Cô Lợi ở Rô Men

08:10, 26/10/2016

Giữa bộn bề cuộc sống, vật lộn với áo cơm thường nhật, tôi cũng như nhiều người khác thường lợn cợn câu hỏi, liệu lòng tốt và sự bao dung, sẻ chia có còn tồn tại không nhỉ (?!). Có một người phụ nữ quê, hồn hậu, sống nơi xóm nhỏ nghèo Rô Men (Đam Rông) đã làm cho những ngờ vực, hồ nghi ấy trong tôi tan biến. 

Giữa bộn bề cuộc sống, vật lộn với áo cơm thường nhật, tôi cũng như nhiều người khác thường lợn cợn câu hỏi, liệu lòng tốt và sự bao dung, sẻ chia có còn tồn tại không nhỉ (?!). Có một người phụ nữ quê, hồn hậu, sống nơi xóm nhỏ nghèo Rô Men (Đam Rông) đã làm cho những ngờ vực, hồ nghi ấy trong tôi tan biến. 
 
Cô Lợi, người đã mang lại cuộc sống mới cho bé Nhung. Ảnh: T.Linh
Cô Lợi, người đã mang lại cuộc sống mới cho bé Nhung. Ảnh: T.Linh

Có một câu chuyện khác mà tôi muốn bắt đầu để nói về “cô Lợi từ thiện”, câu chuyện về cô bé 9 tuổi, có tên là Nguyễn Thị Hồng Nhung. Đó là cô bé nhà nghèo ở Rô Men, học giỏi, bị dị tật vì tai nạn, đang sống trong một căn nhà luôn chực sập đổ mỗi khi mưa gió ào về.
 
Cuộc sống của em tưởng như đã vĩnh viễn khép lại sau một tai nạn kinh hoàng do chính người cha của mình vô tình gây ra. Ngọn đèn dầu em cầm soi cho cha có chút ánh sáng để sửa xe và can xăng rơi vãi đã biến em thành ngọn đuốc sống với hình thù cơ thể chẳng ai dám nhìn và cũng chẳng thể nhận ra. 
 
Từ những đồng tiền đầu tiên cho em đi cấp cứu, đến những ngày tháng lặn lội về thành phố Hồ Chí Minh tận tình chăm sóc cứu chữa, sau hàng chục lần phẫu thuật, cô Lợi đã mang em về với cuộc sống đời thường từ tay của thần chết. 
 
Dẫu trên cơ thể yếu ớt kia vẫn còn nham nhở, chằng chịt những vết sẹo, đôi chân tật nguyền vẫn còn khó nhọc mỗi khi đến trường, nhưng nụ cười dường như đã xuất hiện nhiều hơn trong cuộc sống của Nhung, dần xóa đi những mặc cảm tưởng chừng như không thể nào gạt bỏ đi được trong tâm thức của em.
 
Ở xã, ở thôn, người nghèo lên xin hỗ trợ, họ đều nói: qua tìm cô Lợi, chắc chắn cô sẽ giúp được. Và như một món nợ đồng lần, như một cái nghiệp vào thân, cô lo hết.
Không chỉ cho Nhung một cuộc sống mới, ngay cả gia đình em, với một người mẹ bệnh tật và 3 đứa em nhỏ (người cha vì quá đau đớn vì tai nạn mình gây ra, trong cơn cùng quẫn cũng đã từ biệt cuộc sống bằng lọ thuốc diệt cỏ), cơm áo chỉ trông chờ vào ngày công làm thuê của mẹ, cô Lợi cũng đã hết mình kêu gọi, san sẻ cho đến tận bây giờ. 
 
Chị Tho mẹ của Nhung nói trong nước mắt: “Cuộc sống của Nhung là do cô Lợi tái sinh, ngàn lần cảm ơn cũng không hết. Tôi vẫn nói với cháu, dù khó khăn, khổ nhọc bao nhiêu con cũng phải gắng sống, gắng học, vượt qua tất cả để đền đáp công ơn của cô”.
 
“Bây giờ cuộc sống của con bé Nhung cũng tạm ổn rồi, chỉ có điều ngôi nhà mẹ con nó ở nguy hiểm quá, mỗi khi mưa gió lại phải dắt díu nhau sang hàng xóm trú tạm vì sợ bị sập. Tôi đang vận động, đi xin những nhà hảo tâm cho mẹ con nó có một ngôi nhà vững chãi hơn để ở”, cô Lợi đang ấp ủ cho những ngày sắp tới.
Câu chuyện thương tâm của Nhung không phải là chuyện duy nhất mà cô Lợi “nhúng tay” can thiệp. Danh sách những người cô giúp, mà thiên hạ nhiều người ác ý vẫn hay nói “lo chuyện bao đồng” của cô Lợi còn kéo dài, không đơn thuần chỉ là những người trong xã, trong huyện.
 
Nhà chị Trần Thị Toàn - ở Rô Men có 3 người bị bệnh tim, cô cũng “bao đồng” đi xin tiền xây cho ngôi nhà mới; cô bé Nơ Ru Hơ Riêng bị hoại tử chân, cô cũng xin cho em một chuyến xe và tiền đi Sài Gòn chữa trị thành công; cô bé Ka Thúy ngoài Phi Liêng bị hở hàm ếch, cô cũng cất công xin cho em phẫu thuật để có lại nụ cười nguyên vẹn; rồi vài ba gia đình bị cháy ở đâu đó trong huyện, cô cũng nhọc lòng xin bằng được tiền xây cho họ mái ấm mới…
 
“Gia đình cô cũng chẳng giàu có gì, nhưng không phải lo chuyện cơm áo, đói no hàng ngày. Nên mình thấy ai khổ hơn cũng muốn giúp đỡ, hoàn cảnh họ đáng thương lắm”.
 
Hỏi về cô, Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông - Liêng Hot Ha Hai trả lời rất ngắn gọn: ở đây, ai cũng được như cô Lợi thì khỏe rồi! 
 
Gắng hỏi, có khi nào cô cảm thấy mệt, muốn nghỉ ngơi không? cô cười - mệt nhưng vui, vì những gì mình làm được cho người nghèo, người bệnh. Và cô còn vận động cả tôi, đừng viết nhiều về cô, anh đi nhiều, có biết chỗ nào thì xin cho cô một ít, ở đây nhiều người nghèo, tội lắm.
 
TUẤN LINH