Báo chí phải vì lợi ích đất nước, vì lợi ích Nhân dân

05:06, 18/06/2020

Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập Báo Thanh niên và phát hành số đầu tiên...

Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập Báo Thanh niên và phát hành số đầu tiên. Báo Thanh niên là cơ quan ngôn luận của Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội với chức năng vận động quần chúng trong nước đang chìm đắm trong nỗi thống khổ, ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, phong kiến... vùng lên giành độc lập, tự do. Báo Thanh niên đã đặt nền móng chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và cũng tất yếu là sự khởi đầu của nền Báo chí Cách mạng nước nhà. 95 năm trôi qua, cùng song hành với nhiệm vụ chính trị của Đảng, của đất nước, trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, nền Báo chí Cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh, dìu dắt luôn vượt qua nhiều thử thách, không ngừng trưởng thành, lớn mạnh. 
 
Các nhà báo tác nghiệp. Ảnh: Thụy Trang
Các nhà báo tác nghiệp. Ảnh: Thụy Trang
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam không chỉ sáng lập Báo Thanh niên mà 15 năm sau, khi vừa về Việt Bắc, Người tiếp tục cho ra đời báo Việt Nam độc lập với mục đích, tôn chỉ như một chính cương: “Việt Nam độc lập” thổi kèn loa/ Kêu gọi nhân dân trẻ với già/ Đoàn kết vững bền như khối sắt/ Để cùng nhau cứu nước Nam ta”. Bác là người trực tiếp tổ chức Đại hội những người viết báo Việt Nam (ngày 21/4/1950), đây là sự kiện sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo lớn - bậc thầy, với tấm gương sáng mẫu mực về một nhà báo cách mạng. Trong cuộc đời, Người đã viết hơn 2.000 bài báo và luôn coi báo chí là một kênh thông tin quan trọng, có sứ mệnh giáo dục cán bộ, hướng dẫn Nhân dân, tổ chức phong trào, bày tỏ chính kiến đối với một vấn đề thời cuộc. Người dạy trong Thư gửi Lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, 1948: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, và tổ chức dân chúng đến mục đích chung. Mục đích chung là kháng chiến và kiến quốc”. Trong Thư gửi anh em trí thức Nam Bộ vào năm 1947, Người căn dặn: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”. Năm 1965, Bác khẳng định trong Điện mừng Hội Nhà báo Á Phi: “Đối với những người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh”. 
 
Với nhiệm vụ, trọng trách cao cả, lớn lao đặt ra như vậy thì những người làm báo cách mạng phải có những phẩm chất gì? Tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ II (16/4/1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Những người viết báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì việc khác mới đúng. Cho nên các nhà báo của chúng ta phải có đường lối chính trị đúng”. Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III (tháng 9/1962), Người tiếp tục căn dặn: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa, chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”. Như vậy, làm báo là làm chính trị - tính Đảng, tính nhân dân là yêu cầu đầu tiên, không thể thiếu đối với những “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của Đảng”. 
 
Tác nghiệp tại lễ hội đua voi ở hồ Lắk (Đắk Lắk). Ảnh: Thụy Trang
Tác nghiệp tại lễ hội đua voi ở hồ Lắk (Đắk Lắk). Ảnh: Thụy Trang
 
Trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi báo chí là phương tiện tích cực để tiến hành giáo dục chính trị, lãnh đạo công tác tư tưởng, vũ khí sắc bén trong đấu tranh giai cấp, đấu tranh giải phóng dân tộc, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí là bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Bế mạc Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (12/1/2015), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Trong thời gian qua, báo chí nước ta đã có sự phát triển nhanh chóng và có những đóng góp tích cực, quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.   
 
Thông tin trung thực, khách quan vì lợi ích đất nước, vì lợi ích Nhân dân không chỉ là một trong những quy định cơ bản của đạo đức nghề nghiệp mà còn là một trong những điều luật cơ bản của Luật Báo chí hiện hành. Trong giai đoạn đất nước đang đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH, hội nhập quốc tế; Việt Nam gặp nhiều thời cơ cũng như thách thức đan xen. Một trong những trở ngại lớn là các thế lực ráo riết, rắp tâm nói xấu chủ nghĩa xã hội, “giải thiêng” hạ bệ thần tượng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, gieo rắc hoài nghi và bất hòa trong xã hội... Thực trạng ấy, đòi hỏi báo chí càng phải phát huy cao độ vai trò, chức năng của mình để làm tốt nhiệm vụ chính trị trên lĩnh vực tư tưởng, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, bảo vệ chế độ XHCN, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Mặt khác, báo chí phải nhạy bén, nâng cao tinh thần cảnh giác, sắc sảo đấu tranh có hiệu quả nhằm kiên quyết đập tan những quan điểm, luận điệu sai trái, xuyên tạc; làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, “tự chuyển hóa” của thế lực thù địch. Có như vậy, báo chí mới thể hiện là “bó đuốc soi đường”, tăng cường sự đồng thuận giữa “Ý Đảng, lòng Dân”… Từ đó, báo chí là “kim chỉ nam” hướng tới mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục sự nghiệp đổi mới, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, làm cho nguyên lý cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng và đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội.
 
Anh chị em phóng viên thường trú tại Lâm Đồng, ghi hình dây chuyền chế biến hồng treo gió theo quy trình, kỹ thuật Nhật Bản tại Công ty L'angfarm Đà Lạt. Ảnh: Thụy Trang
Anh chị em phóng viên thường trú tại Lâm Đồng, ghi hình dây chuyền chế biến hồng treo gió theo quy trình, kỹ thuật Nhật Bản tại Công ty L'angfarm Đà Lạt. Ảnh: Thụy Trang
 
Hiện nay, đề cao nội dung “Trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức của người làm báo” đang là vấn đề được báo giới quan tâm. Vấn đề tuy không mới, nhưng tính thời sự, tính thực tiễn của đời sống báo chí đang đặt ra nhiều bức xúc, cũng là vấn đề “nóng” đối với người làm báo. Hơn lúc nào hết, lời dạy của Bác Hồ: “Viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào?”, lúc này càng cần được nhắc nhở, quán triệt đầy đủ cho mỗi nhà báo, hội viên. Nhà báo luôn tâm niệm lời dạy của Người: “Lấy gương tốt trong quần chúng nhân dân và đảng viên mà giáo dục lẫn nhau - đó chính là một cách tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin”. Nghề báo là một trong những nghề được xã hội đặt niềm tin rất cao, vì vậy, từng nhà báo - hội viên phải luôn luôn tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề báo, coi đạo đức nghề nghiệp là lương tâm, trách nhiệm, là danh dự, lòng tự trọng của bản thân.
 
Tự hào về truyền thống vẻ vang 95 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, học tập và làm theo Bác, người làm báo Việt Nam tiếp tục giữ gìn phẩm chất “tâm sáng, lòng trong”, đổi mới mạnh mẽ tư duy, vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; nhạy bén phát hiện và tuyên truyền, cổ vũ điển hình, nhân tố mới. Bên cạnh đó, tăng cường tổng kết thực tiễn, dự báo chính xác và kịp thời tham mưu đề ra các chủ trương, chính sách xử lý có hiệu quả những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn, giải quyết tốt các mối quan hệ lớn phản ánh quy luật đổi mới và phát triển ở nước ta; đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu thâm độc, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Từ đó, báo chí góp phần: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ XHCN; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.    
 
NGUYỄN THANH