Chuyện Điểu K'Thiên

09:12, 31/12/2015

Cuối năm, nhận lời Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng đi thực tế sáng tác ở huyện Đạ Tẻh, tôi nhớ tới Nguyễn Thanh Thiên, trước là cán bộ văn hóa Nông trường Hà Lâm. Hỏi thăm, các anh ở huyện cười ồ: À, đồng bào gọi nhà Mạ học, nhà Linga-Yoni học ấy là Điểu K'Thiên! 

Cuối năm, nhận lời Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng đi thực tế sáng tác ở huyện Đạ Tẻh, tôi nhớ tới Nguyễn Thanh Thiên, trước là cán bộ văn hóa Nông trường Hà Lâm. Hỏi thăm, các anh ở huyện cười ồ: À, đồng bào gọi nhà Mạ học, nhà Linga-Yoni học ấy là Điểu K’Thiên! Từ văn hóa huyện sang làm chuyên viên Ban Quản lý Khu Di chỉ khảo cổ Cát Tiên, thuộc Sở Văn hóa. Đã chục năm cha này lọ mọ với nghề khai quật, ngơ ngẩn với ngành cổ sử!
 
Một sáng, điện thoại hẹn gặp, tôi kiếm chiếc xe máy, cùng ông bạn nhà văn già nuôi ý tưởng viết về Khu Di chỉ phóng sang huyện Cát Tiên. 
 
Minh họa: H.T
Minh họa: H.T

Những năm tám mươi thế kỷ trước, cánh phóng viên chúng tôi xuống vùng III thuộc huyện Đạ Huoai thường ghé Nông trường Hà Lâm lấy tư liệu viết bài về phong trào khai hoang mở đồng lúa, tiến độ sản xuất, gương người tốt việc tốt… Cách tiếp cận nhanh nhất là gặp Nguyễn Thanh Thiên - Trưởng Đài Truyền thanh Nông trường. Thiên người “Hà Tây quê lụa”, “cửa ngõ Thủ đô”. Trai xứ Đoài đàn hay, hát giỏi, bóng chuyền, bóng đá đều cừ. Nơi vùng sâu, rừng núi hoang vu, đời sống đồng bào dân tộc Mạ và dân kinh tế mới cũng như công nhân nông trường vất vả, thiếu thốn nên khao khát thưởng thức văn hóa, văn nghệ. Đáp ứng nhu cầu ấy, Thiên vận động các đội sản xuất, các chi đoàn thuộc nông trường, nhà trường và xã luôn phối hợp tổ chức những đêm văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Dịp ấy, cả vùng nao nức, bập bùng đuốc ngo kéo về nông trường. Từ người Kinh đến đồng bào Mạ đều ngẩn ngơ trước ngón đàn bầu, đàn nhị, sáo trúc thánh thót, réo rắt khi Thiên vừa đờn vừa ca làn chèo cổ “Thị Màu lên chùa” trích từ vở “Quan âm thị Kính” hay buông lời “Nghe câu quan họ trên cao nguyên…”, “Người ơi, người ở đừng về…”, “Cây trúc xinh…”. Giọng ấm, mượt mà và ánh mắt anh lúc miên man chìm đắm với điệu cò lả, trống quân, lưu thủy hành vân… khi lấp lánh tình tứ cùng lời quan họ. Chúng tôi có phần ghen tị với anh: “Chắc phần lớn gái trẻ nông trường phải lòng ông”! “Mẹ đẻ rơi tớ trên chiếu chèo mà… tinh tinh/ là tinh/ tinh tinh chát… nên cứ phải có tí “bèo dạt mây trôi…í…i…i..!”! Thiên đùa vậy giữa những đêm trăng trải chiếu uống trà, hút thuốc rê, sì sụp cháo gà… Nghe anh tếu táo nhưng tôi hiểu vết sẹo lòng anh chưa lành… Vào nông trường đôi năm, Thiên cưới vợ là cán bộ thương nghiệp huyện có đôi mắt lá răm lúng liếng mê như điếu đổ anh cán bộ nông trường tài hoa. Trai tài gái sắc, tưởng “duyên cầm, sắt” mãi hòa thanh, gắn bó. Nào ngờ, Thiên nặng lòng với nông trường, nấn ná không muốn chuyển ra thị trấn huyện nhận việc do vợ xin nên chưa đầy năm vợ đã khăn gói theo một trùm buôn gỗ về Sài Gòn…  
 
* * *
 
Gặp lại, mái đầu trắng phớ, hàm ria bạc, khuôn mặt chữ điền, da bánh mật nhuốm gió sương càng thêm phần phong trần ở Thiên hao hao giống nhà sử học Dương Trung Quốc. Anh vồn vã như xua chúng tôi lên căn nhà dài nằm giữa vườn cây sát sông Đồng Nai: - Gà vườn nướng lu, khô cá lóc Cát Tiên, rượu An Nhơn… đang nóng lòng chờ các bác! Âu Cơ (Ô kê)!
 
Mình trần nằm chống tay trên sàn gỗ, Thiên khoát tay: - Các bác cứ cởi áo cho mát, mấy khi được hưởng làn gió thượng nguồn đại ngàn. - Nhấp ly rượu, anh sực nhớ: - Viết về Đạ Tẻh nhân kỷ niệm 30 năm thành lập huyện, hay đấy! Bao nhiêu chuyện để nói!
 
- Thế mới lần đến ông, pho sử sống vùng đất này! 
 
- Mình cũng nhiều lần cầm bút song chẳng có khiếu như các bác! - Thiên lổm ngổm ngồi dậy, hào hứng: - Ba chục năm trước, miền Châu Mạ độc đáo, hấp dẫn lắm. Với quan niệm “tốt khoe, xấu che”, từ thiếu nữ đến bà già đều phơi ngực trần, chứ đâu như thời nay con gái ra đường che bịt từ chân lên miệng. Sống giữa đại ngàn, cư dân có nhiều tín ngưỡng thờ cúng tự nhiên. Hàng năm, theo chu kỳ canh tác nông nghiệp, họ tổ chức lễ cúng các vị thần: thần lúa (Yàng còi), thần rừng (Yàng bri), thần núi (Yàng bơ nơm), thần lửa (Yàng us)… Lễ tiến hành ở quy mô gia đình hay tộc họ, bon làng. Lễ cúng rừng tổ chức trước khi phát rẫy, lễ vật cúng có rượu cần, gà hoặc vịt. Phát rẫy xong thì cúng thần lửa để đốt rẫy. Từ lúc trỉa xuống đến lúc lúa trổ bông diễn ra nhiều lễ cúng ở từng gia đình. Trước khi thu lúa, đồng bào làm heo hoặc dê tạ ơn thần, lễ cúng gọi là Yu rmul. Lúa suốt về, lễ cúng (nhô he) lớn nhất hàng năm bắt đầu, đánh dấu kết thúc một mùa rẫy. Bảy ngày, bảy đêm trong lễ Yu rmul mọi người kiêng cữ nhiều điều. Tùy từng lễ mà cúng ở rẫy hay tại nhà. Cứ khoảng 5 hay 10 năm, đồng bào tiến hành lễ đâm trâu để tạ ơn, cầu khẩn với thần núi. 
 
Ngưng lời, châm điếu thuốc, Thiên thao thao như giáo sư đang diễn giải: - Nãy giờ miên man quá! Về lịch sử, thế này nhé: Trước 1975, huyện Đạ Tẻh nay nằm trong vùng căn cứ cách mạng tỉnh Lâm Đồng. Cư dân thuộc dân tộc Mạ, có 20 buôn với 384 hộ, hơn 3.360 người sinh sống tại ba xã: Xa Nhan, Lú Tôn và Hợp Vông. Thời kháng chiến đồng bào đùm bọc cưu mang cán bộ cách mạng; tiếp lương, tải đạn; chiến đấu, bảo vệ vùng căn cứ, các cơ quan của tỉnh, lực lượng Khu IV và Trung ương Cục mỗi lần hành quân ngang qua. Dân quân du kích đánh giặc nhiều trận, bắn rơi và phá hỏng 32 máy bay… Giữa năm 1976, vùng đất này được quy hoạch là địa bàn đón dân xây dựng kinh tế mới của Lâm Đồng. Lực lượng tiền trạm và thanh niên xung phong từ Thường Tín, Ứng Hòa (tỉnh Hà Sơn Bình cũ) và thành phố Huế đến xây dựng quê hương mới… - Im lặng, Thiên rót rượu mời: - Âu Cơ! Thời điểm đó, thằng “di-gan” là tớ sẵn máu phiêu liêu đã xung phong đi mở đất. Vậy mới có bữa ta ngồi đây uống rượu... Ha, ha, ha. Mà tới đâu rồi nhỉ?... Đến năm 1978, thêm dân các tỉnh Quảng Trị, Bình Định, Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Thừa Thiên hội tụ về lập nghiệp. Năm 1986, huyện Đạ Huoai tách thành 3 huyện: Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên…
 
- Khỏi lần mò đâu, cứ nắm bố mày là biết khối chuyện! - Ông nhà văn gật gù và gợi ý: - Thế việc Di tích khai quật Linga-Yoni, biểu tượng phồn thực to khủng ở Đông Nam Á...? 
 
- Kính bác ly đã! - Vuốt ngược mái tóc rễ tre lòa xòa, Thiên nheo mắt, cất tiếng cười hào sảng: - Bác cứ “đại từ” (chầm chậm). Nhận nhuận bút, nhớ nhắn thằng đệ lên Đà Lạt uống rượu! Di tích khai quật 2 bộ Linga-Yoni bằng đá và thạch anh được xác định lớn nhất Đông Nam Á tính đến nay. Bác biết không, Linga là biểu tượng bộ phận sinh dục nam, Yoni là biểu tượng bộ phận sinh dục nữ. Nó biểu hiện hai mặt âm dương trong vũ trụ. Sinh thực khí là biểu tượng rõ nhất tín ngưỡng phồn thực. Tức cầu mong sự sinh sôi, nảy nở về con người, phồn thịnh trong sản xuất, thịnh vượng của mùa màng. Các cơ quan sinh sản được đặc tả để nói về ước vọng phồn sinh. 
 
Sau mấy lần “cạch” trăm phần trăm ly rượu gạo sủi tăm trong vắt, thơm lừng, tửu lượng kém nên tâm trí như mây trôi bồng bềnh, tôi nằm gối đầu lên cánh tay, mơ màng nhưng không bỏ sót lời nào câu chuyện của Thiên.
 
Từ sau Công nguyên, nền văn minh Ấn Độ đã có tác động quan trọng đến khu vực Đông Nam Á, nơi đây xuất hiện những công trình kiến trúc tôn giáo lớn như Óc Eo, Chân Lạp và Champa. Quần thể di tích Cát Tiên là một phần trong tổng thể những công trình kiến trúc tôn giáo cổ ấy… Sự thể phát lộ di tích do năm 1984 được nhân dân báo, Bảo tàng Lâm Đồng xuống phát hiện một số di vật liên quan đến kiến trúc cổ ở xã Quảng Ngãi. Tiếp theo các cuộc thám sát vào năm 1985 và 1986, tháng 10 - 1985, tại xã Đồng Nai (nay Đức Phổ), tại một gò thấy xuất lộ nhiều gạch xây bao quanh 2 khối trụ vuông ở trung tâm. Khối trụ thứ nhất cao 1m, mỗi cạnh 0,5m, bên trên đặt ngẫu tượng Linga-Yoni bằng đá. Khối trụ thứ hai đặt một bệ Yoni đá chế tác sơ sài. Tại đây thu một tấm kim loại dài 21cm, rộng 7cm, màu xám đen, dập nổi hình thần Shiva cầm đinh ba. Năm 1986, trong 9 hố mở hướng ra sông Đồng Nai tìm thấy dấu vết nền gạch từ bệ thờ Linga-Yoni, các nhà khoa học dự đoán đây là “sân hành lễ” rộng khoảng 600m2… Khoảng 10 lần khai quật, các nhà khảo cổ đã thu thập 1.140 hiện vật các loại với nhiều chất liệu khác nhau như kim loại vàng, bạc, thiếc, đồng, sắt, đá, đá quý, gốm nung…
 
- Vậy chủ nhân di tích?
 
- Bí ẩn di tích vẫn nằm im trong bóng tối, các nhà khảo cổ chưa giải mã được. Tuy nhiên, giới học giả đồng nhất di tích Cát Tiên là thánh địa của một vương quốc độc lập, tồn tại khoảng thế kỷ VII đến thế kỷ XI. Vương quốc bí ẩn ra đời sau Phù Nam bị Chân Lạp chinh phục, cư dân là cộng đồng lớn, chiếm lĩnh và khai phá đồng bằng, phát triển ngoại thương, chịu ảnh hưởng văn hóa Champa và Chân Lạp, có sự kế thừa văn hóa Óc Eo. 
 
- Quả không phí mười năm ông mưa nắng với Thánh địa Cát Tiên. Đáng khen công canh giữ Linga-Yoni “cho đời nay, cho muôn đời sau” hiểu hơn về tiền nhân? - Tôi xuýt xoa.
 
Thiên chợt bất động, ánh mắt buông mơ màng, thầm thốt: - Tôi mê dân tộc học, khảo cổ học và say sưa tìm hiểu văn hóa dân tộc Mạ… cũng là nhờ bà xã!  
 
- Bà xã ư! Mừng tái hợp… - Tôi vội che miệng bởi suýt buột từ “Kim Kiều”.
 
- Thì “lên xe” ly nữa! - Thiên cười bí hiểm: - Văn chương các bố, nhiều anh lớt phớt nên câu chữ kỳ lắm. Viết về đồng bào Châu Mạ mà cứ áp vào miệng người ta nào là “không vui cái bụng, không thuận cái tai”, “ưng bắt làm chồng”. Nếu người K’Ho theo mẫu hệ thì người Mạ theo chế độ phụ hệ. Con gái K’Ho mới bắt chồng. Con trai Mạ ưng cô nào thì xin ý kiến gia đình để nhờ “căn gôi pao” (người mai mối) đến nhà gái xin làm lễ cưới hỏi. Với người Mạ, nhà trai phải nộp lễ cưới vì cho rằng nhà gái mất lao động khi con đi lấy chồng. Luật tục xưa người Mạ thoáng lắm, đàn ông được lấy 2, 3 vợ nếu nuôi được. Có câu hát “Chim cuốc hát những điều xấu/ Con quạ hát những chuyện xưa/ Ai biết hóa giải một vụ tranh cãi có quyền lấy hai vợ”… 
 
- Cũng không riêng người Mạ, các cụ Kinh mình thời phong kiến “khăn đóng áo dài” chẳng xênh xang “năm thê bảy thiếp” sao? Nay có cho phép, cánh ta cũng “bó tay chấm com”, nuôi một cũng đã nhọc rồi!
 
Chúng tôi vỗ đùi cười sảng khoái. Tò mò, tôi vỗ nhẹ vai Thiên thì thầm: - Này, không phiền thì nguyên cớ… bà xã trở lại?
 
Ngơ ngác ngó tôi như mới thấy lần đầu, chợt hiểu, Thiên cười rạng rỡ: - Chuyện nhiều tập, ông ạ! Vợ à, trường hợp tớ thật gặp may hi hữu! Chẳng “bật mí” gì, này nhé…
 
* * * 
 
Nông trường có việc gấp phải đi Sài Gòn đón chuyên viên ngoài Bộ về, Thiên được giao việc vào gần cuối chiều. Kêu tài, nhận xăng và tất tả gom chừng chục bao đậu đỗ về thành phố đổ cho con phe kiếm mấy đồng chênh lệch tiêu đường, xe rời cơ quan cũng nhá nhem tối. Đường ra Madagui lổn nhổn sỏi đá, chòng chành ổ voi… Bật đèn pha vượt lòng suối cạn, thấy thấp thoáng giữa suối bóng người mặc bộ đồ công nhân khoác túi xách, tay che đèn rọi chói mắt, tay vẫy rối rít. Pim, pim, pim… Luống cuống giở mũ chùm đầu hóa ra một cô gái, xe nhích lại gần vẫn không nhường lối. 
 
- Khùng à! - Tài xế dừng xe, nhoài người ra quát. 
 
- Anh ơi! Muộn rồi, cho em đi nhờ với!
 
- Đang vội! Tránh ra!
 
Thiên liếc đồng hồ, bảy giờ. Đêm rừng sập xuống nhanh lắm. Chắc ra Madagui! Cuốc bộ mười lăm cây số nữa, đến nơi phải tám rưỡi. Thân gái dặm trường canh khuya. Nhớ câu kiến ngãi bất vi…! Anh thầm ái ngại, bảo lái xe: - Thôi cho người ta lên! 
 
Thiên xuống xe: - Madagui phải không? 
 
- Madagui? Dạ… Không, về Phương Lâm! - Gương mặt phờ phạc, nhịp thở hổn hển, ánh mắt cô gái cầu khiến.
 
- Chà!... Thôi lên!
 
Cô gái chừng hai lăm tuổi, líu ríu: - Ơn ngai! Ơn ngai can bo! Ơn ngai Yàng! (Cảm ơn! Cảm ơn cán bộ! Cảm ơn Yàng). 
 
Chả lẽ để người ta thu mình nửa nằm nửa ngồi trên những bì đậu đỗ chất kín khoang sau chiếc U-oát? Thiên ngăn lại: - He, loh oh ur Kon Chau (Này, cô gái Mạ), lên ghế trên ngồi với cán bộ Juôn (người Kinh), chịu khó ngồi chật! 
 
E dè chung ghế, những cú xóc nẩy làm tấm thân phụ nữ mềm mại, ấm áp cứ áp sát người Thiên. Anh quay sang gặp ánh mắt nâu hiền hậu như mắt nai lấp lánh đang chăm chú nhìn mình.
 
- Cô tên gì?
 
- Dạ! Điểu Ka Dung!
 
- Nhà Ka Dung ở Lộc Trung à?
 
- Dạ! Em dạy tiểu học ở phân trường buôn B’Ka…
 
- Hơi xa đấy! Dạy lâu chưa?
 
- Cũng gần ba năm học ạ! 
 
- Về Phương Lâm có việc gì gấp mà đi muộn thế này?   
 
- Dạ, dạ, có… việc ạ! - Điểu Ka Dung cúi xuống, vội đội mũ vải mềm kéo sụp gần kín khuôn mặt, thân mình héo rũ, đưa tay lên áp mặt. 
 
Vầng trán cao, cặp lông mày đậm, hàng mi dài cong vút, sống mũi thẳng, gương mặt quen lắm! Gặp ở đâu nhỉ?... Bâng khuâng, Thiên thấy tâm trạng xốn xang… Anh nhủ chắc nhầm vì đa phần thiếu nữ Mạ đều có ánh nhìn hút hồn của vũ nữ Áp-sa-ra. 
 
Chợt nghe tiếng thút thít, đôi vai Điểu Ka Dung khẽ run rẩy.
 
- Này, Ka Dung! Say xe à. Cô không sao chứ! - Thiên ân cần hỏi. 
 
Ngước lên, đôi mắt rớm lệ, Ka Dung thì thầm: - Không sao! Có lẽ… chắc cán bộ Thiên không nhớ em!
 
- Quên ư..? - Thiên buột lẩm bẩm: - Ở đâu và bao giờ?
 
Nét mặt dần tươi tỉnh, Điểu Ka Dung mỉm cười: - Thầy từng cứu em thoát khỏi cơn rốt rét ác tính!
 
Lặng suy nghĩ, Thiên chợt nhớ bảy năm trước anh tình nguyện cùng giáo viên trường Lộc Trung đêm đêm đứng lớp dạy kèm học sinh năm cuối cấp hai. Anh tâm niệm mình không chỉ dạy kiến thức, phải truyền cho các em Châu Mạ sự đam mê học hành, vươn lên thành người có ích cho bon làng vẫn tồn tại nhiều hủ tục bao đời lầm lũi du canh du cư, phá rừng làm rẫy… Lớp có trò Điểu Ka Dung không vắng đêm học nào. Cô bé sáng dạ, hát hay và anh thường hay hỏi bài, yêu cầu hát cho lớp nghe… Một tối, không thấy em đến lớp, các bạn báo Ka Dung bị ốm. Bữa thứ hai, góc em thường ngồi vẫn vắng lặng… Lòng như lửa đốt, dạy xong theo ngọn đuốc ngo học trò dẫn lối, Thiên bước vào căn nhà dài lúp xúp. Tít góc nhà chập chờn sáng tối, Ka Dung nằm co cuốn chăn như cái kén. Trán em nóng hầm hập, run bần bật… Sốt rét rồi! Sao không đưa lên Trạm xá?
 
- Ồ, thầy cúng đã đuổi ma cho nó, mai lên được rẫy thôi! - Bạp (bố) Dung ngồi bó gối bên bếp lửa điềm nhiên hút thuốc, chậm chạp lên tiếng: - Thầy giáo về đi. Cái thuốc của Trạm không cứu được nó đâu! 
 
Chứng kiến nhiều cái chết thương tâm do bệnh sốt rét, Thiên bỗng gai lạnh sống lưng giữa lúc mồ hôi vã như tắm. Anh năn nỉ rồi nghiêm giọng kiên quyết: - Không ở nhà được đâu, po hìu (gia trưởng, người cao tuổi nhất nhà)! Trò Ka Dung sốt cao lắm, phải tới Bệnh xá Nông trường. Cán bộ phải đưa em đi!
 
Mặc Bạp Dung khua tay, Thiên vội bước tới bế thốc cô học trò nóng rực như hòn than, mấy thầy trò huỳnh huỵch vượt gần 4 cây số đường rừng về Nông trường. Đã gần mười một giờ đêm, bác sĩ phụ trách Bệnh xá cũng ở khu tập thể trong Nông trường, may không phải ngày đi xuống đội sản xuất hấp tấp chạy đến. Sơ khám, bác sĩ gắt: - Sốt cao quá. May vẫn kịp, chậm vài giờ nữa e biến chứng! 
 
Đêm ấy, Thiên và lũ học trò lo âu quanh quẩn bên giường bệnh. Sáng sớm, Thiên xin xe đưa học trò lên Bệnh viện huyện, nhờ bác sĩ quen tận tình chăm sóc Ka Dung.
 
- Nhớ rồi! - Tay vội choàng lên bờ vai cô giáo, Thiên reo: - Ka Dung! Đã là cô giáo ư! Thầy không hay!
 
Ka Dung bối rối: - Dạ! Học xong sư phạm trên Đà Lạt, đến Nông trường báo tin thì biết thầy mới cưới vợ. Thầy nghỉ phép đưa vợ ra Bắc.  
 
Đang phấn khởi, Thiên nao lòng nén tiếng thở dài: - Ừ, thông cảm cho thầy! Sau này còn đi xa theo mấy lớp tập huấn, chuyên tu nữa! Bố mẹ em khỏe không? Đã có chàng trai nào ưng chưa? 
 
Nghe vậy, Điểu Ka Dung gục đầu xuống bờ vai Thiên, thổn thức: - Thầy ơi…!
 
- Cậu à, tớ với Điểu Ka Dung nên duyên từ bữa ấy! Đang mê mải như nuốt lấy từng lời kể trầm trầm của Thiên, tôi và nhà văn già choàng dậy, vỗ tay: - Tuyệt! Tuyệt vời!  
 
Nắm chặt bàn tay rắn rỏi của Nguyễn Thanh Thiên, tôi mừng rỡ: - Âu Cơ! Một cái kết có hậu. Câu chuyện này cánh sáng tác chúng tớ có vắt óc cũng chẳng đẻ ra nổi! 
 
Chợt chuông điện thoại di động reo, Thiên cuống quýt: - Dung à! Trời, đã chiều, bọn anh mải chuyện quên để ý. Này, chuẩn bị bữa tối. Có bạn thân xưa ở Đà Lạt xuống chơi!
 
Gương mặt ngời hạnh phúc, Thiên mỉm cười: - Bà xã gọi! Muộn rồi, ráng nghe tiếp! Nãy ta nói tập tục lấy vợ của người Mạ thoáng phải không? Trời ạ, thoáng gì mà tệ đến mức định ra lệ nếu vợ chết, người chồng được lấy em gái vợ, với điều kiện cô ta chưa có chồng hoặc chồng chết… - Trầm ngâm, anh thổ lộ: - Đêm chúng tôi gặp nhau là do Điểu Ka Dung quyết định trốn khỏi bon làng, tìm tới nữ đồng nghiệp cũng là người Mạ ở Phương Lâm. Sau khi vợ chết, hơn tháng nay, poh mi (anh rể) cô hàng ngày mang rượu thịt tới nhà bố vợ nằn nì phải được cưới Điểu Ka Dung theo luật tục. Poh mi thường tới trường, vất vưởng trong bon lè nhè khoe sẽ lấy cô giáo Ka Dung xinh nhất bon xa bon gần làm vợ… Trước áp lực của hủ tục và không thể chấp nhận tiếp dẫm lại vết chân mòn dẫn tới mông muôi, bần hàn mà bao thanh nữ người Mạ từng cam chịu, Điểu Ka Dung bỏ nhà song chưa hay tương lai thế nào!... Khuya ấy đến Phương Lâm, tôi tâm sự vội với gia đình bạn Ka Dung. Dặn dò cô an tâm ở lại, tôi hứa sẽ cùng cán bộ xã, nhà trường khuyên giải, vận động gia đình cô và poh mi xóa bỏ hủ tục. Yên chuyện, sẽ đến đón Ka Dung về trường!...  Chà… đã đến lúc chúng ta phải về thị trấn Đạ Tẻh, kẻo bà xã đợi lâu!
 
Truyện ký: NGUYỄN THANH ĐẠM