Kiểm soát các bệnh không lây nhiễm

06:11, 07/11/2019

Có bốn loại bệnh không lây nhiễm chính được quan tâm hiện nay là: các bệnh tim mạch (như nhồi máu cơ tim và đột qụy...), các thể ung thư, bệnh hô hấp mạn tính (như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản) và đái tháo đường.

Có bốn loại bệnh không lây nhiễm chính được quan tâm hiện nay là: các bệnh tim mạch (như nhồi máu cơ tim và đột qụy...), các thể ung thư, bệnh hô hấp mạn tính (như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản) và đái tháo đường.
 
Ngành Y tế Lâm Đồng tuyên truyền về chương trình sức khỏe Việt Nam, phòng chống bệnh tật, nhất là các bệnh không lây nhiễm
Ngành Y tế Lâm Đồng tuyên truyền về chương trình sức khỏe Việt Nam, phòng chống bệnh tật, nhất là các bệnh không lây nhiễm
 
Bệnh không lây nhiễm thường là các bệnh mạn tính, bao gồm những bệnh không có khả năng lây truyền, có thời gian bị bệnh dài và nhìn chung tiến triển chậm. Bệnh tạo ra gánh nặng bệnh tật nặng nề do tỷ lệ tàn phế và chết yểu cao. Nguy cơ mắc bệnh chủ yếu do lối sống có hại cho sức khỏe và các yếu tố môi trường không thuận lợi. Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm. Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới 70% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc. Nguyên nhân do sự gia tăng của các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đặc biệt là các hành vi như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý và thiếu vận động thể lực. Tuy nhiên, nhiều nguy cơ bệnh không lây nhiễm có thể dự phòng được.
 
Nhóm bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam là nhóm có tỷ lệ tử vong cao nhất, chiếm khoảng 73%, bao gồm: các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, tim mạch. Theo thống kê hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam ước chiếm khoảng trên 4% dân số và khoảng 10% dân số khác mắc tiền đái tháo đường, thực trạng này vẫn đang gia tăng. Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ gia tăng nhanh bệnh lý đái tháo đường. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người bệnh chưa được phát hiện và điều trị. Chỉ có 28,9% người bệnh đái tháo đường được quản lý tại các cơ sở y tế. Hàng năm, Quỹ BHYT chi hàng ngàn tỷ đồng để chẩn đoán và điều trị cho các trường hợp mắc bệnh đái tháo đường. Trường hợp bệnh nhân có biến chứng do bệnh đái tháo đường có chi phí gấp đôi bệnh nhân không có biến chứng. Tổng chi phí điều trị bệnh nhân có biến chứng đái tháo đường ở Việt Nam năm 2017 là 6.824 tỷ/9.696 tỷ đồng (chiếm 70%).
 
Tại Lâm Đồng, công tác phòng chống các bệnh không lây nhiễm được triển khai tại hệ thống các trạm y tế trong tỉnh, tập trung cho hoạt động truyền thông và khám sàng lọc, quản lý điều trị bệnh nhân ngay tại y tế cơ sở. Hàng năm, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hoạt động phòng chống ung thư theo quy định; 100% các huyện, thành phố triển khai thực hiện truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống ung thư đến xã, phường, thị trấn, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống và phát hiện sớm bệnh ung thư, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư. Đẩy mạnh hoạt động thông tin truyền thông về bệnh ung thư và các yếu tố nguy cơ, biện pháp phòng và phát hiện sớm một số bệnh ung thư thường gặp nhằm tăng tỷ lệ hiểu biết đúng của người dân về kiến thức phòng chống ung thư. 80% cán bộ hoạt động trong dự án được đào tạo nâng cao nghiệp vụ phòng chống ung thư. Thực hiện giám sát các hoạt động phòng chống ung thư tại 12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tổ chức 1 lớp tập huấn chẩn đoán và điều trị các bệnh ung thư thường gặp cho 69 cán bộ y tế thực hiện công tác phòng chống ung thư.
 
Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống bệnh tim mạch được triển khai ở 100% xã, phường, thị trấn. Thành lập và duy trì 12 đơn vị tư vấn và điều trị tăng huyết áp, thực hiện khám sàng lọc và quản lý tăng huyết áp tại 12 huyện, thành phố. Tổ chức khám sàng lọc tăng huyết áp cho nhóm 25 - 60 tuổi, hiện chương trình đang quản lý, điều trị cho 26.500 bệnh nhân tăng huyết áp theo phác đồ của Bộ Y tế. Tiếp tục truyền thông giáo dục sức khỏe, phòng chống tăng huyết áp cho người dân, qua đó nâng cao nhận thức dự phòng, phát hiện sớm, điều trị kịp thời bệnh tăng huyết áp. Tổ chức 1 lớp tập huấn hướng dẫn cho 71 học viên là nhân viên y tế các huyện, xã và 2 lớp tập huấn phòng và chống các bệnh tim mạch cho 64 học viên là cán bộ y tế thực hiện dự án. Triển khai giám sát công tác phòng chống bệnh tim mạch tại 12 huyện, thành phố.
 
Hoạt động phòng chống bệnh đái tháo đường trong 9 tháng đầu năm 2019 đã khám điều trị cho 33.219 lượt bệnh nhân đái tháo đường và tiền đái tháo đường tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh và các huyện triển khai dự án. Tổ chức 3 lớp tập huấn khám sàng lọc, điều tra đái tháo đường trong cộng đồng cho 209 học viên là cán bộ y tế thực hiện công tác phòng chống đái tháo đường các huyện, thành phố; xã, phường, thị trấn. Tổ chức khám sàng lọc điều tra đái tháo đường tại 14 xã trên địa bàn tỉnh cho 3.000 người, phát hiện 103 người đái tháo đường và 920 người tiền đái tháo đường.
 
Về phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và Hen phế quản tại Lâm Đồng: Tỷ lệ người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được phát hiện sớm đạt 27% (chỉ tiêu quốc gia là 35%) và tỷ lệ người phát hiện bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được điều trị theo hướng dẫn chuyên môn là 26% (chỉ tiêu quốc gia là 35%) và tỷ lệ người bệnh hen phế quản được điều trị đạt kiểm soát hen hoàn toàn là 9% (chỉ tiêu quốc gia là 15%). Hiện có 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh tổ chức thực hiện hoạt động phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và Hen phế quản và tỷ lệ bác sĩ, kỹ thuật viên được đào tạo kiến thức đạt 80% đạt chỉ tiêu giao. Trong 9 tháng đầu năm 2019, chương trình quản lý điều trị cho 425 bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và 460 bệnh nhân hen phế quản. Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà được chọn triển khai mô hình điểm quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản tại cơ sở. Triển khai thực hiện các hoạt động phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản tại tỉnh theo quy định của Ban quản lý dự án Bệnh viện Bạch Mai, đã tổ chức lớp tập huấn cho 40 học viên là các bác sỹ, cán bộ phụ trách hoạt động bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản trong toàn tỉnh.
 
AN NHIÊN