Học nghề miễn phí cùng La San

05:11, 06/11/2019

La San với tên gọi đầy đủ là Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp tư thục La San Đà Lạt nằm ngay trên đường Triệu Việt Vương - Đà Lạt đã hoạt động trong hơn 2 năm qua, chủ yếu dạy nghề miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

La San với tên gọi đầy đủ là Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp tư thục La San Đà Lạt nằm ngay trên đường Triệu Việt Vương - Đà Lạt đã hoạt động trong hơn 2 năm qua, chủ yếu dạy nghề miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
 
Học viên thực hành trong lớp học may.
Học viên thực hành trong lớp học may.
 
Tìm một cơ hội mới
 
Với anh Đông Văn Thành, 35 tuổi, người ở Phường 9, Đà Lạt, La San là nơi mang đến cho anh hy vọng về một cơ hội mới cho cuộc đời mình.
 
Một tai nạn bất ngờ nhiều năm trước đã khiến anh Thành trở thành người tàn tật. Để mưu sinh, ngày ngày anh rong ruổi trên một chiếc xe máy 3 bánh bán hàng rong, anh bán những thứ lặt vặt cho mọi người trên phố, cho du khách, từ chiếc bút viết, hộp quẹt, bông ráy tai... “Cũng là cuộc sống, ngày kiếm được ít nhiều gì cũng được để xoay xở khỏi làm phiền ai nhiều” - anh tâm sự.
 
Và rồi một người bạn tàn tật đã nói với anh về chỗ học nghề miễn phí này, vậy là anh đến đây, coi thử có nghề gì cho mình học không. Và anh Thành chọn học nghề vẽ.
 
Tại đây anh Thành học vẽ các họa tiết trang trí cho áo dài với hoa, lá, các hoa văn dân tộc... Sức khỏe yếu, tay anh cầm bút vẽ lâu không được, anh học rất chậm, nhưng mọi người nơi đây trong lớp luôn sẵn lòng giúp anh, hằng ngày cô giáo dạy vẽ vẫn đứng bên anh chỉ bảo tận tình. “Tôi muốn có một công việc tương đối ổn định chút, vì tuổi đã lớn, không thể mãi lang thang ngoài phố trong những ngày mưa gió được. Học nghề cũng mong sau này có thể kiếm sống được bằng nghề này” - anh Thành nói.
 
Một trong những lý do và cũng là động lực để anh Thành theo đuổi nghề vẽ chính là từ lời khuyên của anh Phạm Hoàng, cũng là một trong những học viên của lớp vẽ này. 
 
Năm nay 40 tuổi, người ở Phường 4, Đà Lạt, anh Hoàng có gia cảnh khó khăn, trước khi học nghề anh chính là một “thợ đụng” - đụng gì làm nấy, làm vườn, chăm sóc cây, phụ việc xây dựng... Khi biết Trung tâm La San có dạy nghề miễn phí, anh cũng thử đến và chọn nghề vẽ trang trí áo dài. Tại lớp học nghề này, anh Hoàng như tìm đúng công việc của đời mình vì anh vốn rất khéo tay, học rất nhanh, giờ anh đã làm công ăn theo sản phẩm cho Trung tâm trong việc vẽ trang trí áo dài, áo thêu. 
 
“Không quá khó để học một nghề, nếu mình chịu khó học và có người giúp đỡ. Trước giờ tôi cứ làm việc tay chân vì không có điều kiện học nghề, cho nên khi đến đây, được học nghề miễn phí tôi rất mừng và cũng mong ngày càng thêm nhiều người khó khăn như tôi biết và tìm đến chỗ này học nghề, có giỏi tay nghề thì mới có hy vọng cải thiện được đời sống của mình” - anh Hoàng mộc mạc.
 
Nhưng trong lớp nghề nơi đây cũng có những người không phải quá khó khăn nhưng vẫn đến đây, chỉ đơn giản học một nghề cho biết, cho vui cuộc sống, như bà Nguyễn Hồng Hạnh, người Phường 1, Đà Lạt chẳng hạn.
 
Bà Hạnh lâu nay làm nghề buôn bán, vài năm nay công việc kinh doanh này bà đã chuyển lại cho con, chỉ còn ở nhà chăm sóc gia đình, trông cháu. Bà thích nghề may nhưng suốt bao lâu cặm cụi bận rộn với cửa hàng không có thời gian theo đuổi chuyện may vá, nên nay rảnh rỗi bà đăng ký học may. 
 
Lớp học của bà Hạnh có 6 học viên, mỗi người một hoàn cảnh nhưng bà cho biết đến lớp rất vui, mới hơn 1 tháng đường may của bà đã thẳng, đã có thể sửa chữa chút ít áo quần trong nhà. Bà Hạnh cho biết đang muốn học ở đây lâu lâu chút đủ để có thể cắt, thiết kế trang phục theo ý mình. 
 
Hỗ trợ người nghèo
 
Với mục tiêu hỗ trợ người nghèo học nghề, ưu tiên tiếp nhận những người kém may mắn trong xã hội, giúp họ có được một cơ hội vươn lên, có nghề nghiệp để mưu sinh, giúp các trẻ em nghèo được đi học và có mái nhà nội trú, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp tư thục La San tại Đà Lạt được thành lập và bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối năm 2016, Trung tâm này do Nhà dòng La San Việt Nam và các cựu sinh viên đã từng học, từng làm việc ở các trường La San trước đây, cùng một số nhà hảo tâm đầu tư.
 
Hiện nơi đây đã có 6 nghề được dạy miễn phí gồm cắt tóc, vẽ trang trí ứng dụng, may, xây dựng, sửa xe máy và vì ở thành phố Đà Lạt với nghề rau hoa nên trường cũng có nghề nuôi cấy mô. Cùng đó, Trung tâm còn có các lớp dạy tiếng Anh và điện tử phục vụ cho các học viên đang học tại trường.

Theo Ban Quản lý, Trung tâm La San Đà Lạt có tổng diện tích 3 ha, gồm 5 khu, khu lớp học là dãy nhà 3 tầng khang trang phía trước với các lớp học rất rộng rãi; khu nội trú; nhà ăn, khu văn phòng và khu ứng dụng nông nghiệp. 

Để dạy nghề, Trung tâm đã liên kết đào tạo với hai trường gồm Trung cấp Xây dựng TP HCM và Trung cấp Nghề Kỹ thuật Công nghệ TP HCM nên chất lượng, theo Ban đào tạo khẳng định, được đảm bảo. Trung tâm hiện có 12 giáo viên dạy nghề, trong đó 5 giáo viên là các sư huynh ở tại Nhà dòng La San, 7 giáo viên được mời về dạy nghề.
 
Hầu hết các lớp học nghề nơi đây đều được trang bị dụng cụ học tập đầy đủ, với những học viên có gia cảnh khó khăn, không chỉ được học miễn phí mà Trung tâm nơi đây còn hỗ trợ chỗ ở nội trú và trang bị dụng cụ học tập. 
 
Trung tâm hiện cũng đang duy trì một lớp học tình thương dạy học cho các trẻ em nghèo, bị thiểu năng ở lớp 6, cùng một lớp dạy Anh văn giao tiếp cho học sinh, sinh viên và mọi người rộng rãi.
 
Riêng với nghề nuôi cấy mô, theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giáo vụ Trung tâm, các học viên vào học nơi đây khi hoàn tất khóa học có thể ra ngoài tìm việc hoặc có thể ở lại đây làm việc cho Trung tâm nếu muốn vì khu ứng dụng nông nghiệp nơi đây rộng trên 5 sào, có các trang thiết bị cấy mô hiện đại. Khu ứng dụng này còn có thể mở cửa cho các sinh viên các trường cao đẳng, đại học đến thực tập và nghiên cứu tại đây.
 
Do mới hoạt động gần đây nên vẫn chưa nhiều người biết đến nơi học nghề miễn phí này tại Đà Lạt. Hiện nay, theo bà Anh, Trung tâm chỉ có hơn 20 học viên cho các lớp học nghề trên, mỗi lớp chỉ chừng 5 - 7 học viên. Các khóa học nghề nơi đây thường kéo dài khoảng 3 tháng, với những học viên có khả năng chi trả học phí thì Trung tâm chỉ thu mỗi tháng là 500 ngàn đồng đủ để trang trải lương cho các thầy cô giáo dạy nghề, những học viên có hoàn cảnh khó khăn thì miễn phí hoàn toàn và được hỗ trợ các dụng cụ để học nghề. “Chúng tôi sẽ nỗ lực quảng bá để nhiều người, nhất là những người có gia cảnh khó khăn tại Đà Lạt và trong tỉnh có thể đến đây học nghề nhiều hơn” - bà Anh cho biết.
 
GIA KHÁNH - BÍCH LÊ