Trường Sa miền nhớ (Bài cuối)

06:04, 22/04/2020

Hưởng ứng lời kêu gọi tất cả cho Trường Sa, ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân chung tay, góp sức cho một Trường Sa "lớn lên" từng ngày...

Hưởng ứng lời kêu gọi tất cả cho Trường Sa, ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân chung tay, góp sức cho một Trường Sa "lớn lên" từng ngày.

[links()]
Tiếng gọi thiêng nơi đầu sóng 
 
Hưởng ứng lời kêu gọi tất cả cho Trường Sa, ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân chung tay, góp sức cho một Trường Sa “lớn lên” từng ngày. Nhưng có lẽ, điều ý nghĩa và đáng quý hơn cả, là ở nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, có một thế hệ trẻ đang ngày đêm vững chắc tay súng giữa biển trời, hiên ngang chống chọi lại với từng lớp “sóng” dữ để nối tiếp truyền thống cha ông, gìn giữ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng.
 
Tạm biệt đất liền
Tạm biệt đất liền
 
Đáp tiếng gọi khi Tổ quốc cần
 
Mỗi năm, hàng ngàn lá đơn tình nguyện ra công tác, làm nhiệm vụ ở 21 đảo lớn, nhỏ trên quần đảo Trường Sa được viết bởi những chàng trai ở độ tuổi mười tám, đôi mươi. Không còn giống thời kỳ gác bút nghiên lên đường chiến đấu như cha ông xưa, những thanh niên ngày nay đã tạm gác lại những mộng ước tuổi trẻ, cất giấu tình cảm cá nhân trong tim để xung phong đến nơi đầu sóng ngọn gió.
 
“Chẳng nhẽ Trường Sa chỉ có các bác, các chú, các anh. Tuổi trẻ phải một lần đến với Trường Sa để thấu hiểu, biết trân quý những giá trị mà bản thân mình được hưởng từ khi sinh ra, lớn lên”, tôi ấn tượng với câu nói ấy của Thiếu úy trẻ Đàm Bình Dương, bác sĩ Quân y trên đảo Đá Tây A. Dù mang tên Bình Dương nhưng quê chàng trai sinh năm 1995 lại ở mãi Quảng Ninh. Bình Dương sinh ra trong một gia đình có truyền thống khi bố và ông nội đều là quân nhân. Ông nội đi Trường Sa trước khi bố mẹ cậu gặp nhau. Bố cũng đi Trường Sa trước lúc cậu chào đời. Tất cả hình ảnh về Trường Sa gieo vào cậu bé Bình Dương thông qua lời kể của cha, ông. Để đến hôm nay, sau nửa năm công tác, nắng gió Trường Sa đã kịp “phủ” lên cậu bằng một làn da bánh mật cùng nụ cười rạng rỡ, hồn hậu của một người trẻ đầy nhiệt huyết. 
 
Trước khi tình nguyện ra công tác ở đảo, Bình Dương đã có những chuyến tình nguyện đến vùng sâu, vùng xa từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thế nhưng, được nếm trải sự khắc nghiệt của bão táp mưa sa là điều Bình Dương vẫn luôn ấp ủ. Cậu tâm sự: Lúc đầu em cứ nghĩ lựa chọn môi trường quân đội chỉ đơn giản là theo truyền thống gia đình nhưng rồi bất chợt nhận ra bản thân mình đã yêu màu xanh áo lính tự khi nào. Lần đầu được nhìn thấy biển, em đã thích và muốn gắn bó. Cứ mỗi chiều ngồi ngắm biển, em lại nhớ về những điều mà ông nội và bố đã kể. Thực tế dù có khắc nghiệt nhưng đã khác những gì được nghe kể trước đây. Biển đảo hôm nay xanh hơn, đẹp hơn, mọi thứ cũng dần được trang bị đầy đủ hơn. Đơn giản như việc em thỉnh thoảng được gọi điện về nhà nói chuyện với gia đình chứ không phải chờ tin tức từ những cánh thư như trước nữa. 
 
Khác với Bình Dương, chiến sĩ trẻ Đặng Minh Tiến (sinh năm 2000) “nảy sinh” tình cảm ấy muộn hơn, sau ngày chính thức nhập ngũ. Rời Hải Dương vào đến Cam Ranh, thời gian tham gia huấn luyện trước khi ra đảo đã hun đúc trong Tiến một tình cảm gắn bó với lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam. Ở đảo Trường Sa Đông, Minh Tiến là chiến sĩ thông tin và cũng là đầu bếp của bộ phận. Từ chỗ chẳng biết làm gì khi ở nhà, nay cậu thấy mình trưởng thành lên rất nhiều, mọi công việc huấn luyện, học tập, tăng gia sản xuất, tự sắp xếp đời sống cá nhân đều thành thục. Những lúc rảnh rỗi, Tiến cũng đang tự học tiếng Anh và ấp ủ sau này khi ra quân sẽ đăng ký thi vào Học viện Hải quân.
 
Lời tâm tình, dặn dò chiến sĩ mới của Trung tá Nguyễn Tiến Tảo (đảo Trường Sa Đông) trước lúc hoàn thành nhiệm vụ.
Lời tâm tình, dặn dò chiến sĩ mới của Trung tá Nguyễn Tiến Tảo (đảo Trường Sa Đông) trước lúc hoàn thành nhiệm vụ.
 
“Gieo” chữ nơi biển đảo
 
Đó là cách mà thầy giáo Bành Hữu Tình (quê ở Cam Lâm, Khánh Hòa) nói về công việc hiện tại của mình. Giữa biển khơi mênh mông, dáng dấp nhỏ bé của thầy Tình gánh một trọng trách lớn lao, “gieo” kiến thức cho những công dân nhỏ của thị trấn Trường Sa.
 
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, thầy Tình có 13 năm làm công tác chuyên môn ở đất liền. Còn độc thân, ít vướng bận việc gia đình nên cách đây 2 năm, khi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa tuyển giáo viên ra Trường Sa công tác, thầy Tình đã mạnh dạn làm đơn đăng ký. “Mình vẫn còn nhớ cảm giác lần đầu tiên được đặt chân lên mảnh đất Trường Sa thiêng liêng và anh hùng, thật xúc động, tự hào biết bao”, thầy Tình tâm sự. 
 
Dưới tán bàng vuông, giọng nói thầy Tình thỏ thẻ, nhẹ nhàng như cái cách mà thầy đang dạy trong lớp học đặc biệt “5 trong 1” này gần 2 năm nay. Thầy Tình cũng thú thật rằng thâm niên 13 năm của mình cũng không giúp thầy thoát khỏi cảm giác bỡ ngỡ lúc đầu khi dạy 5 học trò ở 4 lớp học khác nhau cùng học trong một phòng và một khung giờ học, dù thầy đã chuẩn bị tâm lý rất kỹ càng. Thế nhưng, dường như có điều gì đó vô hình giúp đám trẻ cũng hiểu được hoàn cảnh đặc biệt của mình nên đã nhanh chóng đi vào nề nếp, ổn định. Cha mẹ chúng thi thoảng lại đem đến trường ít trà, gói bánh như một cách quan tâm thật giản dị đến “người lái đò” đặc biệt này.  
 
Càng gắn bó, thầy càng thêm thấu hiểu những “đứa con của biển”. Biết các em ở đây thiệt thòi nên thầy đã dành gần như toàn bộ thời gian của mình để quan tâm, dạy dỗ các em. Không chỉ đơn thuần là dạy kiến thức mà thầy Tình còn giúp các em phát triển thêm những kỹ năng sống. “Dù cố gắng thế nào thì cũng phải thừa nhận rằng các em ở đây thiếu thốn rất nhiều so với trong đất liền, nhất là nền tảng về ngoại ngữ, tin học. Thay vào đó, mình khuyến khích các em phát triển nhiều về năng khiếu cá nhân, chú trọng giáo dục về tình yêu biển, đảo, yêu quê hương đất nước, giúp các em hiểu được nơi mình đang sống. Mình cũng chỉ biết dành hết tất cả những gì tốt đẹp nhất để tương lai khi vào bờ, các em có thể theo kịp bạn bè cùng trang lứa”, thầy giáo Bành Hữu Tình chia sẻ.
 
Lớp học đặc biệt ở Trường Sa
Lớp học đặc biệt ở Trường Sa
 
Lớn lên trong điều kiện còn nhiều khó khăn so với đất liền nhưng thứ quý giá nhất mà mỗi công dân nhỏ ở Trường Sa nhận được chính là tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo. Điều dễ nhận biết nhất là khi mỗi đứa trẻ ở đây đều rất ngoan, luôn chủ động cất lời chào người lớn, kể cả là những người xa lạ như các thành viên trong đoàn công tác chúng tôi. Nhớ hôm ở Trường Sa Lớn, có một tiết mục tốp ca đặc biệt trong đêm văn nghệ mừng Đảng mừng xuân của tập thể học sinh. “Quê em ở Trường Sa/ Những đảo chìm đảo nổi/ Quê em có biển trời/ Bốn mùa xanh bao la/ Sinh ra ở Trường Sa/ Em là con của biển... Vừa hát, vừa tinh nghịch nhưng chúng vẫn luôn hướng mắt về một phía duy nhất - nơi có thầy giáo của mình đang đứng.
 
***
 
Trường Sa, ngày... tháng... năm...
 
Tôi khép lại cuốn nhật ký ghi ghép hải trình đầu tiên của mình ở Trường Sa và lặng người ngồi nhìn biển qua ô kính tròn bên mạn tàu. Sóng biển vẫn dập dìu nhưng dịu êm và cảm giác chênh chao mỗi ngày trong hải trình sẽ khép lại, sẽ phải xa những tiếng còi tàu chào nhau hay tạm biệt, xa những ánh mắt, nụ cười vừa xa lạ mà cũng thật thân thương…
 
Ước mơ một ngày được đến với Trường Sa nay trọn vẹn trong lồng ngực trái. Có lẽ chẳng riêng tôi mà những người trẻ, dù một hay nhiều lần đến với nơi này đều như thế. Đi để hiểu, để yêu thương và để mình học cách trưởng thành hơn trong khó khăn, thử thách. “Tạm biệt, tạm biệt các anh, mỗi chiến sĩ một pháo đài giữa biển… Quần đảo thiêng liêng, một lần ra mãi nhớ. Mong sẽ một ngày, thăm lại đảo yêu thương”.
 
HỒNG THẮM