Người luôn để mắt giữ rừng

08:03, 14/03/2017

Anh là một trong 7 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt ký Quyết định tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR) năm 2016...

Anh là một trong 7 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt ký Quyết định tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR) năm 2016. Đặc biệt hơn, anh là nhân vật duy nhất thuộc đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, người theo đạo Tin lành, tổ trưởng tổ nhận khoán. 
 
Tổ trưởng Nưng Sang Thiên đi kiểm tra rừng. Ảnh: M.Đạo
Tổ trưởng Nưng Sang Thiên đi kiểm tra rừng. Ảnh: M.Đạo
Chuyện về cái tên
 
Dò mãi rồi tôi cũng tìm ra anh tại ngôi nhà nhỏ nép mình bên con đường thôn Đan Kia, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương. Sinh năm 1969, người nhỏ thó, đôi mắt rất tinh anh và là cha của 6 người con đều đang tuổi ăn học (lớn nhất 22 tuổi, nhỏ nhất 9 tuổi). Nhà chỉ có 1,5 ha cà phê ít đầu tư vì thiếu vốn, 3 sào rau cùng với tiền nhận khoán QLBVR của anh mỗi tháng 2,9 triệu đồng. Chừng ấy, đắp đổi nuôi 8 miệng ăn. Vì vậy, gia đình anh là hộ nghèo đa chiều. Thế nhưng, anh là một công dân gương mẫu của thôn. Từng được Giấy khen của UBND huyện về thành tích trong công tác an ninh trật tự khi anh là dân quân tự vệ; Giấy khen của UBND thị trấn với thành tích xuất sắc góp phần xây dựng Hội Nông dân khi anh là Chi hội trưởng nông dân. Còn về công tác QLBV&PTR, người đàn ông này đã gắn bó từ năm 2005 đến nay.
 
Nhưng có một điều đã gây cho tôi ngạc nhiên và thật sự bất ngờ về họ và tên của người đàn ông đang ngồi nói chuyện trước mặt mình. Trên vách nhà, anh trang trọng treo các giấy khen và Bằng khen, nhưng các giấy khen ghi “ông Nưng Sang Thiên” còn Bằng khen lại ghi “ông Đa Gout Điên” (!?). Anh cười bẽn lẽn và giải thích thắc mắc của tôi: “Tên thật em là Thiên, tên kia (anh chỉ vào bằng khen) em lấy tên của vợ em”. Hóa ra, chủ hộ là chị Đa Gout Điên, thuộc hộ nghèo, được nhận giao khoán QLBVR. Vợ ký nhận hợp đồng với Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Đa Nhim còn chồng trực tiếp triển khai thực hiện. Anh Nưng Sang Thiên được Ban và anh em trong tổ bầu làm tổ trưởng Tổ nhận khoán số 44 suốt 12 năm nay. Vì vậy, để đúng với nhân vật thật trong thực tế, bài viết của tôi bắt đầu kể chuyện về anh Nưng Sang Thiên. 
 
Luôn để mắt ở rừng
 
Anh Nưng Sang Thiên cũng là dân tộc K’Ho, nhưng quê quán ở xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, được chị Đa Gout Điên “bắt” về làm chồng. Tổ của anh gồm 14 người, 9 nam và 5 nữ, đều là đồng bào dân tộc K’Ho. Lâm phần của tổ hợp đồng quản lý bảo vệ là tiểu khu 110, thuộc Trạm Suối Cạn, BQL RPH Đa Nhim. “Tổng diện tích bao nhiêu anh? ”, tôi hỏi. Nưng Sang Thiên mở chiếc điện thoại cũ kỹ ra bấm bấm, rồi trả lời rành rẽ: “327,91 ha anh”. Cái động tác nhanh gọn của anh một lần nữa gây ngạc nhiên với tôi. Rừng ở tiểu khu 110 của tổ 44 bảo vệ, quản lý chủ yếu loài thông, một số thuộc hiện trạng rừng kín thường xanh. Nhiều cái khó đối với công tác quản lý, bảo vệ vì vừa là rừng đầu nguồn, cách xa nơi ở, xa nhất đến 30 km. Mùa khô đi tắt được thì 20 km, mùa mưa do địa hình hiểm trở, buộc phải đi vòng. 
 
Tổ nhận khoán 44 được anh Nưng Sang Thiên chia thành 3 nhóm (vào mùa nắng) và 2 nhóm (vào mùa mưa), và 1 tổ trưởng, 1 tổ phó. Sở dĩ có cách chia này vì mùa nắng thường phải thay nhau trực chiến liên tục, ngày nào cũng có 1 nhóm ở rừng để canh phòng phòng cháy chữa cháy rừng. Còn tổ trưởng và tổ phó thay nhau đi kiểm tra, giám sát các nhóm mỗi người 2 ngày/tuần. Anh Sang Thiên sắp xếp cho mỗi nhóm trực nguyên từng tuần một nắm chắc tình hình và chịu trách nhiệm cụ thể. Thường, từ 8 giờ sáng, các thành viên tập kết tại Trạm và bắt đầu cắt suối, tắt rừng đi tuần phòng cho đến chiều tối. “Trời mưa thì về sớm, trời nắng quá thì ở lại với rừng lâu hơn, lỡ có cháy mất công điều động”, anh Thiên nói. Anh lựa vào sức vóc và năng lực, hoàn cảnh của từng thành viên để chia nhóm cho đồng đều, trong đó, xen kẽ các thành viên nữ vào từng nhóm. Mỗi quý, toàn tổ họp một lần để kiểm điểm và bàn kế hoạch mới. Nếu trong quý đó ai không chấp hành đi tuần sẽ căn cứ vào thực tế để trừ ngày công sung tiền vào quỹ tổ mua thức ăn nước uống mang đi rừng dùng chung. 
 
Phối kết hợp nhịp nhàng
 
Kinh nghiệm đúc kết của Nưng Sang Thiên là lúc nào cũng có người trực trong rừng, nhất là mùa phòng cháy chữa cháy. Trách nhiệm là phải phát hiện kịp thời và điện báo cho cả tổ cùng ứng cứu khi có cháy lớn, còn cháy nhỏ thì nhóm tự xử lý. Tổ trưởng Nưng Sang Thiên còn biết phối hợp chặt chẽ với lực lượng Hạt Kiểm lâm, nhất là trạm ở trên cao điểm Lang Biang. Mỗi khi họ phát hiện có khói ở đâu là điện báo cho Trạm và Trạm báo cho anh, anh lại báo ngay cho nhóm đang trực. “Vì vậy, điện thoại của em luôn luôn mở, dù có đi xa ra khỏi huyện hay khỏi tỉnh. Mình luôn sẵn sàng như thế thì mới chủ động xử lý được tin báo”, anh Sang nói.
 
Khó khăn của tiểu khu mà tổ 44 của anh Thiên quản lý, bảo vệ không chỉ địa bàn xa, cách trở, mà còn có rất nhiều người sản xuất canh tác nông nghiệp xen kẽ trong rừng và giáp lâm phần của BQL rừng phòng hộ Sêrêpốk của huyện Đam Rông. Anh cho biết, những nguyên nhân cháy rừng là do những người đi rừng hút thuốc lá, cũng có người cố tình đốt vì không được nhận khoán quản lý, bảo vệ, một phần khác do người ta đốt ranh của vườn canh tác lây lan sang. Vì vậy, việc xử lý đốt trước vật liệu cháy trước mùa khô của tổ luôn luôn là nhiệm vụ rất được chú trọng. Mặt khác, đi đến đâu, các thành viên thường xuyên nhắc nhở bà con làm vườn rẫy hay người đi rừng có ý thức bảo vệ rừng cũng là biện pháp được tổ duy trì đều đặn. Tổ còn yêu cầu các hộ sản xuất cam kết một cách nghiêm túc về công tác bảo vệ rừng để cùng chia sẻ nghĩa vụ…
 
Tuy mức thu nhập thấp, xăng xe tự đổ, cơm nước tự lo mỗi khi lên rừng, nhưng cả tổ nhận khoán 44 của anh Nưng Sang Thiên đã nhiều năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chưa có vụ cháy rừng nào xảy ra mà chỉ là những đám cháy nhỏ cây tạp. Rừng của tổ quản lý, bảo vệ cũng chưa có vụ hạ cây nghiêm trọng nào xảy ra. Đó là những thành quả hết sức trân quý của cộng đồng 14 hộ đồng bào dân tộc K’Ho do Nưng Sang Thiên phụ trách trong nhiều năm qua. Tổ của anh, đặc biệt là người thủ lĩnh Nưng Sang Thiên xứng đáng được BQL RPH Đa Nhim đề xuất các cấp trao xét tặng Bằng khen của UBND tỉnh là một ghi nhận khích lệ về điển hình xuất sắc mô hình huy động sức dân trong công tác quản lý và bảo vệ rừng Tây Nguyên rất cần được nhân rộng. 
 
MINH ĐẠO