Lão nông vùng sâu làm nhà máy nước sạch cho dân nghèo

08:05, 01/05/2017

Một gương nông dân sản xuất giỏi của tỉnh đã bỏ tiền túi đầu tư làm dự án nhà máy nước sạch để phục vụ cho bà con ở huyện nghèo Đam Rông. Đó là ông Nguyễn Văn Thân, ở thôn Phi Có, xã Đạ R'Sal. 

Một gương nông dân sản xuất giỏi của tỉnh đã bỏ tiền túi đầu tư làm dự án nhà máy nước sạch để phục vụ cho bà con ở huyện nghèo Đam Rông. Đó là ông Nguyễn Văn Thân, ở thôn Phi Có, xã Đạ R’Sal. 
 
Ông Nguyễn Văn Thân bên bản vẽ Nhà máy nước sạch Đạ Rsal. Ảnh: A.N
Ông Nguyễn Văn Thân bên bản vẽ Nhà máy nước sạch Đạ Rsal. Ảnh: A.N
Khi gặp chúng tôi, bác nông dân khoe ngay là mới nhận quyết định của UBND tỉnh cách đây 3 ngày về việc chấp nhận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nước sinh hoạt Đạ R’Sal - huyện Đam Rông của Doanh nghiệp tư nhân cây xăng dầu Văn Thân. Bác nói: “Khi tôi có ý định làm nhà máy nước sạch cho bà con trong xã thì chính quyền địa phương rất hoan nghênh, nhưng gia đình tôi phản đối vì vốn đầu tư lớn quá. Nhưng rồi thấy tôi quá đam mê tâm huyết cả đời mình và tôi cố gắng thuyết phục nên cuối cùng các thành viên trong gia đình đều nhất trí ủng hộ”. Tổng mức đầu tư của dự án là 28,446 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của gia đình ông là 8 tỷ đồng, còn lại là vốn vay và huy động. Kế hoạch cuối năm nay sẽ khởi công xây dựng nhà máy và cuối năm 2018 đưa nhà máy vào hoạt động với mục tiêu sản xuất, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân xã Đạ R’Sal.
 
Phát huy truyền thống của bộ đội Cụ Hồ, với tinh thần tự lập, tự cường, sáng tạo trong công việc đưa lại hiệu quả cao nên ông Thân được tặng Bằng khen của BCH Trung ương HND Việt Nam 2015, Bằng khen của BCH HND tỉnh Lâm Đồng 2015, Giấy khen của Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam năm 2014. Tháng 9/2015, ông tham dự Đại hội Thi đua yêu nước và biểu dương nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ 4. Mới đây, ông Thân là một trong 42 nông dân tiêu biểu xuất sắc được UBND tỉnh tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2012 -2016.

Anh Thái Viết Phúc - Chủ tịch UBND xã Đạ R’Sal cho biết: Trong xã có hơn 200 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, đặc biệt có ông Nguyễn Văn Thân - nguyên là Phó Chủ tịch UBND xã, hiện nay là chủ Doanh nghiệp tư nhân cây xăng dầu Văn Thân, với vai trò trách nhiệm của người lãnh đạo xã, nay đã nghỉ hưu vẫn tham gia đầu tư phát triển địa phương. Được biết, ông đang mạnh dạn đầu tư một số mô hình phát triển kinh tế gia đình có hiệu quả và mới được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư nhà máy nước sạch phục vụ cho bà con trên địa bàn xã, ông Thân đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm của người đảng viên và là chủ doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp vào sự phát triển của xã nhà.

 
Bản thân ông Thân vẫn phát huy phẩm chất tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ, ông kể: “Từ năm 1974 - 1984, tôi công tác trong quân đội, trực tiếp tham gia chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Là một thương binh được giải quyết chế độ về quê hương xây dựng kinh tế và tham gia công tác tại địa phương”. Di chứng chiến tranh để lại, ông là thương binh 18%, được xếp vào đối tượng là người có công bị ảnh hưởng chất độc hóa học, sinh con mất 3 và hiện còn 3 người con may mắn khỏe mạnh, lành lặn. 
 
Ông Thân năm nay 62 tuổi, là cán bộ xã, trước khi nghỉ hưu là Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ R’Sal nhiệm kỳ 2011-2016 với tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết gắn bó với hội viên nông dân. Hiện nay, là hội viên Chi hội nông dân thôn Phi Có, ông Thân tham gia sinh hoạt đều đặn, là hội viên gương mẫu tiên phong đi đầu trong các phong trào của Hội Nông dân. Hăng say lao động sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Thu nhập bình quân hàng năm của gia đình sau khi trừ chi phí là 800 triệu đồng, trong đó thu nhập từ mô hình VAC khép kín (với 3 sào vải thiều, 3 sào cà phê đã chuyển đổi, làm ao nuôi cá và chăn nuôi gà vịt) là 300 triệu đồng, từ kinh doanh xăng dầu là 500 triệu đồng, giải quyết công ăn việc làm cho 3 lao động thường xuyên và 7 lao động thời vụ, với mức lương của mỗi lao động là 5 triệu đồng/người/tháng. 
 
Hàng năm, gia đình ông còn giúp đỡ cho 5 hộ hội viên nghèo thoát nghèo, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, tư vấn giúp đỡ cho 10 hộ hội viên nông dân từ kinh tế trung bình thành hộ có thu nhập cao và hàng năm ủng hộ 20 triệu đồng cho Quỹ khuyến học khuyến tài, Quỹ vì người nghèo, bếp ăn tình thương của huyện, ủng hộ đồng bào thiên tai lũ lụt, nạn nhân chất độc da cam… Năm 2015, gia đình ông ủng hộ kinh phí xây dựng đường điện thắp sáng đường quê cho thôn Phi Có, xã Đạ R’Sal 17 triệu đồng…
 
Nói về tâm huyết đầu tư nhà máy nước để cho dân có nguồn nước sạch sử dụng trong sinh hoạt, ăn uống, ông Thân chia sẻ: Do nguồn nước phục vụ sinh hoạt trong khu vực ngày càng có dấu hiệu cạn kiệt, lượng phèn và thạch tín (a-sen) vượt quá cao không đảm bảo cho sức khỏe của nhân dân. Để đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của các hội viên nông dân, hiện nay, tôi đứng ra chủ trì xin phép xây dựng nhà máy nước sạch sinh hoạt tại xã Đạ R’Sal với tổng vốn dự toán 29 tỷ đồng, đã được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận cho chủ trương khảo sát thiết kế, dự kiến thi công vào quý II năm 2017, với công suất nhà máy 1.200 m3/ngày đêm, nguồn vốn do một số hội viên Hội Nông dân đóng góp cổ phần, còn lại vay vốn ưu đãi của Nhà nước. Ban quản lý dự kiến làm nhà máy sản xuất nước sinh hoạt, quản lý khai thác lòng hồ thủy lợi Đạ Chao, quản lý hệ thống thủy lợi, sản xuất nước uống đóng chai sẽ giải quyết công ăn việc làm cho 20 - 30 lao động tại địa phương/năm. Bản thân tôi mong muốn có điều kiện đóng góp công sức của mình nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng thành công nông thôn mới của xã nhà, giúp cho bà con được bảo vệ và cải thiện sức khỏe từ nguồn nước sạch này.
 
AN NHIÊN