Chuyển mình như dòng nước chảy mạnh

09:09, 13/09/2016

Đạ Sar - nơi có câu chuyện về những nông dân người Cil đã chế tạo thành công máy lẩy bắp; hiến đất có cà phê đã cho thu hoạch để làm đường nông thôn mới… Những con người ấy từng ngày chăm chỉ làm ăn, thay đổi cuộc sống của buôn làng.

Đạ Sar - nơi có câu chuyện về những nông dân người Cil đã chế tạo thành công máy lẩy bắp; hiến đất có cà phê đã cho thu hoạch để làm đường nông thôn mới… Những con người ấy từng ngày chăm chỉ làm ăn, thay đổi cuộc sống của buôn làng.
 
Một góc Đạ Sar
Một góc Đạ Sar
Không trông chờ ỷ lại
 
Đạ Sar là xã nằm giáp ranh với thành phố Đà Lạt với khoảng 95% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). 
 
Trên địa phận thôn 6, xã Đạ Sar, xuất hiện một con đường lớn kéo dài lên tận đỉnh đồi cà phê nằm sát bên đường. Đây là con đường bê tông lớn hẳn hoi - con đường nông thôn mới. Đường do bà con trong thôn tự hiến đất, góp công xây dựng. Gia đình anh Liêng Jrang Ha Than ở thôn 4 nhưng dựng nhà tạm sống trên đất thôn 6 vì gia đình anh có gần 7 sào đất sản xuất ở nơi này. Trong cuộc vận động người dân chung sức làm đường giao thông nông thôn, gia đình anh Ha Than đã tự nguyện hiến 2 sào đất trồng cà phê đã đến kỳ cho quả, dù hiện tại, giá đất ở xã Đạ Sar cao hơn nhiều so với 4 xã thuộc thành phố Đà Lạt, diện tích ấy tính ra cũng phải ngót nghét 400 triệu đồng. Tôi buột miệng đặt ra câu hỏi cho anh, liệu có tiếc nuối không khi cho đi diện tích đất tương đương với khoản tiền lớn như vậy? Ha Than chỉ mỉm cười. Còn vợ anh - chị Rê Ni, với nỗi lo toan vốn có của người phụ nữ, chị nói “mình tiếc chứ, nhưng không hiến đất thì làm sao có đường đi. Mùa mưa về, vợ chồng mình và cả bà con đi vào rẫy lầy lội. Xe không vào được lại phải vác từng bao cà phê ra đường lớn. Con cái mình tới trường quần áo cũng lấm lem”. Thấy gia đình anh Ha Than hiến số đất làm đường lớn, bà con các thôn khác trong xã tự nguyện đóng góp được 70 triệu đồng, ngân sách xã ủng hộ thêm 30 triệu đồng hỗ trợ gia đình anh Ha Than. “Mình vì bà con rồi bà con cũng yêu thương đùm bọc mình đấy thôi” - chị Rê Ni cười, khẳng định.
 
Hàng năm, nguồn vốn nhà nước đầu tư giảm nghèo và hỗ trợ sản xuất cho bà con ở Đạ Sar là gần 1 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, các nguồn vốn 135, vốn hỗ trợ vùng đệm Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà được lồng ghép cũng tạo “động lực” giúp người dân Đạ Sar giảm nghèo. Năm 2008, xã có 186 hộ nghèo, cuối 2012 chỉ còn 57 hộ, chiếm 6,08% và 21 hộ cận nghèo, tỷ lệ 4,21%. Tại đây có mức giảm nghèo chung so với năm 2011 cao nhất huyện Lạc Dương với 47,22%; đạt 113% chỉ tiêu giao. Tính theo tiêu chí hộ nghèo mới, hiện Đạ Sar có 136 hộ nghèo, chiếm 14,1%. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2010 đạt 10,2 triệu đồng/người/năm, thì đến cuối năm 2015 đạt 30 triệu đồng/người/năm.

Ông Bùi Quốc Huân - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Sar nói “Trước đây, khi thực hiện bất kỳ một công trình đầu tư cơ sở hạ tầng nào, nhà nước cũng phải đầu tư 100% hoặc đối ứng phần lớn. Tuy nhiên hiện nay, tư duy của bà con đã thay đổi. Họ chủ động trong việc tham gia cùng chính quyền địa phương xây dựng đời sống mới”.

Con đường nằm trên thôn 3 dài 235 m cũng được xây dựng từ việc bà con tự nguyện hiến đất, góp công. Trong vòng một buổi sáng, gần 200 người dân thôn 3 và các thôn khác cùng chung tay thực hiện và hoàn thành con đường. Có mặt tại xã Đạ Sar thời điểm đó, nhiều cán bộ huyện Lạc Dương khẳng định “Đây mới đúng là tinh thần nông thôn mới”. 
 
Chúng tôi có dịp gặp ông Kra Jăn Ha Đời (71 tuổi), người đã có 30 tuổi Đảng, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Đạ Sar và biết rằng “cái tên Đạ Sar của vùng đất này nghĩa là dòng nước chảy mạnh”. Vị nguyên bí thư này cũng là người đưa ra quyết định được xem là “táo bạo” đối với những vùng có đông người đồng bào DTTS rằng không nhận hỗ trợ từ các đoàn từ thiện, ngoại trừ các suất học bổng và nhà tình thương từ những năm 1990. Ông nói: “Từ thiện là việc tốt, nhưng đôi khi nó lại làm cho một vài bà con có tâm lý lười lao động. Bà con mình cũng có sức khỏe, khát vọng sống, lại được thiên nhiên ban tặng đất đai trù phú, màu mỡ; nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ. Bởi thế bà con mình cần tự làm ra cái ăn, cái mặc, tuyệt đối không được trông chờ ỷ lại”. Cũng từ bấy đến nay, các thế hệ cán bộ kế cận như Bí thư Bùi Quốc Huân vẫn tiếp tục duy trì việc này và khuyến khích bà con chăm lo lao động sản xuất. “Muốn gặp được người dân Đạ Sar phải tới vào cuối tuần bởi ngày thường bà con đi rẫy, ra vườn hết” - Đó là nhận xét của hầu hết cán bộ Ngân hàng CSXH chi nhánh huyện Lạc Dương. 
 
Đạ Sar hiện có hơn 25 ngàn ha đất tự nhiên, trong đó có gần 1,4 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp. Năm 2016, Huyện Lạc Dương đặt ra chỉ tiêu cho Đạ Sar có 20 hộ đồng bào DTTS thực hiện thí điểm chuyển đổi cây trồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, toàn xã đã có 81 hộ đồng bào DTTS chuyển đổi 21,5 ha trồng rau và atiso. Trong số đó có 18 hộ liên kết với HTX Anh Đào để được cung ứng giống, đầu ra và chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất. 
 
Người dân Đạ Sar sản xuất rau thương phẩm
Người dân Đạ Sar sản xuất rau thương phẩm
Cuộc sống đổi thay
 
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Kra Jăn Ha Đời vẫn nhắc lại những cái tên của các đồng nghiệp phóng viên Báo Lâm Đồng đã đến với Đạ Sar nhiều năm trước đây. Đó là thời điểm xứ này còn những con đường đất, những ngôi nhà lụp xụp, những ánh đèn dầu mờ mờ và cả những mùa đói giáp hạt triền miên. Mùa mưa, muốn đi vào tận thôn chỉ còn cách đi bộ. Để rồi bây giờ, đi gần hết cuộc đời, nhìn lại mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn, nơi ông đã dành một phần tuổi trẻ để dựng xây, vị nguyên bí thư xã khẳng định “Bây giờ Đạ Sar đã phát triển hơn nhiều rồi”.
 
Sự phát triển ấy đã được công nhận trong chính tấm lòng của mỗi người dân nơi này. Tuổi thơ anh Ha Than, chị Rê Ni và bao người con khác trên mảnh đất này là những chuỗi ngày quẩn quanh với rẫy, với rừng để đánh vật với cái đói. Có những đứa trẻ vừa lớn đã theo cha mẹ vào bãi thiếc, bãi vàng. “Cha ông mình di cư nay đây, mai đó, phá rừng cạnh bờ suối để trỉa bắp, trỉa mỳ nên cứ đói nghèo mãi thôi. Bây giờ khác rồi, không còn nhà nào đói nữa, ai cũng chăm chỉ làm ăn để có thêm tích trữ. Mình không được đi học nên mình khổ, bởi vậy gia đình nào cũng cố gắng cho con đi học. Được học, được đi ra ngoài tìm hiểu nên mới có người Cil ở Đạ Sar lấy người ở Di Linh, ở Đam Rông chứ”, Rê Ni chân thành!
 
Từ tỉnh lộ 723 rẽ vào trung tâm xã Đạ Sar, có ngã 3 mà bà con nơi đây vẫn quen gọi là ngã ba Vị Đắng. Vị Đắng là tên quán cà phê nhỏ của già Ha Tang đặt ở nơi này. Nhắc tới già làng của các buôn, làng ở khu vực Tây Nguyên, nhiều người sẽ nghĩ tới những cụ già râu tóc bạc, mặc quần áo truyền thống, cầm tẩu thuốc ngồi bên bậc cửa nhìn xa xăm. Ha Tang thì khác! Ông vẫn nhanh nhẹn cùng vợ và con dâu phục vụ khách ghé lại trong quán nhỏ của mình. Nhìn ra cái ngã 3 quen thuộc với những cửa hàng tạp hóa rộng lớn, xe cộ đi lại tấp nập, già nói: “ Những bản sắc, truyền thống văn hóa của cha ông, mình có trách nhiệm giữ gìn và truyền lại cho con cháu. Bên cạnh đó, phải tiếp thu thêm cái mới, cái hay, học thêm khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế”. Già làng Ha Tang là người sáng chế ra chiếc máy lẩy bắp có khả năng lẩy được 1,2 tấn bắp/giờ. Vụ bắp này, chiếc máy của già di chuyển khắp buôn, làng ở xã Đạ Sar để phục vụ bà con.
 
 Mùa này, những chiếc máy cày vẫn đang “chở” những người nông dân vào vườn, một số bà con khác đang xây dựng sân xi măng trước nhà văn hóa thôn... và xe cộ nhộn nhịp ở nơi đang chuyển mình như dòng nước chảy mạnh...
 
NGỌC NGÀ