Về cơ sở để hiểu dân

09:12, 30/12/2016

Những cuộc "vi hành" của lãnh đạo tỉnh là để gặp gỡ nhân dân, thẩm thấu lời dân nói, định hướng, thậm chí là hướng dẫn tỉ mỉ cách cho dân làm; là để nghe lời thực, nhìn thấy việc thực chứ không phải để nghe, để nhìn những con số nhảy múa, những câu từ bóng bẩy. 

Năm Bính Thân 2016, năm ghi dấu biết bao sự kiện quan trọng của đất nước; năm mà từ Trung ương Đảng, đến Quốc hội, Chính phủ tất bật thực hiện những điều đã hứa trước dân. Nhân dân Lâm Đồng cũng ghi nhận: Bính Thân là năm mà lãnh đạo tỉnh đã có những cuộc “vi hành” con thoi để thăm nắm tình hình trong tỉnh, mà đích đến là những gì đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống nhân dân.
 
Bí thư Tỉnh ủy thăm làng Mông ở Đạ M’Pô, xã Liêng Sơ Rônh (Đam Rông). Ảnh: V.Tòa
Bí thư Tỉnh ủy thăm làng Mông ở Đạ M’Pô, xã Liêng Sơ Rônh (Đam Rông). Ảnh: V.Tòa

Những cuộc “vi hành” của lãnh đạo tỉnh là để gặp gỡ nhân dân, thẩm thấu lời dân nói, định hướng, thậm chí là hướng dẫn tỉ mỉ cách cho dân làm; là để nghe lời thực, nhìn thấy việc thực chứ không phải để nghe, để nhìn những con số nhảy múa, những câu từ bóng bẩy. 
 
Chuyện đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác của tỉnh “mục sở thị” về thôn 5, Rô Men, Đam Rông để nghe thôn nói, xã nói, già làng nói, đoàn thể nói là một trong những điển hình như vậy. Nghe dân nói mới thấy rằng thực tiễn vẫn còn lắm điều cần giải quyết, từ chuyện áp dụng khoa học vào sản xuất, đến chuyện nhà ở vẫn còn tạm bợ dù đời sống bà con cơ bản không còn nghèo; từ chuyện chăn nuôi chưa thực sự được bà con chú trọng, đến chuyện trồng rau sạch vườn nhà để giải quyết nhu cầu rau tươi trong bữa ăn. Hay như câu chuyện ổn định làng Mông ở Đạ M’Pô, xã Liêng Sơ Rônh, đến chuyện nảy sinh mâu thuẫn giữa người dân tộc bản địa với đồng bào dân tộc di cư tự do... Có “vi hành” mới biết đích thực việc ổn định đời sống cho đồng bào di cư tự do đang đặt ra những vấn đề cấp thiết như chuyện điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt và những vấn đề an sinh xã hội, bảo vệ rừng. 
 
Cái hay của chuyện “vi hành” trong năm qua là ở chỗ lãnh đạo và đoàn công tác nắm tình hình thực tế trước, hỏi rõ, phân tích kỹ những gì đã nghe, giải quyết tức thì những gì cần giải quyết, ấn định ngay khoảng thời gian phải hoàn thành. 
Chuyến “vi hành” tại xã Phi Tô, huyện Lâm Hà trong cơn mưa tầm tã, đoàn công tác phải “lội” không dưới 5 km đường đầm lầy để đến trụ sở xã. Cũng may là trời mưa, mới tận mắt chứng kiến vạt sân trường phổ thông cơ sở xã biến thành hồ; đường sá đi lại còn lắm khó khăn. Bí thư Đảng ủy xã, trưởng các tổ chức đoàn thể xã đã nói rất thực về những gì được và chưa được, đặc biệt là chuyện về vụ Hang Hớt nói riêng và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã nói chung. Nghe và thẩm thấu lời những người đại diện cho dân, cho Đảng từ cơ sở, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy biết xã mạnh gì, yếu gì; nguyên nhân nào tạo ra những nảy sinh từ thực tiễn, từ đó chỉ đạo ngay từ cơ cở.  
 
Có “vi hành”, mới hiểu được cội nguồn như ở xã Đồng Nai Thượng hiện vẫn còn tới 30% hộ nghèo, 6% hộ cận nghèo. Con số không vui này đã làm cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trăn trở, chỉ đạo lãnh đạo xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên phải suy nghĩ để có giải pháp phát huy sức mạnh “bàn tay, khối óc người dân” kết hợp với sự ưu tiên đầu tư của Nhà nước để xã thoát khỏi xã nghèo. 
 
Trong gợi ý của mình, Bí thư Tỉnh ủy nói: Đồng Nai Thượng sớm tiến hành quy hoạch, định hướng, xác định rõ cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất lúa, cà phê tái canh và tăng năng suất cây điều; không phát triển thêm cây cao su. Đến năm 2020, mỗi hộ phải có từ 2-3 con trâu, bò; nông nghiệp phát triển toàn diện thì đời sống nhân dân mới được nâng cao. Đối với vấn đề giảm nghèo, Đồng Nai Thượng cần xác định lộ trình phù hợp đến năm 2020 trên cơ sở tìm hiểu nguyên nhân, tạo điều kiện và khuyến khích hộ dân đăng ký thoát nghèo, tự chủ vươn lên… Trước những kiến nghị của xã, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo ngay ngành giao thông - vận tải nghiên cứu, đề xuất, sớm đầu tư thi công tiếp hơn 8 km đường còn lại, hoàn thành nhựa hóa toàn bộ tuyến đường ĐH 94 (dài 18,2 km từ Tiên Hoàng đến Đồng Nai Thượng) vào trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu. 
 
Hay chuyện vui ở thôn 3, xã Quảng Trị, huyện Đạ Tẻh có 105 hộ chăn nuôi, trong đó quá nửa số hộ nuôi từ 5-7 con bò nhốt/hộ. Nếu năm 2010, bình quân thu nhập đầu người của thôn chưa được 9 triệu đồng thì đến năm 2015 đã đạt 23,2 triệu đồng; năm 2010 có 29 hộ nghèo thì đến nay chỉ còn 8 hộ nghèo theo diện đa chiều. Nhân dân trong thôn đồng thuận, đẩy mạnh phát triển kinh tế, chung sức xây dựng nông thôn mới. Hội trường thôn được góp công góp của xây dựng khá khang trang… Qua những điều mắt thấy, tai nghe, Bí thư Tỉnh ủy phấn khởi: “Thôn nào trong tỉnh cũng được như thôn 3 thì thật hạnh phúc”. Bí thư nhấn mạnh “đã đến lúc thôn phải tính đến chuyện làm giàu”.
 
Cơ sở không cần phải có văn bản kiến nghị; không phải đi qua quá nhiều cấp từ xã lên huyện, qua phòng tham mưu, đến lãnh đạo huyện; từ huyện lên tỉnh qua ngành tham mưu, thẩm định rồi ngược lại lãnh đạo tỉnh, chỉ ngần ấy công đoạn thủ tục cũng dễ gây nản lòng nếu không có lòng kiên trì. Bởi vậy, cứ mỗi lần lãnh đạo tỉnh “vi hành” thì nhiều nơi, nhất là vùng xa xôi hẻo lánh ngóng chờ để được báo cáo đầy đủ; kiến nghị đầy đủ.
 
Qua nhữngchuyến “vi hành”, lãnh đạo tỉnh thấy được hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của mình bằng hình ảnh thực tế chứ không phải bằng hình ảnh ghi lại hay bằng những con chữ miêu tả, những con số minh họa trong các bản báo cáo. Đại diện các sở, ban, ngành trả lời hoặc giải đáp những kiến nghị của dân cũng không thể nói sai những gì đã diễn ra ngay trước mắt và lĩnh hội ngay những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh rồi triển khai thực hiện.
 
Sau những chuyến “vi hành”, lãnh đạo tỉnh ban hành ngay văn bản chỉ đạo và giao trách nhiệm cho các sở, ban, ngành liên quan thực hiện, báo cáo. Đơn vị nào, cơ quan nào chậm thực hiện phải có văn bản giải trình, nếu giải trình không hợp lý thì sẽ bị khiển trách, phê bình...
 
Hiệu quả chủ trương, nghị quyết của Đảng không thể chỉ được thực hiện bằng “khẩu khoán” mà phải đi vào đời sống, hiển hiện trong đời sống bằng “hình hài” cụ thể. Những chuyến “vi hành” là cách để lãnh đạo tỉnh kiểm nghiệm hiệu quả bằng hình ảnh trực quan sinh động; để kiểm tra thực tế; phát huy thành quả; phát hiện và khắc phục những hạn chế, thiếu sót đồng thời cũng là để kịp thời điều chỉnh những gì chưa hợp lòng dân.
 
Một năm Thường trực Tỉnh ủy tất bật vi hành, một năm Thường trực Tỉnh ủy thực sự chuyển động cùng thực tiễn. Một năm Thường trực Tỉnh ủy cực mà vui và cũng một năm nhân dân trong tỉnh, nhất là vùng sâu, vùng xa thấy ấm lòng.
 
VĂN TÒA