, chịu thương chịu khó như thằng Huân mà sao lại nghiện được. Nhìn gương mặt xám xịt của thằng Huân trong lúc này, tôi cũng chỉ còn biết rên lên trong hối tiếc.
 
Từ hôm ấy, thằng Huân thường tránh mặt tôi. Mà tôi cũng ngại gặp nó. Hôm Huân chở cái ti vi đi bán, bất ngờ gặp tôi nó luống cuống suýt nữa làm rơi xuống đất. Nhìn nó tôi nghèn nghẹn ở cổ.
 
Sau hôm đi tập huấn mười ngày trên sở, tôi xách hai chục trứng, túi hoa quả sang nhà ông Nghĩa. Không ngờ ông ấy trở bệnh nặng đến thế. Ông Nghĩa nằm bẹp trên giường như chiếc lá mía khô.
 
Tôi ngồi xuống giường nắm lấy tay ông. Hai hàng nước mắt ông giàn giụa, đầu lắc lắc. Sự tàn tạ về thể xác của ông quả là đáng ngại nhưng có lẽ sự tàn tạ về tâm lí đối với ông còn khủng khiếp hơn nhiều. Thằng Huân cho biết cả tuần nay ông không ăn uống gì. Tôi hiểu, cuộc sống của ông chỉ còn được tính bằng ngày.
 
Đám tang ông vừa xong xuôi thì trời đổ một cơn mưa rào rất to. Ai cũng bảo ông Nghĩa đi thế là mát mẻ.
 
* * *
 
Từ hôm bố mất, thằng Huân sống vật vờ như một bóng ma. Bao nhiêu đồ đạc trong nhà cùng cây cối trong vườn lần lượt ra đi. Duy nhất cây tường vi vẫn hồng rực hoa.
 
Xóm tôi hồi này hết mất gà lại mất chó. Cứ mỗi lần trong xóm mất cái gì, thì y như rằng ai cũng bảo: “Thằng Huân chứ còn ai vào đây nữa”. Sống ở gần nhau, hơn ai hết, tôi là người được chứng kiến thằng Huân từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành cùng sự dạy dỗ vô cùng tốt đẹp của ông Nghĩa nên chưa bao giờ dám nghĩ nó lại mắc tội trộm cắp. Thấy nhiều người nhao nhao bàn tán, đổ tội lên đầu thằng Huân một cách thái quá, tôi lên tiếng phản đối:
 
- Chắc gì đã phải nó lấy, có ông, bà nào nhìn thấy tận mắt chưa? 
 
Nghe tôi nói, mọi người cười ồ lên:
 
- Ông đang ngủ mơ hay sao? Bọn nghiện ngập thời nay khi cần tiền, đến mả bố nó nó cũng đào lên nữa là.
 
Thì đành rằng xã hội đầy cảnh con chém bố mẹ để lấy tiền hút hít, nhưng không hiểu sao tôi vẫn có một niềm tin là thằng Huân không lấy cắp của dân làng.
 
Sáng hôm ấy, vợ tôi phát hiện ra nhà mất con gà sống thiến to nhất đàn. Vợ tôi hùng hổ xắn tay áo định chạy sang nhà thằng Huân nếu tôi không nhanh tay ngăn lại.
 
Ngày hôm sau, tôi thấy thằng Huân đứng tần ngần ở đầu cổng. Gặp tôi nó buồn rầu nói:
 
- Chú Hợp ơi! Cháu… cháu… cháu không bắt con gà của chú đâu, đừng nghĩ oan cho cháu. 
 
Nhìn vào mắt nó tôi biết nó nói thật.
 
Hai hôm sau vợ tôi thì thầm: “Con gà thế mà không phải thằng Huân bắt. Sáng nay, em thấy nó mắc cổ vào cành chè chết treo trên đồi ấy. Chắc cu cậu mải mồi quá”. Tôi không trả lời, thở dài bước lên xe đi đến cơ quan.
 
Thấm thoắt đã một năm trôi qua. Thằng Huân vẫn sống vật vờ cùng bao nhiêu tội lỗi mà người trong xóm đổ lên đầu nó. Bây giờ gặp Huân trên đường, nhiều người tránh mặt như tránh hủi.
 
Trong một lần gặp hiếm hoi, thằng Huân nói với tôi bằng một giọng nghẹn ngào:
 
- Nói chú không tin, nhưng hồi ấy cháu bị chúng nó đè ra tiêm. Vậy mà thành ra nghiện. Cháu đã thử cai mấy lần nhưng không được. Cái loại này đã mắc là không bỏ được đâu chú ạ. Chỉ còn con đường chết thôi. Nhưng điều này thì chú phải tin: cháu không trộm cắp của ai cả. Tiền mua thuốc là do cháu bán dần tài sản. Chú cũng biết đấy, bây giờ chỉ còn trơ lại cái xác nhà. Nhưng nếu bán nó cháu cũng đủ dùng ít nhất đôi ba năm nữa.
 
Nghe Huân nói tôi thấy ớn lạnh sống lưng. Thương nó nhưng không có cách nào giúp. Chẳng lẽ cứ lải nhải nhắc lại mấy lời khuyên cửa miệng của xã hội, rằng phải có ý chí vượt lên để vào trại cai nghiện, rằng…
 
* * *
 
Một lần nữa, tôi gặp Huân ngoài chợ khi nó đang mua một thứ gì đó nhưng còn thiếu mười nghìn nên bà Hợi, người cùng xóm là chủ cửa hàng nhất quyết không cho chịu. Thấy vậy, tôi rút tờ mười nghìn đặt vào tay bà. Huân nhìn tôi, lí nhí chào rồi chạy vụt đi. Bà Hợi nhìn xéo theo bóng Huân, bĩu môi:
 
- Hừ! Quân nghiện ngập lại định bắt dê bắt chó gì đây mà mua dây dù.
 
Tối hôm ấy, nó sang trả tôi mười nghìn. Tôi bảo cho nhưng nó nhất quyết không nhận.
 
Sáng sớm hôm sau, tôi vừa chạy thể dục được vài vòng quanh sân thì nghe tiếng thét thất thanh từ phía nhà Huân vọng sang:
 
- Thằng Huân… Thằng Huân… treo cổ tự tử rồi! 
 
Cả xóm kéo đến. Tôi nhìn thấy bà Hợi liếc nhìn sợi dây dù lơ lửng trên cành cây, mặt mũi tái nhợt, hai chân run lập cập.
 
Thằng Huân chết đi, không nói ra, nhưng tôi biết ai cũng thở phào: “Giờ thì xóm làng được yên ổn rồi”.
 
Dăm ngày sau khi thằng Huân mất, con chó nhà tôi khôn là thế mà bỗng nhiên mất tích. Rồi bà Tình ở đầu xóm mất một lúc mười con gà đẻ. Ông Phú mất cái máy bơm, ông Hồng mất mấy buồng chuối. Xóm tôi ngơ ngác: “Quái lạ! Thằng Huân đi rồi sao vẫn mất nhỉ?”.
 
Tới ngót một tháng sau, ai đó đã phát hiện thấy một bức thư của thằng Huân để lại trước khi tự vẫn. Cả xóm truyền nhau ý tứ bức thư. Đại ý, thằng Huân nói rằng, nó định bán đi ngôi nhà để hút hít thêm vài ba năm nữa, nhưng nghĩ cũng thấy vô nghĩa, hơn nữa, ngôi nhà ấy cũng là do đồng tiền lấy từ quặng thiếc, là tài sản chung của xã hội nên nó quyết định hiến cho xã để làm nhà trẻ. Cả xóm đờ đẫn và tỏ ra khó hiểu khi được nghe nội dung bức thư.
 
Tôi đề nghị với trưởng xóm cho đánh gốc tường vi ra trồng tại hai nấm mộ của bố con Huân. Gốc tường vi ủ rũ vài tuần rồi xanh lên mơn mởn.
 
Đã chớm đông. Nhiều loài hoa đang vào độ tàn nhưng cây tường vi bên mộ hai bố con Huân vẫn nở hoa rực rỡ. Những cánh hoa hồng tươi, mong manh, tinh khiết xòe ra đón ánh nắng hanh đầu mùa khắc nghiệt mà nồng nàn.
 
Truyện ngắn: Đào Nguyên Hải