Chung tay thực hiện Chương trình Sức khỏe Việt Nam

06:09, 20/09/2019

Ngày 2/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1092/QÐ-TTg về Chương trình Sức khỏe Việt Nam, triển khai trên quy mô toàn quốc, nhằm huy động, phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, bộ, ngành, địa phương...

Ngày 2/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1092/QÐ-TTg về Chương trình Sức khỏe Việt Nam, triển khai trên quy mô toàn quốc, nhằm huy động, phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, bộ, ngành, địa phương và các tổ chức xã hội cùng xây dựng môi trường hỗ trợ, huy động sự tham gia của người dân và cộng đồng thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng sống của người Việt Nam.
 
Chương trình đề ra 3 mục tiêu cụ thể: Bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe cho người dân. Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng, chủ động dự phòng các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe nhằm phòng tránh bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Thực hiện quản lý, chăm sóc sức khỏe liên tục, lâu dài tại tuyến y tế cơ sở để góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân.
 
Trong giai đoạn 2018 - 2030, Chương trình Sức khỏe Việt Nam tập trung thực hiện 28 chỉ tiêu của 11 lĩnh vực sức khỏe ưu tiên, gồm: Dinh dưỡng hợp lý; vận động thể lực; chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh; phòng chống tác hại thuốc lá; phòng chống tác hại rượu, bia; vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm; phát hiện sớm và quản lý bệnh không lây nhiễm; chăm sóc sức khỏe ban đầu; sức khỏe người cao tuổi; sức khỏe người lao động.
 
Chương trình Sức khỏe Việt Nam được xây dựng trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong việc cải thiện các chỉ số sức khỏe, kiểm soát bệnh tật và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, như: Chất lượng cuộc sống của người dân còn hạn chế do bệnh tật; tầm vóc, thể lực của người Việt Nam còn phát triển chậm; gia tăng nhanh của gánh nặng bệnh không lây nhiễm; gia tăng các yếu tố nguy cơ về hành vi và môi trường; già hóa dân số.
 
Chương trình đặt nhiều chỉ tiêu cụ thể, trong đó đến năm 2025 và 2030, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi còn lần lượt là dưới 20% và dưới 15%; tăng chiều cao trung bình của thanh niên (18 tuổi) lên mức 167 cm và 168,5 cm (với nam), 156 cm và 157,5 cm (với nữ); giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành xuống 37% và 32,5%...
 
Lâm Ðồng đã và đang thực hiện những mục tiêu của Chương trình Sức khỏe Việt Nam đề ra và đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận. 
 
Các chỉ tiêu thiên niên kỷ đạt ở mức cao trong khu vực. Năm 2018, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,14%; tỷ lệ giới tính khi sinh 106 nam/100 nữ; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi 19,6%; tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân 82,6%; tỷ lệ xã đạt chuẩn bộ tiêu chí quốc gia về y tế 95,9%; số bác sĩ/vạn dân 7,3 bác sĩ; tuổi thọ trung bình khoảng 73 tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành còn ở mức cao 50,04%. 
 
Công tác y tế dự phòng chủ động phòng chống dịch bệnh, triển khai tốt các chương trình y tế, tăng cường công tác giám sát, phát hiện, khoanh vùng, xử lý ngay khi phát hiện các ca bệnh truyền nhiễm đầu tiên, vì thế trong những năm qua, không có dịch lớn và cũng không có các vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng nhiều người mắc xảy ra trên địa bàn tỉnh. Chương trình tiêm chủng mở rộng được chú trọng, năm 2018, toàn tỉnh đã tiêm chủng đầy đủ cho 23.746 trẻ em đạt 96,26%. Các chỉ tiêu tiêm chủng đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra vì thế đã góp phần tích cực vào phòng chống dịch, bệnh của địa phương. Công tác khám, chữa bệnh năm 2018 toàn tỉnh khám bệnh cho hơn 2,4 triệu lượt người; số ngày điều trị nội trú trung bình 5,4 ngày/bệnh nhân; công suất sử dụng giường bệnh đạt 105,9%. 
 
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu của Chương trình Sức khỏe Việt Nam, thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trước hết là nâng cao nhận thức và đề cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ban, ngành, đoàn thể và của cả hệ thống chính trị, toàn dân đối với công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Tuyên truyền các hành vi, lối sống có lợi cho sức khỏe nhằm tạo ra phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, bền vững, trở thành thói quen, nếp sống văn hóa trong cộng đồng dân cư.
 
Cùng với làm tốt công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh, cần cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người dân, đặc biệt là tại tuyến cơ sở để mọi người dân được kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật, được tư vấn, hướng dẫn, chăm sóc, điều trị, quản lý sức khỏe liên tục tại nơi sinh sống, nhất là đối với những người mắc các bệnh mạn tính và người cao tuổi. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm thiểu các yếu tố nguy cơ có hại cho sức khỏe, trong đó chú trọng giảm tiêu thụ thuốc lá, đồ uống có cồn, nước ngọt có đường, thực phẩm chế biến sẵn và các sản phẩm có nguy cơ gây bệnh. Cải thiện và bảo vệ môi trường sống như đất, nước, không khí, rác thải, tiếng ồn, nhà vệ sinh, sóng điện tử. Phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông, tai nạn lao động, đuối nước ở trẻ em. 
 
Một số giải pháp chủ yếu: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Chủ động phòng chống dịch bệnh, phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia gắn với đổi mới công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của y tế cơ sở. Cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe gắn với nâng cao y đức và thái độ phục vụ, đồng thời khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện. Nâng cao sức khỏe nhân dân gắn với cải thiện chế độ dinh dưỡng và tích cực rèn luyện thân thể. Đổi mới hệ thống quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế; phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng rộng rãi khoa học - công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế về y tế. Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp dược và trang thiết bị y tế, bảo đảm cung ứng kịp thời nhu cầu cho công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
 
Đồng thời, mỗi người dân cùng chung tay thực hiện 9 hành động thiết thực do Bộ Y tế khuyến cáo để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của chính mình: Tập thể dục giữa giờ nhanh, vui, khỏe; thực hiện 10 nghìn bước chân mỗi ngày; ăn giảm muối, đường, ăn nhiều rau xanh trái cây để tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật; không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia; đo đường máu ít nhất một năm một lần để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường; sàng lọc phát hiện sớm để chữa khỏi ung thư; chuyển động vì lá phổi khỏe mạnh; hiến máu cứu người một nghĩa cử cao đẹp; mỗi người hãy nhớ số đo huyết áp như số tuổi của mình.
 
TS-BS NGUYỄN VĂN LUYỆN