Cần giải pháp bảo tồn và trao truyền bền vững

12:12, 01/12/2018

(LĐ online) - Hội thảo do Ban Tổ chức Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 tại tỉnh Gia Lai tổ chức ngày 1/12/2018. Tham dự có nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa hoc trong và ngoài nước về cồng chiêng Tây nguyên; lãnh đạo UBND và Sở VT&DL các tỉnh Tây Nguyên; các chuyên gia, các nhà quản lý văn hóa đến từ các Cục, Vụ của Bộ VHTT&DL và các Bộ, ngành liên quan.
 

(LĐ online) - Hội thảo do Ban Tổ chức Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 tại tỉnh Gia Lai tổ chức ngày 1/12/2018. Tham dự có nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa hoc trong và ngoài nước về cồng chiêng Tây Nguyên; lãnh đạo UBND và Sở VT&DL các tỉnh Tây Nguyên; các chuyên gia, các nhà quản lý văn hóa đến từ các Cục, Vụ của Bộ VHTT&DL và các Bộ, ngành liên quan.
 
Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo nghiên cứu và trao đổi 46 bài tham luận của các nhà nghiên cứu đề cập đến những khía cạnh khác nhau của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh đưa ra quan điểm riêng về bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, trong đó có cồng chiêng Tây Nguyên. Theo ông, sau khi được UNESCO vinh danh, mỗi tỉnh Tây nguyên đều có những biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị của cồng chiêng. Tuy nhiên, do cách làm không hiệu quả, nên không hấp dẫn công chúng, nhất là với giới trẻ. Cồng chiêng có nguy cơ biến mất. Ông cũng rút ra những nguyên nhân và hiện trạng của văn hóa cồng chiêng: Đó là, không nhận thức và nhận diện đúng đắn về vai trò và giá trị của cồng chiêng trong nền văn hóa cổ truyền của đồng bào… dẫn tới làm biến thể, cải lùi, hiện đại hóa cồng chiêng, bảo tồn không bền vững…
 
Nhà nghiên cứu Linh Nga Nie Kdăm khẳng định có nhiều điều đáng tiếc trong việc giữ gìn và trao truyền di sản nhân loại Cồng chiêng chỉ có ở Việt Nam. Đó là, chưa có tìm hiểu xem vì sao gọi là cồng chiêng.Thực tế, người Tây nguyên không gọi là chiêng, mà gọi là chinh. Trong lịch sử nghệ thuật múa, âm nhạc, tiếc là không có nghệ sĩ múa, nghệ sĩ hát âm nhạc dân gian Tây Nguyên nào được nhắc tới. 
 
Dù có 13 năm được công nhận là kiệt tác di sản đại diện cho nhân loại, nhưng ảnh hưởng của cồng chiêng đối với đời sống cộng đồng còn ít lắm. Được truyền dạy, lớp trẻ rất thích, nhưng thực ra, chỉ đến khi có lễ hội, các cháu mới có cơ hội thể hiện. Và việc truyền dạy chỉ thiên về sử dụng chinh chiêng mà không truyền dạy tổng thể văn hóa dân gian (các nghi thức, bản nhạc, bài hát dân gian…). Dù vậy, sự trao truyền ở nhà thờ làm rất tốt. Bất cứ nghi lễ nào làm ở nhà thờ đều có cồng chiêng. Vì vậy, bà Linh Nga cho rằng, các cấp chính quyền nên kết hợp với nhà thờ để truyền dạy, bảo tồn di sản văn hóa đặc biệt của nhân loại chỉ có ở Việt Nam. 
 
Các nhà khoa học và quản lý văn hóa rất tha thiết với việc bảo tồn và trao truyền di sản cồng chiêng.
Các nhà khoa học và quản lý văn hóa rất tha thiết với việc bảo tồn và trao truyền di sản cồng chiêng

GS.TS. Nguyễn Chí Bền, cho biết, ông chính là người đồng chủ nhiệm xây dựng hồ sơ quốc gia đề xuất UNESCO công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Nhưng ông giới thiệu tại Hội thảo nội dung sách điện tử về không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên, gồm có 6 chương kể câu chuyện bằng 3 thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp; kết hợp 3 thể loại: ảnh, âm thanh, 3D… có thể trình chiếu ở cộng đồng và nhiều nơi khác…
 
Ông Phan Xuân Vũ - Giám đốc Sở VHTT&DL Gia Lai, đề xuất: Không mua cồng chiêng nguyên bản của bà con; phục hồi diễn xướng cồng chiêng; in ấn, phát hành các tài liệu về cồng chiêng dưới nhiều hình thức để quảng bá đến du khách; lồng ghép không gian văn hóa cồng chiêng vào nhiều mô hình du lịch, như ở Bảo tàng cà phê, sự kiện văn hóa, du lịch…
 
LÊ HOA