Học tập Bác Hồ về sáng tạo văn học nghệ thuật và báo chí

02:08, 29/08/2019

(LĐ online) - Chủ tịch Hồ Chí Minh - "Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất" đã để lại di sản tinh thần cao quý về Văn học, Nghệ thuật (VHNT) và Báo chí. Tư tưởng của Người, thể hiện rõ nét trong sáng tạo, trong quan điểm xây dựng nền VHNT và Báo chí cách mạng Việt Nam. 

(LĐ online) - Chủ tịch Hồ Chí Minh - “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất” đã để lại di sản tinh thần cao quý về Văn học, Nghệ thuật (VHNT) và Báo chí. Tư tưởng của Người, thể hiện rõ nét trong sáng tạo, trong quan điểm xây dựng nền VHNT và Báo chí cách mạng Việt Nam. 
 
Vũ điệu cồng chiêng Lâm Đồng
Vũ điệu cồng chiêng Lâm Đồng
 
Đối với VHNT, Bác định hướng “Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng, phải không ngừng sáng tạo tác phẩm hay, lay động lòng người”. 
 
Thực vậy, Bác Hồ khẳng định: “Văn hóa, Nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. VHNT là vũ khí, để văn nghệ sĩ - chiến sĩ sử dụng trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Ngay từ đầu thập niên 20 thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã sáng tác thơ, văn, ký họa để bênh vực người dân bị áp bức và các dân tộc thuộc địa. Trong tập thơ “Nhật ký trong tù”, Bác viết: “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Hai câu thơ của Người, phản ánh ý chí của văn nghệ sĩ trong cuộc đấu tranh giữa văn minh và tàn bạo, giữa chính nghĩa và phi nghĩa. Người kêu gọi: “Dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do, thì phải tham gia cách mạng”. Tư tưởng Bác Hồ về VHNT, có nguồn cội từ những áng thơ văn bất hủ của những anh hùng dân tộc như Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Trần Thái Tông… 
 
Khát vọng tự do và tinh thần chiến đấu kiên cường giành độc lập cho Tổ quốc, thể hiện đậm nét trong những câu thơ, khi Người bị tù đày trong nhà giam của Tưởng Giới Thạch: “Thà chết chẳng cam nô lệ mãi/ Tung bay cờ nghĩa khắp trăm miền/ Xót mình giam hãm trong tù ngục/ Chưa được xông pha giữa trận tiền”. Đọc tác phẩm của Bác, ta cảm nhận sự rung động, thẩm mỹ cao đẹp và tinh thần lạc quan cách mạng: “Hai mươi tư tháng sáu/ Lên ngọn núi này chơi/ Ngẩng đầu mặt trời đỏ/ Bên suối một nhành mai”. 
 
Là người cầm bút, Bác Hồ thấu hiểu văn nghệ sĩ luôn có nhu cầu sáng tác, làm việc hết mình, như con tằm nhả tơ để sáng tạo tác phẩm mới. Tư tưởng, tình cảm của văn nghệ sĩ muốn giao lưu, phục vụ công chúng và chia sẻ với chính mình. Vì vậy, Bác Hồ đòi hỏi văn nghệ sĩ phải sáng tạo những: “Tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng, vui tươi hấp dẫn, khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì bổ ích”. Đó là những tác phẩm: văn, thơ, nhạc, họa, nhiếp ảnh, điện ảnh, sân khấu, kiến trúc… “Món ăn tinh thần” không thể thiếu của Nhân dân. 
 
Bác Hồ cho rằng, văn nghệ sĩ vừa phải biết “mơ mộng”, vừa phải thấu hiểu, nhận thức đúng và cải tạo cuộc sống tốt đẹp hơn, không “tô hồng” hay “bôi đen” hiện thực. Muốn vậy, văn nghệ sĩ phải có thế giới quan khoa học, nắm bắt được tình cảm, nguyện vọng của Nhân dân và quan điểm đường lối của Đảng. 
 
Ngày nay, nhân loại đang nhận thức đầy đủ về vai trò của VHNT trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc. Tiếp thu tư tưởng Hồ Chí Minh về VHNT, nhiều thập niên qua Đảng ta đã có những chủ trương, đường lối đúng đắn, soi đường cho sự nghiệp VHNT phát triển. Những chủ trương đó, được thể chế hóa qua các nghị định, quyết định của Nhà nước. Bộ Chính trị, đã ra Nghị quyết số 23 “Về tiếp tục xây dựng và phát triển Văn học, Nghệ thuật trong tình hình mới”. Nghị quyết khẳng định, VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt nhạy cảm của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ của con người, là động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. 
 
Trong thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, VHNT nước ta đứng trước những thời cơ, vận hội lớn và những thách thức mới rất gay gắt. Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, thể hiện ý chí của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, quyết tâm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, VHNT là một bộ phận rất quan trọng. 
 
Thực tế chứng minh, trải qua gần 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ văn nghệ sĩ, báo chí nước nhà - những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, luôn đồng hành cùng dân tộc, có nhiều hy sinh, đóng góp to lớn vào sự nghiệp giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Với bản lĩnh ấy, văn hóa nói chung, VHNT và báo chí nói riêng thực sự đã “Soi đường cho quốc dân đi”.   
 
Múa sạp
Múa sạp
 
Đối với Báo chí, Bác Hồ dạy: “Viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào?”. 
 
Đó là, viết cho Nhân dân, phục vụ Nhân dân, vì sự nghiệp cách mạng của Nhân dân. Không chỉ sử dụng báo chí là công cụ sắc bén, Bác Hồ còn trực tiếp làm báo. Theo Bác: “Viết ngắn gọn có nghĩa là gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn”. Vì lẽ đó, viết báo không ngoài mục đích tôn vinh cái đẹp, phê phán cái xấu, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Còn “Viết như thế nào”, thì mỗi tác phẩm báo chí phải có cách thể hiện phù hợp, nhưng tính chân thực, chính xác, kịp thời là yếu tố hàng đầu, để hấp dẫn công chúng và bạn đọc. 
 
Qua tìm hiểu được biết, Bác Hồ đã viết hơn 2.000 bài báo, 276 bài thơ, hơn 500 trang truyện và ký, với gần 200 bút danh. Bác đã để lại cho nền Báo chí cách mạng Việt Nam nhiều bài học lớn về nghề nghiệp. Đội ngũ báo chí nước nhà, luôn thấm nhuần và đang làm theo, phong cách làm báo của Bác là chân thật, ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu, hấp dẫn. Trong quá trình làm báo, Bác Hồ luôn đề cao tính chính xác và tính chân thật. Mỗi bài viết của Bác, đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc cẩn thận. Vì vậy, những bài báo của Bác có sức thuyết phục cao, hấp dẫn, đem lại cho người đọc lượng thông tin cao và chính xác. Học tập Bác, nhằm khắc phục hiện tượng viết báo không chính xác, thổi phồng sự kiện, “câu khách rẻ tiền”, ảnh hưởng uy tín nhà báo, tờ báo và tạp chí của mình.  
 
Học tập, làm theo tư tưởng Bác Hồ về sáng tạo VHNT và báo chí, những năm qua Hội VHNT Lâm Đồng và giới văn nghệ sĩ trong tỉnh đã sáng tạo, công bố hàng ngàn tác phẩm (văn, thơ, nhạc, họa, nhiếp ảnh, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc…) ngợi ca đất nước, con người Lâm Đồng đang đổi mới, hội nhập và phát triển. Trong đó, có hàng trăm tác phẩm xuất sắc, đoạt giải thưởng cao trong các cuộc thi VHNT, báo chí khu vực, trong nước và quốc tế. Đặc biệt, chuyên ngành Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Mỹ thuật… đã mang về nhiều Huy chương Vàng, Bạc, Đồng. Đây là, niềm tự hào của Nhân dân và giới văn nghệ sĩ tỉnh nhà. 
 
Để có được thành quả ấy, bên cạnh sự quan tâm, định hướng, chăm lo đội ngũ văn nghệ sĩ của lãnh đạo tỉnh, Hội VHNT Lâm Đồng luôn bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để chỉ đạo, hướng dẫn các Chi hội chuyên ngành và hội viên, bám sát hiện thực đời sống để phản ánh. Hàng năm, Hội VHNT phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh, tổ chức tốt các lớp quán triệt Nghị quyết của Đảng cho hội viên. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, mở nhiều Trại sáng tác VHNT gắn với các địa phương, doanh nghiệp và ngành, tổ chức các Cuộc thi VHNT... Do vậy, tác phẩm VHNT đã gắn với cuộc sống, phản ánh sinh động những vấn đề lớn mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Lâm Đồng đang phấn đấu thực hiện, như: Phong trào xây dựng Nông thôn mới; Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Phát triển kinh tế du lịch; Phát triển văn hóa - giáo dục, an sinh xã hội; Tuyên truyền, quảng bá điển hình, nhân tố mới trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... Đồng thời, cũng có những tác phẩm phản ánh những vấn đề bất cập trong xã hội, những biểu hiện quan liêu, tham nhũng, xa hoa, lãng phí, lợi ích nhóm; kiên quyết đấu tranh với những quan điểm, luận điệu sai trái, phản động trên lĩnh vực VHNT, chống phá xuyên tạc mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ, Đảng ta và Nhân dân ta đã lựa chọn. 
 
Học tập, làm theo Bác Hồ về sáng tạo VHNT và Báo chí, là học tập suốt đời. Mỗi văn nghệ sĩ, nhà báo ở Lâm Đồng cần không ngừng học tập chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, để nâng cao bản lĩnh chính trị và kỹ năng nghề nghiệp. Luôn nuôi dưỡng niềm đam mê, tính sáng tạo, làm tốt nghĩa vụ công dân và trách nhiệm văn nghệ sĩ - nhà báo. Thông qua tác phẩm VHNT và Báo chí có nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật cao, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, “Vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vì quê hương Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững. 
 
Sản xuất gạch ở Di Linh
Sản xuất gạch ở Di Linh
 
HÀ HỮU NẾT