Nghệ thuật quần chúng "kể" về các xã điểm nông thôn mới

08:11, 01/11/2016

Diện mạo nông thôn mới, những thành quả, khó khăn trong quá trình đi lên của các địa phương, đã được tái hiện một cách chân thực, sinh động thông qua Liên hoan Nghệ thuật quần chúng các xã điểm NTM vừa được tổ chức.

Diện mạo nông thôn mới (NTM), những thành quả, khó khăn trong quá trình đi lên của các địa phương, đã được tái hiện một cách chân thực, sinh động thông qua Liên hoan Nghệ thuật quần chúng các xã điểm NTM vừa được tổ chức.
 
Tiết mục chèo Hợp tác xã dâu tằm quê tôi của đoàn Đạ Tẻh. Ảnh: H.Thắm
Tiết mục chèo Hợp tác xã dâu tằm quê tôi của đoàn Đạ Tẻh. Ảnh: H.Thắm

Liên hoan Nghệ thuật quần chúng các xã điểm nông thôn mới lần thứ III diễn ra trong những ngày cuối tháng 10. Mười một tiết mục đến từ 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã giúp người xem cảm nhận rõ hơn về hiện thực cuộc sống, bao gồm những mặt tích cực và hạn chế trong quá trình xây dựng NTM không chỉ của Lâm Đồng nói riêng mà của cả nước nói chung.
 
Gần 120 diễn viên không chuyên đã đem lại cho khán giả cả tiếng cười và sự xúc động.
 
Những câu chuyện xuất phát từ chính cuộc sống thường nhật, được đem lên sân khấu, vẫn giản dị, mộc mạc nhưng không kém phần hấp dẫn - như Trưởng Ban giám khảo, đạo diễn Nguyễn Vũ Hoàng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng, đã diễn tả bằng hai từ “tuyệt vời”.
 
Với chủ đề “Điểm sáng nông thôn mới”, 11 tiết mục đã tập trung ca ngợi người nông dân, nông thôn trong công cuộc xây dựng NTM; biểu dương những điển hình, những điểm sáng tiêu biểu; đồng thời phê phán những tiêu cực, hạn chế cản trở quá trình đi lên của các địa phương. 
 
Kết quả Liên hoan:
- Giải nhất: Đoàn Đà Lạt, Đơn Dương (không có giải nhì).
- 3 giải ba: Đoàn Đức Trọng, Đam Rông, Cát Tiên.
Nếu ở Phú Hội (Đức Trọng) chú trọng phát triển NTM trên cơ sở của những con người mới thì những người nông dân ở xã Hà Đông (Đạ Tẻh) lại tìm cách liên kết với nhau để đưa tên Hợp tác xã dâu tằm thành thương hiệu. Đơn Dương lại gửi gắm thông điệp xây dựng NTM từ chính ý thức của mỗi người trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường… Mỗi địa phương đã chọn một khía cạnh khác nhau để nói lên tâm tư, nguyện vọng của bà con quê mình. Liên hoan đã thực sự trở thành sân chơi sáng tạo, thiết thực.
 
Bên cạnh hình thức kịch, Liên hoan lần này xuất hiện các tiết mục cải lương, chèo của đoàn Bảo Lâm và Đạ Tẻh. Chính cách thể hiện này đã đưa khán giả đến gần hơn với đời sống văn hóa, tinh thần của người nông dân Lâm Đồng. Chăm chú theo dõi từng tiết mục trong liên hoan, ông Đặng Trung, một vị khách đến từ Hà Nội đã bày tỏ sự xúc động: “Con người ở đây sao mà mộc mạc, chân phương đến vậy. Chắc chắn những người nông dân đã phải nỗ lực rất nhiều để xây dựng quê hương giàu mạnh như ngày hôm nay”.
 
Mang thông điệp xây dựng nông thôn mới cần có sự chung sức, chung lòng của toàn thể nhân dân, tiết mục Chơi ngông của xã Xuân Trường, TP Đà Lạt đã xuất sắc giành giải nhất (đồng giải nhất là tiết mục Ngõ hẹp của đoàn Đơn Dương). Vui mừng trước kết quả đạt được, anh Nguyễn Hoàng Thuyết - thành viên của đội chia sẻ: “Chúng tôi xây dựng câu chuyện dựa trên thực tế diễn ra ở địa phương. Xuân Trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng và giữ gìn những thành tích đã đạt được. Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, đẩy lùi tệ nạn xã hội của một bộ phận người dân cần được nâng cao hơn nữa. Đường sá, giao thông đi lại cần được cải thiện hơn nhiều, nhất là vào mùa mưa bão... Xây dựng đã khó, gìn giữ để phát triển còn khó hơn. Chính vì vậy dù là hình thức nào thì cũng cần chung tay góp sức của toàn dân”.
 
Tác phẩm Ngõ hẹp của đoàn Đơn Dương
Tác phẩm Ngõ hẹp của đoàn Đơn Dương. Ảnh: H.Thắm

Theo đánh giá của Ban tổ chức, Liên hoan nghệ thuật quần chúng các xã điểm nông thôn mới lần này đã phản ánh một cách toàn diện diện mạo nông thôn mới ở các huyện, thành phố. Đây không chỉ là dịp để củng cố thêm tình thân ái giữa các đồng nghiệp, các diễn viên không chuyên của các xã điểm NTM, mà còn góp phần khẳng định vai trò của hoạt động văn hóa cơ sở trong công tác tuyên truyền những chủ trương, chính sách của nhà nước. 
 
“Loại hình nghệ thuật kịch ngắn, chèo, cải lương… lâu nay vẫn có sức sống tiềm tàng trong quần chúng nhân dân. Nếu chúng ta biết khai thác và phát huy thì đây sẽ là phương tiện tuyên truyền hiệu quả. Qua đó đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân cũng trở nên phong phú hơn”, ông Nguyễn Anh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch khẳng định.
 
Ban tổ chức cũng hy vọng đây sẽ là dịp khởi động lại sân khấu nghệ thuật quần chúng trong nhân dân - một loại hình hấp dẫn đang dần bị lãng quên.
 
HỒNG THẮM