Tập trung phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số

09:12, 30/12/2016

 Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã chủ động nguồn kinh phí và quỹ đất để hỗ trợ cho hộ nghèo người DTTS làm nhà ở, có đất sản xuất và nguồn nước sinh hoạt. Điều đó góp phần thay đổi dần diện mạo đời sống của bà con người DTTS.

Trên cơ sở Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã ban hành Quyết định số 37 ngày 19/9/2014, quy định mức bình quân giao đất sản xuất nông nghiệp cho hộ dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã chủ động nguồn kinh phí và quỹ đất để hỗ trợ cho hộ nghèo người DTTS làm nhà ở, có đất sản xuất và nguồn nước sinh hoạt. Điều đó góp phần thay đổi dần diện mạo đời sống của bà con người DTTS.
 
Theo ghi nhận tại Ban Dân tộc tỉnh về tình hình thực hiện Quyết định 755, trong những năm qua, bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và Trung ương, Lâm Đồng đã hỗ trợ trên 3 tỷ đồng để thực hiện giải quyết đất sản xuất cho 229 hộ với diện tích trên 77 ha. Tuy nhiên, sau một thời gian, chương trình này chỉ mới thực hiện được 195 triệu đồng cho 13 hộ tự tạo quỹ đất tại huyện Cát Tiên. Các địa phương còn lại mặc dù đã được phân bổ kinh phí, nhưng không thực hiện được vì còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quy hoạch, lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng để cấp đất cho dân.
 
Theo quyết định được UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2014 thì nhu cầu hỗ trợ đất ở là 658 hộ/131.600 m2; hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất 807,35 ha/2.076 hộ. Trong đó, khai hoang đất sản xuất trên 793 ha/2.035 hộ; tự tạo quỹ đất 14,5 ha/41 hộ; chuyển đổi nghề cho 2.125 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.843 hộ (giếng đào); hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung cho 8.060 hộ/82 công trình; duy tu, bảo dưỡng 96 công trình nước sinh hoạt khác. 
Trong năm 2016, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp khẩn trương thực hiện giải quyết đất sản xuất cho bà con DTTS theo đề án được duyệt. Đến nay, các huyện đã có nhiều bước tiến trong thực hiện nhiệm vụ này. Cụ thể: Đơn Dương thực hiện 36,8 ha/44,8 ha, Bảo Lâm 40,1 ha/148 ha, Lâm Hà 19,4 ha/168,7 ha. Các địa phương còn lại trên địa bàn tỉnh cũng đang tiến hành gấp rút việc cấp đất sản xuất cho bà con thuộc diện được thụ hưởng theo quyết định. Tuy nhiên, việc chuyển mục đích sử dụng của các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc.
 
Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, công tác quy hoạch, quản lý đất đai ở một số địa phương chưa chặt chẽ, có những nơi không có quỹ đất, vì vậy gây khó khăn cho việc bố trí đất sản xuất. Bởi vậy, đối với trường hợp không có quỹ đất, các địa phương đã chọn cách thực hiện các phương án thay thế bằng việc hỗ trợ bà con mua sắm nông cụ. Cụ thể, đã có 256 hộ được thực hiện hình thức này với kinh phí trên 1,2 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí địa phương trên 200 triệu đồng. Đến nay, các địa phương đã triển khai thực hiện xong việc này.
 
Về vấn đề nước sinh hoạt, giai đoạn 2010 - 2015, tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ nước sinh hoạt là 43,7 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 42,4 tỷ đồng để đầu tư, xây mới và nâng cấp sửa chữa 56 công trình nước sinh hoạt tập trung và 885 bồn chứa nước, giếng đào, phục vụ cho hơn 2.700 hộ, góp phần giải quyết nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt trong vùng đồng bào DTTS. 
 
Trong buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên về việc thực hiện Quyết định số 755 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo số 333 của Văn phòng Chính phủ, đồng chí Bon Yo Soan - Phó Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng nhận định: Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt trong vùng đồng bào DTTS, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố. 
 
Nếu như năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là trên 34.570 hộ, chiếm tỷ lệ 12,60% (trong đó, hộ nghèo người DTTS là 18.844 hộ, chiếm 32,65%), thì đến hết năm 2015, giảm xuống còn 5.236 hộ, chiếm tỷ lệ 1,74% (hộ nghèo là đồng bào DTTS còn 2.531 hộ, chiếm tỷ lệ 4%). Bình quân mỗi năm toàn tỉnh giảm 5.868 hộ nghèo, tương đương với tỷ lệ 2,17%, trong đó, đồng bào DTTS giảm 3.263 hộ (giảm 5,73%/năm); 29 xã nghèo mỗi năm giảm gần 1.900 hộ (giảm 8,1%/năm). Điều này cho thấy tính hiệu quả, bền vững trong việc triển khai các chương trình giảm nghèo ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.  
 
Giai đoạn 2016 - 2020, Lâm Đồng đề ra mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo. Cụ thể, đến năm 2020, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 1,5-2%/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS từ 2-3%/năm; giảm tình trạng khó khăn ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng DTTS. Để có được kết quả đó, Lâm Đồng tiếp tục triển khai có hiệu quả việc thực hiện Quyết định 755 của Chính phủ nhằm tiến tới giải quyết dứt điểm vấn đề đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho bà con DTTS nghèo và hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn.
 
NGỌC NGÀ