''Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất''

06:05, 18/05/2020

Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, phóng viên Báo Lâm Đồng có cuộc gặp gỡ, trao đổi với ThS.Võ Thị Hảo...

Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, phóng viên Báo Lâm Đồng có cuộc gặp gỡ, trao đổi với ThS.Võ Thị Hảo (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng) về ý nghĩa của khoa học, công nghệ (KHCN) đối với đời sống, sản xuất; những định hướng phát triển KHCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. 
 
ThS.Võ Thị Hảo - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng
ThS.Võ Thị Hảo - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng

PV: Thưa bà, ý nghĩa của Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và mối quan hệ giữa khoa học công nghệ với đời sống, sản xuất, là gì? 

 
ThS.Võ Thị Hảo: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải tiến đời sống của Nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi” - Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội nghị Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam ngày 18/5/1963 đã thể hiện quan điểm của Người về mối quan hệ giữa khoa học và sản xuất, khoa học phải gắn với đời sống xã hội. Khoa học phải gắn với thực tiễn, phải từ thực tiễn và quay lại phục vụ chính thực tiễn, phải đáp ứng nhu cầu của sản xuất, phục vụ sản xuất, nhằm nâng cao năng suất lao động và nâng cao đời sống vật chất của Nhân dân. Năng suất lao động cao thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo điều kiện xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Ngày 18/5 trở thành Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam với ý nghĩa tốt đẹp đó.
 
Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của khoa học đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, Sở KHCN Lâm Đồng đã tập trung vào nhiều phong trào: “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Tuổi trẻ tiến quân vào khoa học công nghệ”, “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”… được đông đảo các nhà khoa học, tầng lớp nhân dân hưởng ứng thực hiện. Ngày càng có nhiều công trình, đề tài khoa học, sáng kiến có giá trị cao, được ứng dụng có hiệu quả trên mọi lĩnh vực. KHCN không chỉ khẳng định vai trò và sức mạnh vô cùng to lớn trong các lĩnh vực công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) mà còn trở thành động lực then chốt của sự nghiệp đổi mới và phát triển. Những thành tựu KHCN ngày càng được quan tâm, nghiên cứu, ứng dụng, phổ biến và áp dụng sâu rộng trong thực tiễn, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, xây dựng con người Việt Nam. 
 
Hiện nay, đất nước ta đang tiến hành sự nghiệp CNH, HĐH, hội nhập quốc tế sâu rộng dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế tri thức dần dần giữ vai trò chủ đạo; quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của khoa học và kỹ thuật càng có ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc đã được Đảng ta cụ thể hóa thành các nghị quyết, đề án, chương trình; trong đó, Đảng xác định cùng với giáo dục đào tạo, thì KHCN là quốc sách hàng đầu.
 
Ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp tạo nên loại hình du lịch canh nông
Ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp tạo nên loại hình du lịch canh nông
 
PV: Xin bà cho biết một số nhiệm vụ chủ yếu sẽ được thực hiện để KHCN tỉnh nhà tiếp tục bám sát, phục vụ thiết thực cho sản xuất và đời sống?
 
ThS.Võ Thị Hảo: Thực hiện kế hoạch phát triển KHCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 của UBND tỉnh, tiếp tục thực hiện NQTW6 về “Phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”, đưa KHCN, đổi mới sáng tạo trở thành yếu tố trực tiếp, động lực quan trọng để phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế của tỉnh. Trong thời gian tới, ngành KHCN của tỉnh xác định một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
 
Một là, tập trung nghiên cứu phục vụ phát triển các sản phẩm chủ lực, lợi thế của tỉnh. Nghiên cứu ứng dụng đồng bộ theo chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, thu hoạch đến sơ chế, chế biến, nhằm nâng cao giá trị nông sản như: rau, hoa, chè, cà phê, dược liệu, bò sữa, thịt bò, cá nước lạnh, nấm ăn, nấm dược liệu. Nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp. Thực hiện các nhiệm vụ KHCN theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh; truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực.
 
Hai là, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ bảo vệ môi trường, công nghệ tiên tiến, sản xuất sạch trong công nghệ chế biến nông, lâm, khoáng sản. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học: tế bào, gen, vi sinh trong sản xuất nông nghiệp an toàn, công nghiệp chế biến thân thiện với môi trường. Chuyển giao ứng dụng KHCN phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, phục vụ hiệu quả mục tiêu xây dựng NTM. Ứng dụng công nghệ cao trong điều tra cơ bản, quản lý sử dụng tài nguyên, dự báo thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
 
Ba là, ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển kinh tế, xã hội. Ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến phù hợp trong các lĩnh vực: y tế, nông nghiệp, công nghiệp chế biến và chế tạo, giáo dục đào tạo và dạy nghề, giao thông, xây dựng, tài nguyên môi trường, quốc phòng, an ninh… Xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng số làm nền tảng phục vụ phát triển và ứng dụng công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp 4.0.
 
Cuối cùng là, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học xã hội - nhân văn phục vụ xây dựng chính sách, phát triển du lịch. Đề xuất giải pháp giảm nghèo bền vững phù hợp phát triển kinh tế thị trường; phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và tài nguyên thiên nhiên, đặc thù kinh tế - xã hội địa phương để phát triển sản phẩm du lịch mới. Ứng dụng công nghệ quản lý năng suất, chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm chủ lực trên thị trường trong và ngoài nước.
 
PV: Để thực hiện các nhiệm vụ đó, rất cần những giải pháp, đó là gì
 
ThS.Võ Thị Hảo: Trước hết, cần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí KHCN, đổi mới sáng tạo phục vụ CNH, HĐH và hội nhập. Kịp thời phổ biến những thành tựu, kiến thức KHCN, các mô hình ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu KHCN  có hiệu quả vào thực tế sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh, làm thay đổi tích cực đời sống của đồng bào các dân tộc.
 
Đổi mới cơ chế, tăng cường vai trò quản lý của nhà nước về KHCN. Bổ sung, hoàn thiện và cụ thể hóa các quy định của pháp luật về KHCN phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp phát triển tiềm lực KHCN, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các tổ chức KHCN. Áp dụng hiệu quả định mức tài chính theo cơ chế khoán chi phù hợp quy mô, tính chất nhiệm vụ KHCN của địa phương. Hỗ trợ doanh nghiệp thành lập quỹ phát triển KHCN, nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ phát triển KHCN tỉnh.
 
Củng cố, sắp xếp tổ chức KHCN công lập theo hướng mỗi ngành, lĩnh vực có đơn vị trọng điểm đủ năng lực giải quyết nhiệm vụ KHCN của ngành, của lĩnh vực mình; có hệ thống, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, thực hiện cơ chế tự chủ, để từ đó phát huy sức mạnh. Tăng cường hoạt động chuyển giao công nghệ của tổ chức KHCN liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp. Khuyến khích, thúc đẩy các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư KHCN và khởi nghiệp sáng tạo; đẩy mạnh hợp tác công - tư, tăng cường ứng dụng và chuyển giao công nghệ, triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác đã ký kết, nhằm thúc đẩy việc ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh.
 
Phát triển nguồn nhân lực KHCN theo nhu cầu của các doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Cụ thể hóa chính sách sử dụng cán bộ KHCN theo quy định của Chính phủ, đồng thời phù hợp với thực tế tại địa phương. Có chính sách quan tâm đào tạo, sử dụng, phát triển các tài năng trẻ từ trường phổ thông, đại học để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Thúc đẩy việc gắn kết giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp để đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh. Gắn công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của các viện, trường với chương trình đào tạo nguồn nhân lực KHCN chất lượng cao của tỉnh.
 
Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về KHCN theo hướng tinh gọn, tập trung và hiệu quả, nhằm nâng cao năng lực quản lý. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý KHCN, đổi mới sáng tạo ở các sở, ngành, địa phương, các tổ chức KHCN và doanh nghiệp, đảm bảo đáp ứng chất lượng chuyên môn trong bối cảnh hội nhập quốc tế. 
 
PV: Xin cảm ơn bà!
 
QUỲNH UYỂN (thực hiện)