Từ những nỗ lực thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông

09:08, 17/08/2015

Nhằm cải cách thủ tục hành chính, liên tục trong nhiều năm qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ban ngành, địa phương thực hiện những công việc cần thiết trong giải quyết các vấn đề thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan nhà nước. 

Nhằm cải cách thủ tục hành chính, liên tục trong nhiều năm qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ban ngành, địa phương thực hiện những công việc cần thiết trong giải quyết các vấn đề thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan nhà nước. Đặc biệt ngày 30/6/2014, UBND tỉnh đã ra quyết định ban hành đề án “Đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng việc giải quyết thủ tục hành chính.
 
Một cửa liên thông tại UBND phường 9, Đà Lạt
Một cửa liên thông tại UBND phường 9, Đà Lạt

Trước hết, trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, có thể nhìn thấy rõ sự nỗ lực của chính quyền tỉnh thông qua những văn bản tiêu biểu qua các năm với những nội dung cụ thể như: Năm 2011, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện việc rà soát các quy định hành chính, thủ tục hành chính tại 11 văn bản do UBND tỉnh ban hành. Năm 2012, UBND tỉnh tiếp tục ban hành văn bản đề ra 18 nhóm thủ tục hành chính và giao cho 16 sở, ngành, UBND cấp huyện và xã rà soát và đưa ra kiến nghị nhằm đơn giải hóa thủ tục hành chính. Tiếp đến, năm 2013, UBND tỉnh đã ban hành văn bản về việc thực hiện nhiệm vụ rà soát các quy định, các thủ tục hành chính và đồng thời đề ra 19 nhóm thủ tục hành chính của 19 sở, ngành phải thực hiện rà soát, kiến nghị đơn giản hóa... Và, đến năm 2014 vừa qua, như trên vừa nêu, UBND tỉnh đã có quyết định ban hành đề án đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
 
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, đến thời điểm hiện tại, cơ chế một cửa và một cửa liên thông đã được triển khai thực hiện tại 100% cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh với 19/19 sở, ban, ngành; 12/12 huyện, thành phố; và 147/147 xã, phường, thị trấn. UBND tỉnh đánh giá: “Trong quá trình thực hiện, đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông như: Tổ chức, bố trí công chức của bộ phận một cửa; cơ chế phối hợp thực hiện thủ tục hành chính, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính liên thông; lộ trình đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin...”. Điều đáng ghi nhận đầu tiên cần được nhắc đến là: Các sở, ngành và địa phương trong tỉnh đã chủ động rà soát, đề xuất điều chỉnh, mở rộng các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo Bộ Thủ tục hành chính đã được UBND tỉnh công bố; gắn việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy trình thủ tục hành chính với việc triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Đến nay, đối với cấp sở, đã thực hiện được 100% các thủ tục hành chính đã công bố (1.138 thủ tục); đối với cấp huyện, đơn vị có số lượng thủ tục hành chính được thực hiện tại bộ phận một cửa cao nhất là Bảo Lộc (thực hiện 100% thủ tục hành chính đã công bố với 254 thủ tục) và đơn vị thực hiện thấp nhất là Đạ Tẻh (48 thủ tục); đối với cấp xã, các xã thuộc Bảo Lộc và Đà Lạt đã đưa vào thực hiện 100% thủ tục hành chính (145 thủ tục) và nhóm thực hiện thấp nhất là 7 xã thuộc huyện Bảo Lâm (13/145 thủ tục).
 
Điều đáng ghi nhận khác: Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã được thường xuyên củng cố và tăng cường; cơ sở vật chất và trang thiết bị làm việc tại bộ phận một cửa đã được quan tâm đầu tư, trang bị một cách đáng kể. Đặc biệt là từ tháng 1.2015 đến nay, các đơn vị cấp sở và ngành của tỉnh đã được tập trung vào làm việc tại Trung tâm Hành chính tỉnh; bộ phận một cửa của các đơn vị cũng từ đó được tập trung vào một khu vực trong Trung tâm nên càng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư... đến liên hệ giao dịch giải quyết công việc. Đối với cấp huyện, đến nay, đã có 11/12 huyện và thành phố đạt chuẩn về diện tích và trang thiết bị của bộ phận một cửa theo quy định. Cũng theo số liệu thống kê của UBND tỉnh, tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông từ 2011 đến hết quý I năm 2015 là 1.380.868 hồ sơ; đã giải quyết 1.367.236 hồ sơ (trong đó, giải quyết đúng hạn 1.355.596 hồ sơ, quá hạn 11.640 hồ sơ) và chưa giải quyết 13.632 hồ sơ. Trong tổng số hồ sơ tiếp nhận, cấp sở tiếp nhận 259.086 hồ sơ, đã giải quyết 258.246 hồ sơ; cấp huyện tiếp nhận 1.121.782 hồ sơ, đã giải quyết 1.108.900 hồ sơ.
 
Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông của tỉnh Lâm Đồng trong những năm qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cũng qua đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế: Việc công bố, công khai thủ tục hành chính của các bộ, ngành trung ương còn chậm, chưa đầy đủ; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thủ tục hành chính thường xuyên thay đổi nên dẫn đến việc công bố thủ tục hành chính của tỉnh chưa kịp thời, nhất là một số lĩnh vực thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, cấp xã. Cùng đó, nhiệm vụ rà soát, xây dựng phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính chưa được đại bộ phận cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện; chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, thay thế các quy định thủ tục hành chính không còn phù hợp. Và, bên cạnh đó là cơ sở vật chất của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở nhiều đơn vị cấp xã còn thiếu thốn, khó khăn (hiện cả tỉnh chỉ mới có 62/147 xã đạt chuẩn về diện tích của bộ phận một cửa)...
 
Khắc Dũng