Mỹ thuật truyền tải cái đẹp đến học sinh

09:09, 07/09/2016

Mỗi ngày đến lớp với cô giáo Nguyễn Thị Xuân Ánh - giáo viên dạy mỹ thuật Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi - Đạ Tẻh là một niềm vui với tâm niệm rằng cô đang dạy cái đẹp cho học trò.

Cô giáo Nguyễn Thị Xuân Ánh
Cô giáo Nguyễn Thị Xuân Ánh
Mỗi ngày đến lớp với cô giáo Nguyễn Thị Xuân Ánh - giáo viên dạy mỹ thuật Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi - Đạ Tẻh là một niềm vui với tâm niệm rằng cô đang dạy cái đẹp cho học trò.
 
Sinh năm 1964, quê ở cố đô Huế, cô giáo Nguyễn Thị Xuân Ánh theo gia đình vào vùng kinh tế mới Đạ Tẻh lập nghiệp năm 1979. Đó là những năm đất nước khó khăn sau ngày thống nhất, nơi gia đình cô lập nghiệp ở Đạ Tẻh là vùng đất nghèo Đạ Lây - xã nằm giáp giới trên đường từ Đạ Tẻh vào Cát Tiên. Đạ Lây hôm nay đã là xóm làng tươi đẹp với các cộng đồng Huế làm nên một bản sắc rất riêng ở đất mới Đạ Tẻh.
 
Là một cô gái Huế giỏi thêu thùa, khéo tay, cô thích mỹ thuật từ nhỏ. Học xong cấp ba (THPT ngày nay), cô thi vào Cao đẳng Mỹ thuật rồi sau đó lại tiếp tục học tiếp bậc đại học tại Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp năm 1990, cô về dạy Mỹ thuật cho Trường THCS và THPT Đạ Tẻh, năm 1996, cô chuyển sang Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi ở ngay thị trấn Đạ Tẻh và công tác tại đây từ đó đến nay. Dù sau này cô còn theo học và tốt nghiệp Đại học Sư phạm Toán nhưng cô vẫn thích Mỹ thuật và vẫn dạy môn học này cho học sinh đến nay.
 
Với cô Ánh, dạy Mỹ thuật là truyền tải cái đẹp cho học sinh để học sinh biết cảm thụ sâu hơn về cái đẹp, biết phát hiện ra cái đẹp trong cuộc sống. Đó không chỉ là những hình khối, tỷ lệ, màu sắc trên giá vẽ và tập vở; đó còn là kỹ năng nhận biết và nắm bắt được cái đẹp quanh mình hằng ngày. Giáo dục suy cho cùng theo cô là đào tạo ra những con người toàn diện, không chỉ là văn hóa, đạo đức, phát triển thể chất mà còn là những con người có thẩm mỹ, biết hướng đến cái đẹp trong cuộc sống. 
 
Chính vì vậy, như cô nói, trong cô chưa bao giờ thấy mặc cảm mình đang dạy một môn phụ, một môn học “vô thưởng vô phạt” trong trường. “Tôi có bằng Sư phạm Toán, nếu muốn tôi có thể đề nghị chuyển sang dạy Toán từ lâu nhưng thực sự trong tôi vẫn yêu và thích dạy Mỹ thuật cho các em”. Cô không chỉ dạy học sinh vẽ mà còn dạy cho các em biết cách ứng dụng mỹ thuật trong cuộc sống, chẳng hạn như chuyện ăn mặc. “Dạy cho các em biết cách mặc sao cho đẹp, phù hợp với lứa tuổi học trò của các em trong môi trường vùng huyện, đừng ăn mặc quá lố, kệch cỡm” - cô nói. Trong ăn nói, đó là việc dùng từ ngữ trong sáng, đúng chỗ, đúng lúc; trong cuộc sống thường nhật là việc bố trí phòng ốc, nhà cửa hợp lý và thẩm mỹ… 
 
Học trò vùng huyện theo cô Ánh, rất dễ thương, ngoan, hiền, dễ dạy và rất tình cảm. Nhiều năm đi dạy, cô có nhiều học trò trong vùng quí mến, nhiều em sau này cũng lại trở thành giáo viên Mỹ thuật như cô, có em thi vào trường Kiến trúc và nay là kiến trúc sư. “Dạy các em từ nhỏ, chứng kiến sự trưởng thành của các em chính là một niềm vui của người đi dạy” - cô nói. 
 
Trong đời thường, cô Ánh còn là một người vợ hiền, một người mẹ chu đáo. Chồng cô, cũng làm trong ngành Giáo dục, bị tai biến, cô đã đưa chồng đi chạy chữa khắp nơi, cô tự học cách chăm sóc chồng từng ly từng tí; đến nay sau 4 năm, bệnh tình chồng cô đã dần từng bước hồi phục. Cô có 2 con, con trai là kỹ sư xây dựng; cô con gái theo nghề giáo viên của mẹ, đang học Đại học Sư phạm tiếng Anh tại TP Hồ Chí Minh.
Theo cô giáo Hồ Thị Thọ - Hiệu phó Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, cô Ánh là điển hình về chịu khó học tập, nỗ lực vươn lên đạt chuẩn và vượt chuẩn đào tạo của trường; luôn mẫu mực trong công tác, có nhiều đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của trường, được đồng nghiệp quí mến, học trò thương yêu, là tấm gương cho giáo viên trẻ trong trường học tập. 
 
Nhưng với cô Ánh, mỗi ngày được đi dạy đơn giản là một niềm vui, được tiếp xúc với đồng nghiệp, biết là học trò đang chờ đợi mình. “Nếu được chọn lại tôi vẫn thích nghề đi dạy” - cô cười.
 
Gia Khánh