Lâm Đồng nỗ lực "thăng hạng" chỉ số PCI

09:04, 21/04/2017

Năm 2016, tỉnh Lâm Đồng xếp thứ 27/63 tỉnh, thành về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tuy vẫn nằm trong nhóm khá nhưng so với năm 2015, Lâm Đồng lại "tụt hạng" 6 bậc (năm 2015 tỉnh xếp thứ 21/63)...

Năm 2016, tỉnh Lâm Đồng xếp thứ 27/63 tỉnh, thành về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tuy vẫn nằm trong nhóm khá nhưng so với năm 2015, Lâm Đồng lại “tụt hạng” 6 bậc (năm 2015 tỉnh xếp thứ 21/63). Ngay khi kết quả này được công bố, tỉnh Lâm Đồng cũng đã nhanh chóng có cái nhìn toàn diện về những “điểm trừ” trong năm vừa qua để tiếp tục “tăng hạng” trong năm 2017.
 
Tiếp nhận hồ sơ tại Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Phan Nhân
Tiếp nhận hồ sơ tại Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Phan Nhân
4 chỉ số giảm điểm, 5 chỉ số tăng điểm
 
Nhìn từ bảng điểm, năm 2016, tỉnh Lâm Đồng có điểm số chung là 58,66 điểm, giảm 0,38 điểm so với năm 2015. Cụ thể, những chỉ số giảm điểm gồm: Tiếp cận đất đai (5,44 điểm, giảm 0,78 điểm, xếp hạng 43/63, giảm 27 bậc); Đào tạo lao động (5,63 điểm, giảm 0,33 điểm, xếp hạng 48/63, giảm 23 bậc); Hỗ trợ doanh nghiệp (5,07 điểm, giảm 0,46 điểm, xếp hạng 48/63, giảm 15 bậc); Gia nhập thị trường (giảm 11 bậc) và cạnh tranh bình đẳng (giảm 2 bậc).
 
PCI gồm 10 chỉ số thành phần, phản ánh các lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: Chi phí gia nhập thị trường thấp; Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; Chi phí không chính thức thấp; Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; Môi trường cạnh tranh bình đẳng; Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; Chính sách đào tạo lao động tốt; và thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả.

Lý giải về nguyên nhân tụt hạng, ông Vũ Văn Tư - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, thương mại, du lịch tỉnh Lâm Đồng phân tích: Năm 2016, tuy các điểm số thành phần của chỉ số PCI của tỉnh giảm không đáng kể, nhưng lại bị tụt 6 bậc so với năm 2015. Mặc dù vẫn nằm trong nhóm khá (từ bậc 20 trở lên) nhưng ngay khi có kết quả công bố từ VCCI, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo ngay cho Trung tâm (đơn vị chủ quản vấn đề này) thu thập số liệu, phân tích nguyên nhân để nhanh chóng nhìn nhận những “điểm trừ”, kịp thời khắc phục và phấn đấu tăng hạng cho năm 2017.

 
Về nguyên nhân khách quan, do những năm gần đây, số điểm trung vị giữa các địa phương rất gần nhau, chỉ cần chênh lệch điểm rất nhỏ đã thay đổi thứ hạng. Xét về điểm số trong 10 chỉ số thành phần, Lâm Đồng có 6 chỉ số tăng điểm và 4 chỉ số giảm điểm, tuy nhiên trong 4 chỉ số bị giảm điểm lại có 2 chỉ số có trọng số 20%, nghĩa là chỉ riêng 4 chỉ số giảm điểm đã có trọng số 50% tổng số điểm cấu thành kết quả, cho nên đã làm Lâm Đồng tụt 6 bậc.
 
Nói về nguyên nhân chủ quan, ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng cho rằng: Tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng những hạn chế, bất cập vẫn còn tồn tại được nhiều doanh nghiệp phản ánh qua đợt khảo sát PCI năm 2016. Một trong những hạn chế mà nhiều doanh nghiệp phản ánh nhiều nhất đó là các sở, ngành triển khai chủ trương của Trung ương hoặc của tỉnh rất chậm, nhất là việc cụ thể hóa các chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp, làm thiệt thòi quyền lợi doanh nghiệp. Ngoài ra, việc giải quyết chậm trễ hoặc không trả lời kiến nghị của doanh nghiệp vẫn còn diễn ra, tình trạng này diễn ra đối với hầu hết các hồ sơ của doanh nghiệp không thuộc danh mục giao dịch hành chính qua hệ thống một cửa. Rõ ràng, về mặt chỉ đạo là hết sức cụ thể, chi tiết, tuy nhiên trong quá trình thực hiện lại không đạt như yêu cầu đặt ra. Có nhiều nguyên nhân kể cả chủ quan lẫn khách quan nhưng cơ bản nhất là nhận thức của các cấp, các ngành về PCI còn hạn chế.
 
Bên cạnh các chỉ số thành phần bị giảm điểm, điểm sáng trong bảng điểm PCI năm 2016 của Lâm Đồng đó là 5 chỉ số tăng điểm: Tính năng động của lãnh đạo tỉnh, tính minh bạch, thiết chế pháp lý, chi phí không chính thức, chi phí thời gian. Trong đó, đáng ghi nhận nhất là chỉ số về tính năng động và tính tiên phong của chính quyền tỉnh, luôn tăng đều qua từng năm, xếp thứ 29/63.
 
Cần giải pháp dài hơi
 
Trao đổi về vấn đề này, ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Nguyễn Ngọc Duy - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân trẻ Lâm Đồng cũng cho biết: Môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư cũng như cơ chế thông thoáng, tính công khai minh bạch… tại Lâm Đồng luôn được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, cải thiện rõ rệt qua mỗi năm. Tuy nhiên, cùng với những mặt đã làm được thì vẫn còn những “hạt sạn” mà chính quyền, lãnh đạo, các sở ngành cũng cần nhìn nhận thẳng thắn và có biện pháp khắc phục để các doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa. Vấn đề này cũng không thể giải quyết ngay lập tức được mà cần có một quá trình, với những hoạch định, chiến lược cụ thể, cộng đồng doanh nghiệp rất mong mỏi điều đó.
 
Nhìn vào 4 chỉ số giảm điểm, cần phải nhìn nhận thẳng thắn và tìm ra nguyên nhân, giải pháp không chỉ nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh PCI mà còn là cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương. Trước sự sụt giảm điểm số cũng như thứ hạng trong bảng xếp hạng PCI, năm 2017, Lâm Đồng cần tiếp tục cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với Chương trình hành động bám sát các nội dung theo từng chỉ số của PCI để có mục tiêu, định hướng, giải pháp và giao cụ thể nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện. 
 
Ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhận định: Năm 2017, để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Lâm Đồng sẽ tập trung vào các giải pháp chủ yếu: Chấn chỉnh kỷ luật hành chính trong thực thi công vụ, nhất là trong lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường vai trò và hiệu lực hoạt động của Ban chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh, giám sát định kỳ hoạt động của các sở, ngành liên quan đến việc giải quyết hồ sơ và hỗ trợ doanh nghiệp; Nghiên cứu, áp dung thêm các mô hình hay phù hợp với đặc thù của tỉnh để xây dựng một hệ thống hành chính thực sự hiệu quả, hiệu lực, công tâm và liêm chính; Mạnh dạn ban hành các tiêu chí cho các hiệp hội doanh nghiệp xếp hạng cơ quan hành chính công hàng năm để thúc đẩy tinh thần của các cơ quan nhà nước phục vụ doanh nghiệp; Chú trọng hơn nữa vấn đề đối thoại với doanh nghiệp…
 
Cải thiện PCI đồng nghĩa với việc cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Với quyết tâm của lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành, đơn vị, theo chức năng, nhiệm vụ cần triển khai quyết liệt các biện pháp để nâng cao các chỉ số thành phần còn thấp trong nhóm các PCI, đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư, duy trì và phát huy những chỉ số thành phần có thứ hạng cao. Kỳ vọng chỉ số PCI của Lâm Đồng năm 2017 sẽ có nhiều khởi sắc.
 
DIỄM THƯƠNG