Đẩy mạnh dạy - học lập trình trong nhà trường

06:06, 05/06/2020

Việc thành lập các Câu lạc bộ Tin học nhằm tạo sân chơi bổ ích, giúp học sinh làm quen với ngôn ngữ lập trình đang được các trường trung học trong tỉnh hướng đến...

Việc thành lập các Câu lạc bộ (CLB) Tin học nhằm tạo sân chơi bổ ích, giúp học sinh làm quen với ngôn ngữ lập trình đang được các trường trung học trong tỉnh hướng đến. Qua đó, góp phần đẩy mạnh việc dạy - học lập trình trong trường phổ thông.
 
Một buổi sinh hoạt của CLB Tin học Trường THCS&THPT Đống Đa
Một buổi sinh hoạt của CLB Tin học Trường THCS&THPT Đống Đa
 
Một buổi sinh hoạt của CLB Tin học Trường THCS&THPT Đống Đa (thành phố Đà Lạt) với sự hào hứng, sôi nổi của cả thầy và trò. Tại đây, các bạn học sinh được các thầy cô giáo dạy môn Tin học hướng dẫn về ngôn ngữ lập trình. Từ đó, thông qua ngôn ngữ lập trình để ứng dụng vào những sản phẩm trong thực tế. Là một trong những thành viên của nhóm học sinh của trường vừa lắp ráp thành công máy trợ thở bằng ngôn ngữ lập trình, Nguyễn Đức Bảo Lâm - lớp 8A4 chia sẻ: “Em thấy rất thích thú khi được tìm hiểu về ngôn ngữ lập trình và càng vui hơn khi cùng các bạn có thể lắp ráp được máy trợ thở. Những buổi sinh hoạt CLB thế này khiến em cảm thấy thoải mái và được tìm hiểu kỹ hơn về ngôn ngữ lập trình để ứng dụng vào thực tế cuộc sống”.
 
Được thành lập vào tháng 1/2020, CLB Tin học Trường THCS&THPT Đống Đa có 3 giáo viên Tin cùng 36 học sinh THCS và 14 học sinh THPT. 
 
“Những học sinh là thành viên CLB đều có chung niềm đam mê Tin học, học khá tất cả các môn, đặc biệt là môn Tin, Toán và Lý. Các em có khả năng tự học và làm việc nhóm rất tốt… Đó là những yếu tố để các em có thể tiếp cận với ngôn ngữ lập trình tốt nhất” - thầy Trần Quang Vĩnh Chánh, giáo viên phụ trách CLB cho biết. 
 
Thuận lợi của việc thành lập CLB Tin học Trường THCS&THPT Đống Đa là ngôi trường có thế mạnh về dạy - học Tin học, nhiều năm có học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh môn Tin học; có học sinh đoạt giải Nhì cấp quốc gia tin học trẻ phần lập trình; nhiều năm có học sinh tham gia và đoạt giải phần mềm sáng tạo trong kỳ thi tin học trẻ cấp thành phố, cấp tỉnh… Tuy mới đi vào hoạt động được 5 tháng, nhưng CLB Tin học Trường THCS&THPT Đống Đa đã đạt được nhiều thành tích với các giải thưởng từ các sản phẩm ứng dụng ngôn ngữ lập trình. Điển hình như các sản phẩm: “Xe lăn cho người khuyết tật đi cầu thang” đoạt giải Tư Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh; “Hệ thống gởi xe tự động” đoạt giải Nhì Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh… Và mới đây nhất là lắp ráp thành công máy trợ thở, được nhà tài trợ là Quỹ Dariu đánh giá xuất sắc nhất trong các sản phẩm cùng loại của các tỉnh, thành khác cùng tham gia dự án. Bên cạnh đó, CLB cũng thực hiện nhiều sản phẩm đang hoàn thiện trong thời gian tới như: “Tủ thuốc thông minh đang phát triển thành robot phát thuốc”, “Nông trại thông minh, nhà thông minh”, “Ứng dụng lập trình Python: Hướng dẫn học sinh chuyển bảng điểm giấy với chữ viết tay vào máy”, “Điểm danh lớp học với xử lý ảnh và raspberry”, “Hệ thống gởi xe tự động qua mainboard Microbit để thi các cuộc thi của Quỹ Dariu”…
 
Lâm Đồng là một trong những địa phương trên cả nước được Quỹ Dariu tài trợ việc dạy học lập trình thông qua dự án Trường học di động. Với những hoạt động hiệu quả của CLB Tin học, Trường THCS&THPT Đống Đa được chọn tham gia dự án do Quỹ Dariu tài trợ. Theo bà Phạm Thị Hồng Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng, với thế mạnh đội ngũ công nghệ thông tin có chuyên môn tốt, học sinh tích cực, từ mô hình của Trường THCS&THPT Đống Đa, Sở khuyến khích các trường thành lập CLB Tin học. Qua đó, đẩy mạnh phong trào dạy và học lập trình trong nhà trường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với xu hướng hiện nay.
 
VIỆT HÙNG