Sức trẻ ở Trường Sa (tiếp theo)

08:01, 20/01/2016

Sinh ra tại quê hương xứ Nghệ, nhưng cái duyên với biển đảo đã đưa chàng trai sinh năm 1978, Trung úy Hồ Trọng Công đến gắn bó lâu dài tại Cam Ranh - Khánh Hòa và vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

[links()] Bài 2: Tình đồng chí
 
Sinh ra tại quê hương xứ Nghệ, nhưng cái duyên với biển đảo đã đưa chàng trai sinh năm 1978, Trung úy Hồ Trọng Công đến gắn bó lâu dài tại Cam Ranh - Khánh Hòa và vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trung úy Hồ Trọng Công đã từng tốt nghiệp Trường Trung cấp nghề cơ khí ở Hà Nội, sau đó tiếp tục thi vào Trường Hạ sỹ quan xe tăng I ở Đồng Nai. Cuối năm 2007, anh chính thức công tác tại Lữ đoàn 146, thuộc Vùng 4 Hải quân. Và trong 7 năm qua, anh đã có gần 5 năm công tác tại đảo; từ Sinh Tồn Đông, Tốc Tan, An Bang và hai năm qua là Sơn Ca.
 
Trung úy Hồ Trọng Công
Trung úy Hồ Trọng Công
Không chỉ có anh em chiến sỹ, đồng đội mà cả chỉ huy Cụm chiến đấu 1 cũng như chỉ huy đảo Sơn Ca đều nhận định Trung úy Hồ Trọng Công không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn rất hòa đồng và có kỷ luật. Còn với Trung úy Công, anh chỉ nói rằng: “Mình là người đi trước, được thực hành ở nhiều đơn vị khác nhau nên có kinh nghiệm hơn anh em mới vào thôi. Và muốn làm tốt nhiệm vụ, nhất là công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, mỗi cán bộ, chiến sỹ phải nắm thật chắc lý thuyết, đồng thời vận dụng thêm những kinh nghiệm thực tế cũng như kinh nghiệm từ đồng chí đồng đội, nhất là những người đi trước”. Trải qua mỗi đơn vị công tác, anh lại cố gắng tích lũy thêm kinh nghiệm, nên “cuốn sổ” tích lũy của anh cứ thế mà dày lên. 
 
Hiện Trung úy Hồ Trọng Công có thể sử dụng thành thạo hơn 90% vũ khí các loại trên đảo. “Những ngày đầu khi thao tác với súng bắn đạn thật, tôi rất lo lắng vì khi ấy còn là tân binh. Chính đồng đội đã giúp đỡ tôi nắm vững kiến thức chuyên môn để tự tin sử dụng các loại vũ khí và vượt qua nhiều khó khăn khác trong đời quân ngũ”, Trung úy Công nói. Anh vẫn còn nhớ cảm giác của ngày đầu mang áo lính, có những khi mệt, đói và buồn ngủ vô cùng, và đôi khi chỉ thèm bát canh cua mẹ nấu ăn kèm với cà muối. Trung úy Công bồi hồi nhớ lại: “Lúc ấy anh em cứ động viên “Cố lên em, rồi sẽ quen cơm lính ngay thôi. Thoáng cái sẽ được về nghỉ phép thôi mà, tha hồ mà ăn cơm mẹ nấu. Cùng những lời động viên đó, tôi đã dần vượt qua và trưởng thành hơn trong môi trường quân đội. Nên giờ đây tôi hiểu và chia sẻ với anh em hạ sỹ quan, chiến sỹ trẻ”.
 
Binh nhì Lê Hồng Phúc vẫn nhớ như in kíp xe đầu tiên trong đời khi thực hiện với Trung úy Công. Khi đó, Phúc chưa có kiến thức chuyên môn. Trung úy Công hướng dẫn em những kiến thức đầu tiên về tiêu chí an toàn, sau đó mới giới thiệu những nét cơ bản ban đầu để em hiểu và làm quen với phương tiện. Và những chuỗi ngày dài sau đó, Trung úy Công vừa huấn luyện vừa hướng dẫn, Phúc và các chiến sỹ mới thuần thục. Còn binh nhất Nguyễn Văn Hiếu vẫn chưa quên kỷ niệm khi “lần đầu sử dụng vũ khí bắn đạn thật, do tâm lý căng thẳng và lo lắng nên đã thao tác sai. Lúc đó, tôi rất hoảng sợ, mồ hôi đầm đìa, cả người lạnh toát, tay run và chưa biết phải xử lý thế nào. Hôm đó, tôi cùng kíp huấn luyện với Trung úy Công, anh đã động viên tôi bình tĩnh và điện lên cấp trên báo cáo phương án xử lý. Khi anh Công xử lý thành công, hai anh em cười xòa, tôi thì thở phào nhẹ nhõm và có kỷ niệm đáng nhớ sau này chăm chỉ luyện tập để không còn thao tác sai nữa”.
 
Không chỉ trong học tập, huấn luyện, mà trong sinh hoạt hàng ngày, Trung úy Công cũng luôn muốn chia sẻ nhiều cùng đồng đội. Anh nói: “Mình có vợ con sống ở Cam Ranh nên mỗi lần tàu ra - vào, vợ mình cũng tranh thủ gửi cho chồng ít đồ ăn, ít chanh tươi hay hoa quả. Nhiều anh em lính trẻ chưa có gia đình hay bố mẹ ở xa tận ngoài Bắc hay trong Nam nên mỗi lần có quà “vợ gửi” và chia sẻ với anh em, ai cũng cảm nhận được chút tình cảm mang hơi ấm từ đất liền”.
 
Đại úy Lê Hải Bằng - Chính trị viên Cụm chiến đấu 1 đảo Sơn Ca đánh giá: “Đồng chí Công là đảng viên, quân nhân tiêu biểu ở Cụm chiến đấu 1, đồng thời là chiến sỹ thi đua của đơn vị. Không chỉ là người gương mẫu trong lối sống, đồng chí còn đi đầu trong thực hiện mọi nhiệm vụ, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Thường xuyên động viên, giúp đỡ, chỉ bảo kinh nghiệm cho các hạ sỹ quan, chiến sỹ mới ra đảo nhận nhiệm vụ. Đặc biệt, trong những lần bắn đạn thật, đồng chí Công là người anh, người bạn và cả người thầy giúp các chiến sỹ mới thêm kiến thức, thêm tự tin để thực hiện hiệu quả và an toàn”.
 
Xuân này với Trung úy Công đặc biệt hơn 12 xuân qua bởi anh sẽ đón Tết cùng gia đình. Đã 12 năm rồi anh tình nguyện nhường phép dịp Tết cho đồng đội. Giữ gìn biển trời thiêng liêng không chỉ là nhiệm vụ mà còn là tình yêu sâu nặng với những người chiến sỹ; biển bình yên là mùa xuân gõ cửa...      
 
(Còn nữa)
 
NGỌC NGÀ